Dùng dầu ăn đúng cách để khỏe mạnh hơn

Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam, ngày 7.6 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo 'Hướng dẫn sử dụng dầu ăn đúng cách đảm bảo an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe' do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức.

Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam, ngày 7.6 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Hướng dẫn sử dụng dầu ăn đúng cách đảm bảo an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Kim Anh

Dầu ăn đóng vai trò quan trọng trong mỗi bữa ăn hằng ngày và được xem là nguồn cung cấp chất béo và năng lượng hiệu quả, có lợi cho cơ thể, nhưng để sử dụng và bảo quản dầu ăn đúng cách thì không hẳn ai cũng biết. Tham dự hội thảo, các chị em phụ nữ đã được các chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và việc sử dụng dầu ăn, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của dầu ăn đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ và vấn đề bảo quản dầu ăn trong mùa lạnh.

Dầu ăn và vai trò với trẻ nhỏ

Phát biểu trong hội thảo, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, dầu ăn (dầu thực vật) được chứng minh là có giá trị năng lượng tương đương mỡ động vật, nhưng lại có ưu điểm vượt trội so với mỡ động vật là không chứa cholesterol, có nhiều vitamin A, E, các a xít béo không no, giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch và cao huyết áp. Do đó, nên sử dụng dầu ăn trong chế biến bữa ăn hằng ngày. Mỗi độ tuổi có nhu cầu về chất béo khác nhau nhưng trẻ em cần nhiều chất béo để cung cấp năng lượng cho quá trình tăng trưởng và phát triển trong những năm đầu đời.

Những lời khuyên bổ ích của chuyên gia dinh dưỡng đã làm thay đổi cách suy nghĩ của các bà, các mẹ. Trước khi tham dự hội thảo, cũng như nhiều bà nội trợ khác, chị Đào Thị Hoan, ở P.Dịch Vọng Hậu (Q.Cầu Giấy) nghĩ rằng, chỉ có người lớn mới cần sử dụng dầu ăn, còn trẻ nhỏ bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện, ăn nhiều dầu ăn sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Có nhiều bà mẹ, khi nấu cả nồi cháo để trẻ ăn cả ngày cũng chỉ cho 1 thìa dầu ăn… Trong khi đó, theo TS Lâm tư vấn, trẻ nhỏ cần đến 10 ml dầu ăn/ngày để được cung cấp đủ năng lượng; trẻ ngoài 1 tuổi, phải 3 thìa dầu ăn mới đủ năng lượng cho các bé. Để đảm bảo tính hiệu quả và tiện dụng, các bà mẹ cũng có thể cho trẻ sử dụng dầu ăn đặc chế cho trẻ em, điển hình là dầu ăn (Kiddy) có thành phần kết hợp giữa dầu cá hồi với dầu mè, hạt cải, dầu gạo, giúp đáp ứng được nhu cầu đặc biệt về chất béo và DHA cho trẻ.

Các bà nội trợ luôn cân nhắc để có thể chọn loại dầu ăn tốt nhất cho bữa cơm gia đình - Ảnh: Kim Anh

Bảo quản dầu ăn đúng cách và hiện tượng dầu đông

Tại hội thảo, ngoài việc tư vấn cho người tham dự cách bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng, TS Nguyễn Thị Lâm còn lý giải thắc mắc của các bà nội trợ về hiện tượng dầu ăn bị đông đục dưới đáy chai vào mùa đông. Theo đó, mỗi loại dầu ăn có “điểm đông” hay khả năng chịu đựng nhiệt độ lạnh khác nhau. Nếu bảo quản trong nhiệt độ lạnh, một số loại dầu như: dầu mè, dầu đậu phộng, dầu ô liu, chỉ cần vài phút là đông. Còn một số loại khác như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu gạo… có thể chịu được vài ngày, thậm chí vài tuần.

TS Lâm cũng chia sẻ: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy, dầu đóng đông khi nhiệt độ xuống thấp là hiện tượng vật lý bình thường, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của dầu, cũng như sức khỏe người sử dụng. Ở nước ngoài người ta còn bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ lạnh để bảo toàn trọn vẹn hương vị của sản phẩm. Để tránh hiện tượng đông, nên bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ 25 độ C. Trường hợp dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ trở lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng bình thường”.

Thu Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/dung-dau-an-dung-cach-de-khoe-manh-hon-924.html