Dùng chung hạ tầng viễn thông

Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông nhanh nhất khu vực và thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông (HTKTVT) đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ. Riêng trạm thu phát sóng di động (BTS), hiện nước ta có hàng trăm nghìn trạm phủ khắp cả nước, chủ yếu thuộc sở hữu của năm nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel; một phần ít ỏi thuộc về khoảng 50 công ty hạ tầng có quy mô nhỏ và hoạt động độc lập.

Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông nhanh nhất khu vực và thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông (HTKTVT) đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ. Riêng trạm thu phát sóng di động (BTS), hiện nước ta có hàng trăm nghìn trạm phủ khắp cả nước, chủ yếu thuộc sở hữu của năm nhà mạng là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel; một phần ít ỏi thuộc về khoảng 50 công ty hạ tầng có quy mô nhỏ và hoạt động độc lập.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhất là trong khu vực nội thành, các cột BTS được xây dựng tràn lan trên mái nhà với mật độ dày đặc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT), công tác quản lý, xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các cơ sở hạ tầng dùng chung như các nhà trạm viễn thông, cột ăng-ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp (DN) viễn thông mà còn ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sự an toàn của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT và TT đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở HTKTVT thụ động giữa các DN viễn thông. Theo đó, yêu cầu các DN viễn thông phải đẩy mạnh việc chia sẻ, sử dụng chung HTKTVT thụ động trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan; tăng cường hiệu quả đầu tư thông qua trao đổi về nhu cầu sử dụng với các DN khác trước khi đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành cũng như giá cho thuê hạ tầng..., báo cáo sở TT và TT các địa phương theo định kỳ để cùng lên kế hoạch phát triển HTKTVT thụ động cũng như phương án sử dụng chung trên địa bàn. Mặt khác, các DN viễn thông di động cũng cần thống nhất về mẫu thiết kế một số cột ăng-ten để bảo đảm yêu cầu về an toàn xây dựng, hiệu năng sử dụng; tối ưu hóa dung lượng và tải trọng để có thể chia sẻ, sử dụng chung; tổ chức việc thanh thải, chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm cáp viễn thông để tăng cường mỹ quan và an toàn trong quá trình sử dụng. Các sở TT và TT cần phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương trong việc xác định, công bố công khai hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng,...) mà các DN viễn thông có thể sử dụng chung. Cục Viễn thông (Bộ TT và TT) cần phối hợp các sở TT và TT và đơn vị liên quan trong việc triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các DN viễn thông thực hiện nội dung của Chỉ thị; đồng thời, thường xuyên xem xét, xử lý các vướng mắc, tranh chấp về sử dụng chung HTKTVT thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành, từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc xây dựng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc.

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43979502-dung-chung-ha-tang-vien-thong.html