Đừng để bị lừa vì sản phẩm gắn mác 'tự nhiên'!

Nhiều nhà sản xuất đã rất khôn khéo trong việc sử dụng chữ 'tự nhiên' để quảng cáo trên bao bì sản phẩm của mình. Đó là chiến thuật chung nhất của các nhãn hàng nhằm lập lờ về mặt từ ngữ hòng chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng.

Hiện nay, trên thị trường “tràn ngập” những loại thực phẩm chứa đầy chất hóa học độc hại được nhiều cơ quan báo đài khuyến cáo, cảnh báo tới người tiêu dùng. Nhờ dòng chữ “Hoàn toàn tự nhiên” hoặc “Nguyên chất 100%” trên bao bì các hãng sản xuất đã chiếm được “cảm tình” của người sử dụng. Nhưng liệu những cái mác đó có đáng tin đến vậy?

Người tiêu dùng thường ít quan tâm đến thành phần khi mua hàng.

Có thật sự “100% nguyên chất”?

Khi mua một sản phẩm, người tiêu dùng thường quan tâm đến hạn sử dụng, mẫu mã bao bì… là chủ yếu, cùng lắm là lựa chọn các hãng có uy tín trên thị trường, ít ai quan tâm đến thành phần tạo nên một sản phẩm.

“Tôi thường mua sữa của các nhãn hàng như Vimamik, Hanoimilk chứ cũng chả quan tâm thành phần và loại sữa gì. Cứ thấy đề trên nhãn sữa tươi 100% là mua thôi vì tin tưởng sự trung thực của các nhà sản xuất” - chị Thanh Tâm (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết.

Người tiêu dùng sẽ dễ “xiêu lòng” trước những từ ngữ, hình ảnh bóng bẩy ở mặt trước bao bì. Bởi vì chiến thuật chung nhất của các nhãn hàng là lập lờ về mặt từ ngữ, họ thường sử dụng những cụm từ như: Tự nhiên, nguyên chất... cho dù nó chẳng như vậy!

Bột kokkoh có thành phần (gạo tẻ lứt, nếp lứt, đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, đậu nành, hạt sen, ý dĩ, kê,vừng), tuy rất dài nhưng không hề chứa chất hóa học.

Thường thì nếu thành phần hoàn toàn tự nhiên, nhà sản xuất sẽ không ngần ngại khoe ngay như: Màu tự nhiên từ gấc hay 100% từ khoai tây, thay vì dùng những cụm từ chung chung như: Hương liệu tự nhiên (natural flavorings), chất tạo màu tự nhiên (natural colorings).

Trên thực tế, chính cái mác “tự nhiên” này đã khiến không ít người “sập bẫy”, nó đang dần xuất hiện đại trà trên bao bì của nhiều loại thực phẩm có trên thị trường, nhằm chiếm trọn cảm tình của những người tiêu dùng. Đó chính là lý do những công ty sản xuất bánh kẹo luôn rất tự tin quảng cáo về thành phần trái cây “tự nhiên” bên trong chiếc bánh chứa phần lớn đường hóa học.

Cụ thể, trên vỏ lon 7-Up nhà sản xuất tự tin “tuyên bố” sản phẩm của mình được tạo ra từ những thành phần hoàn toàn tự nhiên, mà cụ thể ở đây là hương chanh tự nhiên. Thực chất, bên trong lon nước này chẳng có gì ngoài nước, hương liệu và đường hóa học. Bấy nhiêu đó đã đủ khiến người tiêu dùng tin “sái cổ”.

Tuyên bố không đường trên mặt trước nhưng khi xem thành phần lại có đường isomalt.

Khó phân biệt có hay không “tự nhiên”

Thực chất, từ “tự nhiên” hay “nguyên chất” là nhằm thông báo sản phẩm này chưa từng trải qua bất kỳ quá trình kiểm nghiệm bằng hóa học nào. Ngoài ra, những sản phẩm “tự nhiên” thường có tuổi thọ ngắn bởi không có sự can thiệp của các hóa chất bảo quản.

Ví dụ một sản phẩm có ghi thành phần: Nước, đường, óc chó, chất ổn định (E418, E471, E410), chất điều chỉnh độ PH (500ii), hương liệu giống tự nhiên dùng cho thực phẩm. Với những sản phẩm có chứa nhiều chất hóa học như vậy thì không thể nào “tự nhiên” được.

Tâm lý người tiêu dùng hễ thấy thành phần ghi nhiều ký tự phức tạp thì càng nghĩ đó là sản phẩm “tự nhiên”. Nhưng ngược lại, những sản phẩm chứa các chất hóa học như: E500ii, E418, E471, E410, HT 155… lại rất có hại cho sức khỏe khi sử dụng.

“Nhiều người không hiểu biết về các thành phần này sẽ dễ lầm tưởng là sản phẩm chất lượng, nhưng thực chất là toàn chất hóa học. Bản thân tôi chọn những sản phẩm càng ít chất hóa học càng tốt. Sản phẩm có thành phần phức tạp, đọc không hiểu tôi sẽ không chọn” - chị Tô Ngọc Vân (ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết.

Một số sản phẩm được nhà sản xuất “tuyên bố” không đường ngay mặt trước bao bì, nhưng khi lật sang thành phần thì lại có đường isomalt.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, loại đường này tốt hơn đường kính trắng vì có rất ít tác động lên đường huyết, sâu răng. Tuy nhiên, nếu ăn quá 20-50g/ngày có thể gây ra các triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy, mẫn cảm đường ruột. Trong nhiều trường hợp nó được trộn với các chất tạo ngọt đậm đặc khác sẽ tạo ra 1 hỗn hợp, ngọt không kém gì đường thông thường.

Để chọn những sản phẩm tốt cho gia đình sử dụng, người tiêu dùng cần phải đọc kỹ các thành phần, rồi đến hạn sử dụng, bao bì… Đừng để nhà sản xuất qua mặt bằng cái mác “tự nhiên”, “nguyên chất”. Hãy là người tiêu dùng thông minh.

Theo T.S Phan Thế Đồng (Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng - Đại học Hoa Sen), thì các thành phần ghi trên nhãn hàng thực phẩm có các ký hiệu bắt đầu bằng ký tự chữ E và kèm theo 3 ký tự số là các chất phụ gia thực phẩm.

Theo quy ước, thứ tự của các ký tự số sẽ cho biết đó là chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống oxy hóa, chất tạo vị… Các chất này có thể là những hợp chất được trích từ các nguyên liệu tự nhiên, cũng có thể là các chất hóa học được tổng hợp.

Nhìn chung, bất kỳ một hợp chất nào dù có nguồn gốc tự nhiên hay hóa học đều có thể trở thành chất độc hại đối với cơ thể con người nếu vược quá liều lượng mà cơ thể chịu đựng.

Nhà sản xuất phải tuân thủ theo đúng các quy định về an toàn thực phẩm tức là chỉ sử dụng những chất phụ gia cho phép, đúng chủng loại và với liều lượng cho phép, đồng thời khai báo minh bạch trên nhãn hàng.

Thông thường là các chất tăng cường giá trị cảm quan như: Chất màu, các chất thơm tạo mùi, các chất tạo vị, chất chống oxy hóa, chất bảo quản… Riêng đối với sản phẩm đóng hộp và tiệt trùng thì sẽ không cần dùng đến chất chống oxy hóa và chất bảo quản.

Khi một nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng “100% tự nhiên” hoặc “100% nguyên chất” thì chỉ có thể hiểu rằng “thành phần nguyên liệu chính” của sản phẩm là nguồn nguyên liệu tự nhiên không pha trộn thêm các chất làm tăng cường các giá trị cảm quan như màu, mùi vị, cấu trúc… Vì trong quá trình chế biến một sản phẩm ngoài thành phần nguyên liệu chính ra còn có rất nhiều thành phần phụ liệu khác chẳng hạn như nước, đường, bột, gia vị, một số chất phụ gia chống oxy hóa hoặc các chất bảo quản.

Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dung-de-bi-lua-vi-san-pham-gan-mac-tu-nhien-d69170.html