Đừng đánh tráo hộ nghèo

Trong cuộc sống, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, có quyền được làm giàu chính đáng và suy cho cùng, ai chẳng muốn vươn lên thoát nghèo! Ấy vậy mà, lại có những người dù đã khá giả vẫn muốn giữ cái danh 'hộ nghèo', 'hộ cận nghèo'.

Chuyện ngược đời đó, trên thực tế đã cá biệt xảy ra ở một số vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của nước ta, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội những ngày vừa qua.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ được xem là cái phao cứu sinh cho các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, giúp nhiều trường hợp tạm thoát khỏi cảnh thất cơ lỡ vận. Nhưng cùng với đó, có kẻ dù không thuộc diện khó khăn cũng bám víu vào phao để trục lợi, làm sai lệch tính nhân văn của gói chính sách an sinh xã hội rất kịp thời này.

Chuyện xảy ra ở Thanh Hóa là một điển hình. Theo đó, nhân rà soát những bất thường từ việc hàng nghìn người dân không nhận tiền hỗ trợ đợt dịch COVID-19, người ta mới ngã ngửa khi phát hiện nhiều hộ cận nghèo nhưng lại có kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang cũng nằm trong danh sách được nhận tiền của Chính phủ. Tại huyện Yên Định, kết quả kiểm tra 11 hộ cận nghèo theo đơn thư tố cáo, phát hiện 9/11 hộ có nhà tầng kiên cố, có xe ô tô. Tại huyện Thiệu Hóa, người có nhà xây tiền tỷ bề thế vẫn… rơi vào diện hộ cận nghèo. Một số hộ ở huyện Tĩnh Gia cũng được xếp là hộ cận nghèo dù có điều kiện kinh tế khấm khá.

Nhưng không chỉ riêng Thanh Hóa, chuyện tương tự cũng được ghi nhận ở Hòa Bình, khi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Lạc Sơn được thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ đợt dịch COVID-19 lại tòi ra nhiều hộ có khẩu là cán bộ, đảng viên; trong khi hộ khó khăn thực sự lại không được công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Vậy là, khoản hỗ trợ của Chính phủ đúng ra phải đến tay các đối tượng chính sách, thì thật trớ trêu một số trường hợp lại “đi nhầm” vào túi người có kinh tế ổn định, thậm chí khá giả.

Sự việc này gợi nhớ chuyện bò giống “đi lạc” vào nhà cán bộ xã ở Quảng Trị năm nào, thay vì vào chuồng của hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hay gần đây hơn là việc một số cán bộ xã Hải An (huyện Hải Hậu, Nam Định) khai khống hàng chục tấn lợn bị dịch tả lợn châu Phi để ăn chênh tiền hỗ trợ của Nhà nước, đến mức bị khởi tố vụ án hình sự. Hay nữa là tại Hải Dương, có chuyện dùng một đàn lợn bị dịch để khai báo nhiều lần; nhiều hộ dân dù không có chuồng trại hoặc có chuồng trại để nuôi gà, nuôi thỏ… cũng khai báo có lợn chết để được hỗ trợ. Thật là một sự đánh tráo đối tượng đáng lên án!

Trong hoạn nạn, rất nhiều tấm gương nhường cơm xẻ áo, lá rách ít đùm lá rách nhiều… đã tạo nên sự lan tỏa về tình người hết sức cảm động. Tình nghĩa đồng bào của người dân Việt Nam trong đại dịch COVID-19 được truyền thông quốc tế hết lời ca ngợi. Vậy mà vẫn tồn tại những kẻ gian dối, “thừa nước đục thả câu” để trục lợi, phá hỏng ý nghĩa nhân văn cao đẹp của chính sách. Họ không một chút động lòng trắc ẩn?

Điều đáng nói, không ít đối tượng như vậy lại là cán bộ, đảng viên, đã trực tiếp hoặc bao che cho người nhà trục lợi. Ở đây, thay vì gương mẫu làm đúng và chăm lo cho các hộ chính sách thực sự, họ lại không thấy hổ thẹn khi ăn chặn của người nghèo, tiếp tay cho sai trái.

Trong vụ việc trục lợi chính sách hỗ trợ đợt dịch COVID-19 ở xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), Bí thư Đảng ủy xã Hách Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nguyễn Quốc Cường và Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thị Giảng - những người đưa vợ, con, cháu vào danh sách hộ nghèo, đã bị gạt khỏi danh sách nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới. Tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), các quyết định đình chỉ công tác cũng đã được đưa ra đối với công chức lao động, thương binh và xã hội xã Quý Hòa và xã Tân Lập có sai phạm liên quan…

Đồng ý là “sai đến đâu, xử đến đó” và những quyết định xử lý nghiêm như trên đã cơ bản cho thấy sự vào cuộc rốt ráo và có trách nhiệm của địa phương, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi: Tại sao tình trạng trục lợi chính sách vẫn tái diễn, không lúc này thì lúc khác?

Thẳng thắn mà nói, vẫn có không ít vụ việc chỉ được xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, “chấn chỉnh, rút kinh nghiệm” rồi… đâu lại vào đó, nên thiếu tính răn đe, dẫn đến nhờn luật. Vì thế, thiết nghĩ nếu chỉ “kiên quyết đưa ra khỏi danh sách những trường hợp không đúng đối tượng chính sách” là chưa đủ, mà cần làm rõ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị. Đặc biệt, việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo cần thực chất, đừng vì nể nang hay bệnh thành tích mà du di, làm sai lệch đối tượng ngay từ cấp cơ sở. Đồng thời, trong triển khai thực hiện chính sách cần công khai, minh bạch và tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát để không có cửa cho trục lợi. Có như vậy mới giúp chính sách “gõ” đúng và trúng đối tượng.

Trung Sơn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/dung-danh-trao-ho-ngheo-20200528221733860.htm