Đừng để 'bạn' thành 'kẻ thù' của chó mèo

Trẻ con thường rất thích chơi với chó, mèo. Tuy nhiên, đây cũng là những loài vật dễ gây tai nạn cho trẻ nhất. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng trẻ bị tại nạn do chó, mèo cắn được cấp cứu khá phổ biến.

Ảnh minh họa

Riêng khoa Tạo hình - Sọ mặt, mỗi năm tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.

Biến dạng cả khuôn mặt

Các bác sĩ khoa Tạo hình - Sọ mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho một bé trai (2 tuổi, ở Ba Vì - Hà Nội) bị chó cắn dập nát mặt, tổn thương các cấu trúc cơ nghiêm trọng. Bệnh nhi là cháu M.Đ, nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng đau đớn, kích thích, hoảng sợ do bị chó nhà cắn dập nát mặt, đã được gia đình băng bó tạm thời để cầm máu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Mẹ cháu cho biết đây là con chó nhà nuôi vừa mới đẻ, do cháu chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại nhưng sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó đã chết. Rất may ngay sau phẫu thuật các bác sĩ cũng đã tư vấn gia đình cho trẻ tiêm phòng dại.

BS Đặng Hoàng Thơm - Trưởng khoa Tạo hình - Sọ mặt cho biết, do tổn thương vùng hàm mặt phức tạp, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu ban đầu, truyền kháng sinh, giảm đau, tiêm uốn ván cho bệnh nhi, làm các xét nghiệm mổ cấp cứu sau đó chuyển cháu lên khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để đánh giá vết thương dưới gây mê. Kết quả cho thấy đây là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…

“Sau khi hội chẩn về nguy cơ trong mổ, các bác sỹ Khoa Tạo hình - Sọ mặt đã tiến hành làm sạch vết thương, phẫu thuật tạo hình và tái tạo lại toàn bộ khuôn mặt cho cháu như tạo hình góc mắt, tạo hình mũi, tạo hình môi và khoang miệng, phục hồi ống sternon…”, BS Thơm cho hay.

Trải qua 3 giờ phẫu thuật, khuôn mặt cháu được tái tạo lại, sau đó được chuyển lên khoa Tạo hình - Sọ mặt để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại đây, trẻ tiếp tục được tiêm kháng sinh, truyền dịch, tiêm thuốc chống phù nề và tiêm phòng dại. Chỉ 1 ngày sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, uống được sữa và ăn cháo loãng.

BS Thơm cho biết, trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương là khá phổ biến. Mỗi năm khoa Tạo hình - Sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.

Không nên cho trẻ tiếp xúc với chó mèo

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, vật nuôi chó, mèo còn là nguồn lây lan vi khuẩn gây bệnh dại. Nhiều trường hợp bị chó, mèo nhà cắn nhưng chủ quan nên không đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi vật nuôi hoặc tiêm phòng nên mắc bệnh và tử vong.

Ông Phu cũng đặc biệt lưu ý, các vết cắn vùng đầu mặt cổ là vị trí gần thần kinh trung ương hết sức nguy hiểm, bởi nếu vật nuôi có nhiễm virus gây bệnh dại thì virus lập tức xâm nhập cơ thể người qua vết cắn và sẽ tấn công rất nhanh chóng hệ thần kinh, khiến bệnh nhân phát bệnh nhanh. Nếu không được tiêm phòng kịp thời, bệnh nhân khi có cơn dại sẽ không cứu chữa được. Bởi vậy, cần đến sớm cơ sở y tế để được chỉ định đúng khi bị chó, mèo cắn. Ngoài việc phòng bệnh dại, nạn nhân còn cần được hướng dẫn để chống nhiễm trùng vết thương, tránh bị uốn ván do vi khuẩn xâm nhập qua vết cắn.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.

Xử trí ban đầu khi bị súc vật cắn

- Rửa sạch vết thương bằng nước muối và xà phòng, băng vết cắn bằng gạc vô trùng.

- Cầm máu ngay bằng cách ấn mạnh lên vết thương nếu vết thương chảy máu.

- Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.

- Trong trường hợp bị chó, mèo cắn cần theo dõi con vật trong 10 ngày và tiêm phòng dại nếu con vật có triệu chứng nghi ngờ dại. Đối với súc vật cắn không thể theo dõi được thì cần tiêm phòng dại ngay.

- Tiêm phòng uốn ván trong vòng 48 giờ nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

BS. Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi T.Ư)

HẢI PHONG (Kiến thức gia đình số 22)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dung-de-ban-thanh-ke-thu-cua-cho-meo-post219331.html