Đừng chủ quan với tính mạng con trẻ khi dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại 'thần dược' này.

Họ cho rằng thuốc này có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ nhập viện đều được phát hiện nhiễm độc ở giai đoạn muộn khi tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”.

Co giật, tổn thương não

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây vừa điều trị cho hai bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc

Đó là bệnh nhi Bùi Anh D., 6 tháng tuổi, ở huyện Thái Thụy, Thái Bình nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp phải thở máy, kèm theo triệu chứng co giật, có tổn thương não.

Chị L. (mẹ bé D.) kể lại, bé D có tiền sử viêm da cơ địa. Khi một tháng tuổi, chị cũng đã đưa con đi khám ở một bác sĩ gần nhà. Được bác sĩ kê đơn với thuốc bôi và uống nhưng con cứ bị tái đi tại lại.

“Nhìn con cứ nổi mẩn đỏ hết cả người, thậm chí có những nốt trầy da, mưng mủ khiến tôi sốt ruột. Nghe mấy người gần nhà mách, tôi chuyển sang dùng thuốc đông y. Ông lang cho rằng con tôi bị cam nên bán cho 30 gói thuốc, mỗi ngày uống một gói. Tôi cho cháu uống đến ngày thứ 24 thì xảy ra chuyện: con nôn nhiều, co giật toàn thân, mỗi lần co giật kéo dài 5 phút. Mỗi ngày 5-6 lần lên cơn co giật. Cố cầm cự đến ngày thứ 2 nhưng dấu hiệu bệnh con ngày một nặng, tôi đành phải đưa con đến viện, rồi được chuyển thẳng lên đây”, chị L. mếu máo kể lại.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sỹ của Khoa Nhi đã nghĩ đến việc bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp điều trị tích cực: thở máy, dùng kháng sinh liều cao… bệnh nhi được lấy mẫu máu gửi đi định lượng nồng độ chì. Kết quả: nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100 ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Ngay lập tức, Khoa Nhi đã hội chẩn cùng Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để có phác đồ thải độc chì cho bệnh nhi.

“Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, rút được máy thở, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm. Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện”, BS. Kim Anh (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ.

Một trường hợp khác cũng bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc từng được điều trị tại Khoa Nhi là cháu Đỗ Thị Thu H., 7 tháng tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trước khi nhập viện 2 tháng trẻ có dùng thuốc cam mua ở hiệu thuốc để điều trị nang tuyến lệ. Khi trẻ xuất hiện loét miệng, gia đình đã mua một loại thuốc cam khác có dạng bột màu đỏ và dạng viên màu nâu của bà lang ở chợ (không có nhãn mác) về cho con uống nhưng sau đó trẻ xuất hiện nôn nhiều, đi phân đen.

Có thể mất con, cháu như chơi!

Tình trạng này cũng gặp tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đó là trường hợp bé trai Trần Duy H. (hơn 1 tháng tuổi). Muốn con hay ăn chóng lớn, mẹ cháu hòa thuốc cam với nước sôi cho con uống mỗi ngày 3 lần. Trong vòng hơn 1 tháng, bé H. tăng lên 1,3 kg nhưng sau đó, cháu bỗng xuất hiện nhiều biểu hiện lạ: bỏ bú, da xanh tái, kèm theo co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sau cơn giật cháu bé không tỉnh. Khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé được các bác sĩ tại đây chẩn đoán viêm phổi nặng, viêm màng não do ngộ độc chì. Cháu được đặt nội khí quản sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo TS. BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết các cháu nhập viện đều được phát hiện nhiễm độc ở giai đoạn muộn khi tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi đã có những biểu hiện nặng về thần kinh, các cháu có thể gánh chịu những di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn.

“Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày - đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài”, BS. Tuấn cho biết thêm.

Lý giải tình trạng vì sao, trẻ uống thuốc cam không rõ nguồn gốc dễ bị ngộ độc chì, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Rất có thể do trong quá trình sản xuất không đảm bảo mà thuốc bị nhiễm kim loại nặng (như chì, asen...), bằng mắt thường không thể biết được. Cũng có loại thuốc được trộn tân dược, coticoid... giữ nước khiến cha mẹ tưởng nhầm con tăng cân mà không hiểu, tác dụng phụ của corticoid rất nguy hại cho trẻ.

Theo các chuyên gia, chì là một chất cực độc, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa… gây các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói. Để tự thải trừ chì ra khỏi cơ thể đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề do không kiểm soát được.

BS Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Nếu có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

HUYỀN ANH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dung-chu-quan-voi-tinh-mang-con-tre-khi-dung-thuoc-cam-khong-ro-nguon-goc-post202799.html