Đừng đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của địa phương bằng GDP

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường hôm qua, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhắc lại cảnh báo nhiều chuyên gia, quốc tế về tăng trưởng GDP.

Cụ thể là việc đánh giá GDP nếu không đi kèm theo những đánh giá khác sẽ gây ra những hệ lụy gì, có bền vững hay không...

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu kỹ và trả lời những câu đặt ra trong báo cáo thẩm tra và ý kiến của các ĐB.

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào để tăng GDP lên và cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào để tăng GDP lên và cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế

Hôm nay làm được 1 đồng, mai bỏ ra 2 đồng khắc phục ô nhiễm

“Tôi cho rằng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Tôi nói ví dụ ở những vùng mà chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng phên dậu của đất nước thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, không thể chạy theo GDP”, ĐB TP.HCM lưu ý.

Theo ông, việc đánh giá năng lực lãnh đạo bằng GDP sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra để làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.

“Ở những nơi chúng ta cần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà tàn phá rừng như thế thì phải đánh giá người lãnh đạo đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Cho rằng GDP đạt được 5% hay 7% và để cho dân bỏ những vùng miền đấy đi, không sinh sống được ở những vùng miền đó thì người lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ. Về phương pháp luận, nếu không đánh giá đúng về GDP sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua và sẽ chệch hướng", luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Góp ý về cụm từ “phát triển bền vững”, ông Nghĩa nhất trí với phát biểu của một Phó Thủ tướng nói rằng "Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình".

Theo ông, phát triển bền vững của Việt Nam có 3 yếu tố, 3 trụ cột: Phải nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

“Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi, cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây để tăng GDP lên và cuối cùng thì chúng ta đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế. Từ lệ thuộc về kinh tế chúng ta sẽ không có thể tự chủ về nhiều mặt khác nữa”, ĐB cảnh báo.

ĐB Nguyễn Thanh Quang: Nhiều khi nguồn thu không đủ tiền để khắc phục ô nhiễm môi trường

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thanh Quang (TP Đà Nẵng) nói, gần đây một số nhà kinh tế đề cập nhiều đến chỉ tiêu GDP xanh. Cụ thể, GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi khấu trừ phần chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình tái sản xuất gây ra nhằm đánh giá thực chất hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường.

“Chúng ta nên sớm nghiên cứu để có thể sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua GDP xanh trong thời gian tới. Bởi vì thực tế ở địa phương, nhiều khi nguồn thu của một khu vực hay của một lĩnh vực kinh tế cụ thể không đủ tiền để khắc phục ô nhiễm môi trường do tác động của nó gây ra hay như ta thường nói, hôm nay làm được 1 đồng, ngày mai bỏ ra 2 đồng để khắc phục ô nhiễm”, ĐB Quang nhấn mạnh.

Ngân sách lọt 39.600 tỷ trong/năm

Nêu một số ý kiến đóng góp vào kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2020, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV), ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị giảm thuế cho DNNVV càng sớm càng tốt.

“Với giảm thuế này, chúng ta không phải lấy ở ngân sách, dựa trên cơ sở các DN đạt được và có hiệu quả thì tôi nghĩ lấy hiệu quả đó để giảm cho họ với tỉ lệ nếu đạt được nhiều thì giảm nhiều, nếu ít thì giảm ít. Phần trăm đấy không ảnh hưởng nhưng sẽ rất khuyến khích cho DNNVV để đầu tư phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phân tích.

ĐB Nguyễn Văn Thân: Một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp thuê môn bài hàng tháng

Ông Thân cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có một cơ chế trên cơ sở tình hình của DNNVV để giảm điều kiện cho vay xuống để họ tiếp cận được. QH và Chính phủ phải có quy định cụ thể về việc này.

“98% DNNVV có vị trí rất lớn trong vấn đề lao động và đóng góp GDP”, ĐB tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng nêu thực tế trong 5 triệu hộ kinh doanh chỉ có 1,7 triệu đóng thuế môn bài, còn lại 3,3 không đóng gì cả, tức là ngân sách không thu được chỗ này.

“Xin thưa là thực tế ngoài thị trường người ta vẫn phải đóng nhưng ở chỗ nào đó mà người ta vẫn phải nộp. Tôi điều tra thấy chỉ cần một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp hàng tháng, việc này đề nghị Chính phủ nên quan tâm”, ĐB Thân nói.

ĐB lấy kinh nghiệm ở các nước, đã kinh doanh thì phải nộp thuế, nộp như thế nào, cách thức ra làm sao, khác với DN như thế nào, chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

“Tôi nghĩ chúng ta đã để lọt một nguồn thu rất lớn. Tôi hỏi một cô bán hàng nước và thuốc lá thì cô ấy nói là đóng 1,5 triệu/1 tháng tất cả các khoản, tôi tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỷ trong 1 năm”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tính toán.

Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ và QH nghiên cứu có cơ chế đưa các hộ kinh doanh cá thể này tham gia được cộng đồng DNNVV, cũng là thực hiện được luật Hỗ trợ DNNVV và phấn đấu đến 2020 là 1 triệu DN.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường - Ảnh: Minh Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/dung-danh-gia-nang-luc-lanh-dao-va-thanh-tich-cua-dia-phuong-bang-gdp-583928.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong7