Đừng đánh đổi lợi ích trước mắt

Trên thực tế, nhiều gia đình đặt cả gánh nặng kinh tế lên vai một đứa trẻ khi vừa bước chân sang đất khách.

Ảnh minh họa

Cuộc sống ở Hàn Quốc hào nhoáng, lương làm thêm cao, lương căn bản cũng khoảng 7 nghìn won/ giờ (tương đương gần 150 nghìn đồng). Nhân lên với một ngày 8 tiếng, một tháng 30 ngày các em đã có thể kiếm được gần 30 triệu đồng. Nhưng! Tiền học tiếng Hàn khoảng 20-40 triệu đồng cho 1 khóa 2 tháng, tiền nhà 5-10 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn, tiền sách vở. Nếu chỉ ăn, học và chăm chỉ đi làm không đau ốm thì may ra các em còn tồn tại được trên đất khách. Nhưng áp lực trả nợ hay chu cấp về cho gia đình, làm sao các em có thể chịu được? Chưa kể theo quy định của Bộ Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, các em chỉ được đi làm giới hạn 28 tiếng/tuần và phải xin tem chấp nhận cho đi làm thêm trong một khoảng thời gian nhất định thường là kì nghỉ hè hay đông để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học.

Hàn Quốc, nơi văn hóa làm việc là sống chết với công ty, lao động có thể làm việc 14-16 tiếng một ngày, nơi những việc khó khăn hay nguy hiểm nhất dành cho lao động nước ngoài… Vậy mà các em du học sinh, tuổi đời còn nhỏ, sức khỏe và kĩ năng làm việc chưa có lại bị thả vào môi trường lao động khắc nghiệt, thì tai nạn lao động, các bệnh liên quan đến sức khỏe là điều không thể tránh khỏi.

Không đảm bảo việc học phải đóng tiền học lại, gánh nặng kinh tế lại gia tăng, mà đi làm nhiều điểm số thấp, vậy là các em đành buông xuôi trở thành lao động bất hợp pháp. Thương các em một nhưng giận các em gấp mười lần. Vì các em biết không? Nếu một trường có số sinh viên nước ngoài bỏ trốn, ngoài bị phạt tiền còn bị hạ chỉ số uy tín, bị cấm nhận sinh viên nước ngoài… vì thế họ rất mạnh tay xử lý. Thế là “quýt làm cam chịu” vì 8 người bỏ trốn mà mới đây, 50 em sinh viên trường Chungbuk tuổi 19, 20, đôi ba câu tiếng Hàn mới học bị buộc phải thôi học.

Bất hợp pháp là không được pháp luật bảo vệ, là nếu bị tai nạn lao động chủ sẽ không phải bồi thường, là sống chui nhủi trốn tránh như một kẻ phạm tội, là khi bị trục xuất các em sẽ bị áp giải như phạm nhân, là tiếng xấu không chỉ các em chịu còn là tên đất nước, dân tộc, là hệ lụy cho các bạn đã, đang và sẽ theo bước các em qua Hàn Quốc du học...

Các công ty môi giới du học đang phát triển rầm rộ cần làm tròn nhiệm vụ tư vấn của mình để các em đừng đi nếu bước chân còn non nớt, chưa đủ mạnh mẽ để bước qua những tháng ngày cô đơn vì xa gia đình, vì áp lực học tập căng thẳng và môi trường làm việc cường độ cao. Hãy cho các em hiểu rõ bước đi dài của tương lai, trách nhiệm và lòng tự tôn dân tộc cũng như giá trị của chính bản thân mình, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi.

TS. Trần Minh Hải (Cựu du học sinh Hàn Quốc)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dung-danh-doi-loi-ich-truoc-mat-d266274.html