Dừng dâng, đốt vàng mã nơi cửa Phật

Tục đốt vàng mã từ bao đời nay ăn sâu trong tâm thức người của Việt, song trên thực tế, chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh rằng việc đốt vàng mã có liên quan gì đến nghi thức, nghi lễ của Phật giáo. Những năm gần đây, nhiều đền, chùa ở Hà Nội đã khuyến khích người dân không tiếp tục dâng, đốt vàng mã nơi cửa Phật.

Khuôn viên trong lành yên ả của chùa Khánh Long khi không còn khói bụi của vàng mã.

Nhầm lẫn trong nhận thức

Tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Hoa, theo lời dạy của Khổng Tử được ghi lại trong sách Trung Dung: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, bởi vậy người ta luôn tin tưởng rằng “trần sao âm vậy”, dù là người đã khuất thì vẫn cần “quần áo, tiền vàng...” mang theo để tiếp tục sự sống ở thế giới bên kia. Ảnh hưởng của quan niệm trên, tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tín ngưỡng của người Việt.

Chùa Thắng Nghiêm đang trong thời gian tu bổ, hoàn thiện. Ngôi chùa đã có lịch sử lâu năm, trở thành địa điểm thu hút phật tử nhiều nơi.

Đã có các bậc cao tăng tu hành dành nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề về tục lệ cúng vàng mã, tuy nhiên chưa có một tuyên bố chính thức nào cho thấy hóa vàng nằm trong điều Phật dạy.

Phàm tăng Đạo Huấn (chùa Thắng Nghiêm, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Thực ra trong đạo Phật không đốt vàng mã. Cúng phật thì chỉ nên mua hoa quả, bánh kẹo thành tâm dâng kính. Hoặc phật tử có lòng theo Phật thì thỉnh thoảng lên chùa hoặc rảnh rỗi chấp tác, không nên lạm dụng việc đốt vàng mã, bởi tục này không giúp được gì, chỉ làm hao tổn tiền bạc”.

Cũng theo Phàm tăng Đạo Huấn, việc dừng đốt vàng mã sẽ giúp người dân không phải tiêu tốn nhiều tiền của vào việc mua vàng mã. Hóa vàng mã chỉ là hình thức, còn người dưới âm thì không thể nhận được. Hơn nữa, đốt vàng mã còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe vì vàng mã được làm từ các phẩm màu, hóa chất độc hại. Việc dừng đốt vàng mã đang là tư tưởng tiến bộ mà các chùa trong nhiều năm gần đây đều cố gắng giảng giải hanh thông cho phật tử.

Phàm tăng Đạo Trường vừa chia sẻ với phóng viên về vấn đề ngừng đốt vàng mã của chùa vừa chăm sóc đàn cá cảnh trong hồ.

Những ngôi chùa “nói không” với vàng mã

Nằm tách biệt khỏi không khí huyên náo của chốn phồn hoa đô thị, chùa Khánh Long nằm gọn trên con đường làng nhỏ của xã Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội. Ngay từ cổng chùa, hương thơm thoang thoảng của cỏ cây, hương trầm đã đem đến một tâm trạng thoải mái, bình yên cho các phật tử.

Theo người dân trong làng kể lại, từ ngày cố trụ trì Thích Giác Tánh còn sống, chùa đã không còn tục đốt vàng mã vào các ngày rằm hay lễ Tết. Bà Đặng Thị Nga (64 tuổi) chấp tác tại chùa không khỏi xúc động khi nhớ về thầy trụ trì hồi còn sống: “Thầy về chùa năm 2002, được khoảng vài năm sau là thầy giảng giải với các phật tử, dân làng rằng chưa có kinh điển nào nói về việc đốt vàng mã cúng Phật là có ý nghĩa tâm linh. Khách lễ thập phương chưa biết nên thi thoảng vẫn có người mang theo vàng mã tới đặt lễ, những lúc đấy thầy sẽ giác hóa cho các khách hiểu để lần sau không còn mang theo vàng mã nữa”.

Thầy Thích Giác Tánh đã mất gần 4 năm, song đến nay quan niệm không đốt vàng mã vẫn được dân làng truyền nhau thực hiện. Trong khuôn viên yên ả của chùa từ lâu đã không còn khói bụi từ khu đốt vàng mã. Không khí trong lành, thoáng đãng phảng phất mùi thơm của hương vòng thắp trong điện được các phật tử ngày ngày gìn giữ. Cây cối trong chùa cũng vì thế mà xanh tốt, đơm hoa, nảy lộc quanh năm.

Lư đồng hóa vàng của chùa Thắng Nghiêm ít khi được sử dụng bởi chùa không còn tục đốt vàng mã nhiều năm nay.

Tương tự, chùa Thắng Nghiêm (tọa lạc tại xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), gần thập kỷ nay được biết đến là ngôi chùa “nói không” với vàng mã. Nơi hóa vàng ngay cổng vào của chùa từ lâu đã không còn được sử dụng.

Nhắc đến vấn đề đốt vàng mã, phàm tăng Đạo Trường tu hành tại chùa Thắng Nghiêm đã nhiều năm cho biết: “Chùa Thắng Nghiêm dừng đốt vàng mã đã gần 10 năm nay. Thầy trụ trì đã nhiều lần giảng giải cho các phật tử hiểu rằng thực chất việc đốt vàng mã là tín ngưỡng ảnh hưởng từ văn hóa Hán lâu đời, không mang lại lợi ích gì, còn tiêu tốn những khoản tài sản lớn. Khi mới thông báo với dân làng về việc ngừng hóa vàng trong chùa, mọi người đều hoan hỷ đồng thuận. Một số phật tử ban đầu chưa hiểu, vẫn mang vàng mã đến, liền được nhà chùa hướng dẫn đưa vàng mã xuống nhà mẫu giác hóa, giảng giải sau đó đốt đi. Dần dần trong chùa, người dân không còn dâng vàng mã kèm lễ vật nữa. Nhiều người thay vì cúng vàng mã, họ làm điều thiện, hay từ thiện, mang lại cho họ những phúc báo lớn sau này”.

Là một người thường xuyên đi chùa, cô Kiều Thị Lan (48 tuổi, phật tử chùa Khánh Long) bày tỏ sự quan điểm: “Tôi rất hay đi chùa vì thích không gian thoáng đãng, gần gũi nơi đây. Từ khi biết chùa làng mình ngừng việc đốt vàng mã và khuyên mọi người không dâng lễ kèm vàng mã nữa, tôi và các phật tử đều rất ủng hộ. Thay vì mua vàng mã, tôi có thể công đức tiền mặt để chùa tu bổ hay giúp đỡ người khó khăn khác. Tôi nghĩ điều này là cần thiết và nên được khuyến khích tại các chùa khác nữa”.

Song chính vì tục đốt vàng mã ăn sâu trong nhận thức và mỗi cá nhân, gia đình còn những ý niệm riêng, do vậy không thể áp dụng hình thức bắt ép mà nên tiếp tục giác ngộ để người dân dần hiểu, dừng dâng vàng mã lên chùa trên tinh thần tự nguyện.

Theo số liệu thống kê, trung bình một năm có khoảng 50 nghìn tấn vàng mã được sử dụng và hóa. Tháng 2/2018, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký Công văn số 031/CV-HĐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, trong đó việc loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đã được tuyên truyền.

Kiều Trang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/dung-dang-dot-vang-ma-noi-cua-phat.html