Đứng dậy sau lũ lụt

Những ngày qua, mưa lũ tàn phá nhiều tỉnh miền Trung. Trong lúc nguy nan, người dân vùng lũ kiên cường chống chọi và người dân cả nước cùng hướng về miền Trung. Mưa lũ chưa qua, nhưng ngay khi nước rút chính quyền địa phương và nhân dân đã bắt tay vào khắc phục hậu quả lũ lụt. Công việc khắc phục đang được Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… gấp rút tiến hành.

Dọn dẹp vệ sinh Trường Mầm non Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Dọn dẹp vệ sinh Trường Mầm non Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Sáng ngày 25/10, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà động viên người dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) và thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).

Để thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lưu ý chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với các lực lượng tập trung vệ sinh nhà cửa, đường sá, các cơ sở trường học, trạm y tế… để tránh dịch bệnh cả đối với người và gia súc, gia cầm.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quan sự, công an, bộ đội Biên phòng tổ chức giúp dân làm vệ sinh theo hướng tập trung, làm dứt điểm từng cụm, khu dân cư bảo đảm hiệu quả; tiếp tục bố trí lực lượng hướng dẫn, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ cho người dân một cách hợp lý; chủ động phòng, chống bão số 8 và số 9 có thể đổ bộ vào Quảng Bình trong một hai ngày tới.

Tại Quảng Bình, đợt mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh ngập trắng, trong đó ngập sâu nhất là huyện Lệ Thủy, tiếp đó là Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh.

Đợt mưa lũ vừa qua nước đã chưa cắt, cô lập 213 xã, thôn, bản, huyện biên giới; 42 điểm trường đang phải nghỉ học do mưa lũ, nhiều điểm trường bị ngập rất sâu. Tuyến quốc lộ 1A bị tắc ở nhiều vị trí.

Các tuyến quốc lộ 12A, 12C, quốc lộ 15, 9B và nhiều tuyến đường liên tỉnh cũng bị tê liệt bởi nước dâng cao, nhiều đoạn đường bị sạt lở, xói trôi, có điểm ngập lên đến 1,8 m. Toàn tỉnh có tới gần 40.000 nhà dân bị ngập.

Còn tại Hà Tĩnh, ngay sau khi nước rút, thành phố Hà Tĩnh đã khẩn trương vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trước khi bão số 8 đổ bộ. Đây được coi là thời gian cuối cùng để TP Hà Tĩnh chạy nước rút thu gom rác thải, làm sạch môi trường trước khi nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh kéo đến…

Đáng chú ý, sau trận ngập lụt kinh hoàng vào tuần trước, những dòng sông, tuyến đường ở TP Hà Tĩnh lại bị “bức tử” bởi “cơn lũ” rác từ thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ đẩy về.

Lượng rác được ước tính tăng hàng chục lần so với bình thường. Như vậy, thành phố Hà Tĩnh chỉ có vẻn vẹn 2 ngày tập trung thu dọn, xử lý lượng rác khổng lồ đó trước khi bão số 8 có thể đổ bộ.

Ngay từ từ 6 giờ sáng, những chiếc loa truyền thanh của các tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã kêu gọi tất cả mọi người, mọi nhà xuống đường thu gom rác thải, làm sạch ngõ xóm, tuyến đường; đẩy lùi “lũ” rác sau lũ nước.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố, phường Nam Hà, cho dến chiều ngày 24/10, tổ dân phố này đã cơ bản hoàn thành xong việc thu dọn rác. Tương tự, tại phường Tân Giang, mọi người cũng tích cực dọn rác, làm vệ sinh ngoài đường.

Theo ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, ngay sau khi lũ lụt tạm ngớt, thành phố đã huy động tổng lực các lực lượng làm vệ sinh môi trường, thu gom rác trên sông, điểm công cộng, tuyến đường.

Tuy nhiên, lượng rác đổ về quá lớn, công tác xử lý quá tải. Trước dự báo mưa do ảnh hưởng bão số 8, thành phố phải hoàn thành xử lý rác tồn đọng, nếu không, rác chảy về mương cống gây tắc nghẽn, ngập lụt và nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh rất cao.

Theo tính toán chưa đầy đủ, đợt mưa lũ vừa qua, chỉ riêng thành phố Hà Tĩnh đã thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng. Ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở của người dân với 8.300 hộ bị ngập lụt nặng, 235 ha tôm, cá bị cuốn trôi, Hơn 16 km Quốc lộ 1A qua TP Hà Tĩnh và 54 km đường giao thông nội thành bị ngập, hư hỏng.

Bên cạnh đó, lũ lụt còn gây ngập lụt, hư hỏng cơ sở vật chất của 28 điểm trường học; 1 bệnh viện, 9 trạm y tế; hàng chục cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Thạch Đồng. Trận lụt lịch sử này còn khiến 9 người ở thành phố Hà Tĩnh bị thương và 1 người chết do bị nước cuốn trôi.

Tại Quảng Trị, ngày 24/10, UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức bàn giao trên 46,6 tấn gạo cứu trợ cho 9 xã, gồm: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Giang, Hiền Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Chấp.

Việc cấp phát căn cứ vào danh sách cần được cứu trợ, đảm công khai, minh bạch, không chia bình quân, không để hiện tượng tiêu cực, lợi dụng gây thất thoát.

Đối với xã Vĩnh Ô, định mức hỗ trợ là 7 kg gạo/nhân khẩu cần được hỗ trợ gạo. Các xã còn lại, định mức hỗ trợ là 5 kg gạo/nhân khẩu cần được hỗ trợ gạo. Gạo cứu đói phải do UBND các xã tổ chức cấp phát trực tiếp cho các đối tượng.

Trong quá trình cấp phát, UBND huyện Vĩnh Linh cùng chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc hỗ trợ gạo diễn ra công bằng, khách quan, đúng quy định.

Cũng như các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, mấy ngày cuối tuần qua, người dân vùng lũ Quảng Trị đã nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đường sá, ruộng đồng. Tất cả đều với tinh thần chủ động, khắc phục hậu quả của lũ lụt như đã từng vượt qua lũ lụt.

Tạm dừng tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 do bão số 8

Ngày 25/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, lực lượng cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã tạm dừng việc tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do ảnh hưởng của cơn bão số 8. Các cán bộ, chiến sỹ đã di chuyển đến Thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Điền) để đảm bảo an toàn.

Mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế từ đêm 24/10 có nguy cơ gây ra sạt lở và lũ cao. Vì vậy, lực lượng cứu hộ được yêu cầu không đưa thêm người vào hiện trường tìm kiếm tại Thủy điện Rào Trăng 3 và di chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4 chờ lệnh.

Khi thời tiết thuận lợi, các lực lượng lại tiếp tục tranh thủ thời gian, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để khẩn trương tìm kiếm những công nhân bị vùi lấp. Ngoài ra, đội chó nghiệp vụ dự kiến đưa vào hiện trường ngày 25/10 tạm thời ở lại thành phố Huế và sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ tìm kiếm khi công tác cứu hộ được triển khai trở lại.

Công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhận tại Thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp nhiều khó khăn khi diễn biến các cơn bão, áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông rất phức tạp, nguy cơ bão chồng bão tại Thừa Thiên-Huế.

Tại hiện trường, có hàng trăm mét khối đất đá cần đào bới, nạo vét; phương tiện cơ giới rất khó vào. Đặc biệt, xuất hiện một số khối bêtông lớn đè trên khu vực nghi có nạn nhân trong khi nguy cơ sạt lở xảy ra rất cao.

M.Trang

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dung-day-sau-lu-lut-521629.html