Dùng dấu 'mật' thế nào để không xâm phạm quyền tiếp cận thông tin?

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BVBMNN) để tạo 'nỏ thần' giữ nước nhưng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng dự thảo Luật cần quy định minh bạch, cụ thể hơn để tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến

Hôm qua (22/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BVBMNN.

Đề cập đến tình trạng lạm dụng đóng dấu mật vào những văn bản không mật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: “Trong khi hệ thống luật đã công khai, minh bạch và sửa đổi rất nhiều nhưng vẫn có cơ quan đóng “mật” vào cả danh sách của vụ trưởng hiện hành. Vụ trưởng hiện hành thì có gì mật?. Có những bộ đóng dấu “mật” cả vào chất vấn của ĐBQH không có thông tin mật nhưng vẫn đóng “mật” khiến ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn được”.

Cũng theo bà Nga, việc chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ, ngành trong nhiều trường hợp đã dẫn đến nhiều hậu quả lớn trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Chúng tôi theo dõi các vụ án thấy một số cá nhân cũng rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp các văn bản quy định không rõ ràng”, bà Nga nói và cho biết thực tế đã có một số phóng viên báo chí và thậm chí cán bộ nhà nước cũng có thể bị ảnh hưởng vì bị quy là làm lộ tài liệu mật khi quy định về mật không rõ ràng.

Chính vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH kiến nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của các quy định của luật này với các quy định có liên quan về công khai minh bạch, về quyền tiếp cận thông tin, về phòng, chống tham nhũng và công khai trong hoạt động tố tụng. “Đặc biệt, Ban soạn thảo cần rà soát lại và tạo điều kiện cho ĐBQH và người dân có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật với các quy định cụ thể minh bạch hơn”, bà Nga nhấn mạnh.

ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cũng cho rằng cần phân định lại cho rõ những vấn đề gì, thông tin gì thuộc BMNN vì “nếu không khéo chúng ta lại xâm phạm và có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

Với 83,1% đại biểu tán thành, trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ-La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Giai đoạn 2017-2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần.

Bổ sung chế tài để xử nghiêm vi phạm

Liên quan đến phân loại BVBMNN, danh mục BMNN, nhiều ĐB cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ hơn các cấp độ về phân loại BVBMNN ở mức độ tuyệt mật, tối mật và mật; cần định tính, định lượng đầy đủ, mức độ mật. Theo ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: tuyệt mật, tối mật và mật như dự thảo Luật chưa có căn cứ và tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại, như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng.

“Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất, thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định, phân loại bí mật nhà nước”, ĐB nói và đề nghị dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn tiêu chí xác định, phân loại bí mật nhà nước để đảm bảo sự thống nhất. Còn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) ví việc BVBMNN như bảo vệ nỏ thần của An Dương Vương và là kế sách giữ nước. Do đó, ĐB đề nghị Luật cần bổ sung đầy đủ các chế tài xử lý vi phạm để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có thể gây phương hại cho quốc gia và dân tộc.

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:

Phải bảo vệ bản sắc văn hóa của Việt Nam

Chiều 22/11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB). Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhất trí về việc sự cần thiết phải ban hành luật để tạo cơ sở pháp lý lập các ĐBHCKTĐB. Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng tại thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá nên phải xác định các nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập và điều hành các ĐVHCKTĐB.

ĐB Nghĩa cũng đặt câu hỏi về quy định “mở” cấp đất 99 năm cho nhà đầu tư chiến lược trong khi Luật hiện hành quy định thời gian tối đa là 70 năm. “Chúng ta không biết 50 năm nữa người ta có xài tiền hay không, có đánh bạc hay không và nếu đánh bạc thì có dùng casino hay không. Vậy, nếu 30 năm nữa casino thất bại thì có thu hồi đất hay không? Vì vậy, tôi đề nghị bỏ quy định 99 năm thay vào đó quy định như hiện hành. Bên cạnh đó cũng cần xem lại khái niệm nhà đầu tư chiến lược vì khái niệm này ở trong luật hiện còn rất dễ dãi”, ĐB nói.

Cho các điều khoản trong dự thảo Luật đã đủ chín muồi để ra luật chung về các ĐVHCKTĐB, ĐB Nghĩa đề nghị thiết kế đưa hết các quy định về các vấn đề liên quan đến các ĐVHCKTĐB vào luật chung còn với 3 đặc khu cụ thể là Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc thì đưa vào các Nghị quyết của QH. Theo ĐB, viết luật chung như vậy có lợi ở chỗ khi 3 đặc khu đã ra đời mà nếu thấy có quy định cần thay đổi thì chúng ta dùng nghị quyết của QH thay đổi hoặc nếu xuất hiện đặc khu đầy hứa hẹn, triển vọng thì lại dùng Nghị quyết của QH thành lập thêm chứ không phải sửa luật. Ngoài ra, ĐB còn cho rằng cần quy định có những ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng cho nước ngoài trong các đặc khu.

Phạm Diệu – Dung Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/dung-dau-mat-the-nao-de-khong-xam-pham-quyen-tiep-can-thong-tin-367507.html