Đừng đầu tư kiểu làm nghèo đất nước

Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 10.5 đã nêu lên hiện trạng gây sốc tại những dự án hạ tầng được đầu tư bằng vốn nhà nước hoặc nguồn vốn xã hội hóa bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Điển hình được chỉ ra - Dự án nạo vét và làm kè đá đoạn sông Sào Khê ở Ninh Bình có mức vốn được duyệt 72 tỉ đồng, nâng lên thành 2.597 tỉ đồng (36 lần).

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê sau hơn 17 năm thi công vẫn dở dang gây lãng phí. Ảnh: Nguyễn Trường

Tuy vậy, vẫn chưa thấm gì với mức tăng thêm tới 7.000 tỉ đồng của dự án nạo vét sông Đáy cũng ở Ninh Bình, hay con số 10.332 tỉ đồng của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1… Chỉ với 30 dự án BT, sau khi kiểm tra Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.500 tỉ đồng. Tương tự, việc kiểm tra 40 dự án BOT cũng dẫn đến kết quả Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm tới 120 năm thu phí để hoàn vốn và 1.467 tỉ đồng giá trị đầu tư.

Trong kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỉ đồng. Sự đội vốn khủng của nhiều dự án hạ tầng hoặc công trình kinh tế cho thấy cơ chế giám sát của các cơ quan Nhà nước gần như bị vô hiệu. Trên nguyên tắc, các dự án đầu tư đều phải được HĐND địa phương hoặc Quốc hội thuận tình và giám sát. Nhưng rất nhiều dự án “có vấn đề” mà người dân chỉ được biết sau khi có kết quả thanh tra, hoặc bị thua lỗ, đến mức không còn cứu vãn được. Hiệu quả giám sát kém có thể là kết quả của tình trạng thiếu minh bạch, nhưng cũng có thể là do bị một nhóm lợi ích nào đó thao túng, vô hiệu hóa.

Những con số đội vốn thật khó hình dung được lý do và cho lời giải thích thỏa đáng. Với những dự án Sào Khê, sông Đáy, Ô Môn... trước đó đã từng có nhiều mối băn khoăn đặt ra; sau được trả lời một cách rất suôn sẻ, đúng bài bản trong nhiều cuộc họp có liên quan… Và cuối cùng, vốn đầu tư vẫn cứ tăng một cách chóng mặt, mà không chờ lời giải đáp thỏa đáng từ phía chủ đầu tư cho các cấp giám sát như Hội đồng Nhân dân, Quốc Hội cũng như bộ ngành liên quan. Phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về những dự án làm nghèo đất nước, chứ không thể nêu lên; đổ trách nhiệm, rồi cuối cùng là phủi tay như nhiều dự án đã từng.

TRIỆU HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/dung-dau-tu-kieu-lam-ngheo-dat-nuoc-610988.ldo