Dùng câu chuyện hay để được quảng bá miễn phí

Bí quyết để các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp có thể quảng bá thương hiệu hiệu quả là có những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm của mình. Đây là những chia sẻ tại tọa đàm 'Làm thế nào để quảng bá thương hiệu hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ' do Nhóm Biz Group, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club tổ chức.

Bí quyết để các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp có thể quảng bá thương hiệu hiệu quả là có những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm của mình. Đây là những chia sẻ tại tọa đàm “Làm thế nào để quảng bá thương hiệu hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ” do Nhóm Biz Group, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club tổ chức.

Các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ 2030 đang lắng nghe kinh nghiệm từ ông Nguyễn Đức Nghĩa. Ảnh: Kim Ngọc

Để cơ quan truyền thông tìm đến

Nhà báo Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) nhận định, rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ lâu nay thường có suy nghĩ rằng, không cần quan hệ với các cơ quan truyền thông đại chúng, không thích xuất hiện trên các tờ báo. Lý do của nhiều người là cơ quan báo chí không giúp ích gì cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Xét về bản chất, các cơ quan truyền thông đại chúng đang làm chính công việc mà doanh nghiệp rất cần để bán được sản phẩm, hàng hóa, đó là truyền thông tin đến toàn xã hội. Mối quan hệ của doanh nghiệp và cơ quan truyền thông là tương hỗ, đồng hành.

Doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc đưa hình ảnh của mình đến xã hội. Với vai trò phản ánh thực tế, truyền tải thông tin mới lạ, các cơ quan báo chí sẽ tự tìm đến những câu chuyện hay. Do vậy, việc của doanh nghiệp, bất kể nhỏ hay lớn là phải có những câu chuyện “kể” với báo chí để từ đó các tờ báo “chế biến” thành những thông tin thời sự và mang lại lợi ích cho bạn đọc. Có nhiều thương hiệu đã được quan tâm, ghi được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng, bán được nhiều sản phẩm nhờ có những câu chuyện hay.

Với những doanh nghiệp lớn, theo ông Hùng, sẽ có những bộ phận chuyên làm công việc ngồi viết những câu chuyện về doanh nghiệp và chia sẻ với báo chí. Còn với những doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách thì có thể sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp. Với những doanh nghiệp nhỏ, ngân sách hạn chế thì khả thi hơn là tự viết nên những câu chuyện. Lưu ý là mỗi tờ báo có một “gu” về câu chuyện hay. Do vậy, cần hiểu rõ về tờ báo và độc giả của tờ báo đó để xây dựng, gửi gắm những câu chuyện phù hợp.

Quảng bá kiểu “con nhà nghèo”

Từ trải nghiệm trong hơn 20 năm kinh doanh, xây dựng công ty từ quy mô nhỏ và nay đã phát triển thành doanh nghiệp tỉ đô, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ An Cường, đúc kết rằng càng là doanh nghiệp nhỏ, ít tiền thì người chủ càng phải xắn tay làm mọi việc vì không đủ khả năng tài chính để trả tiền cho các công ty tiếp thị chuyên nghiệp. Ngân sách dành cho hoạt động marketing, truyền thông không thể là một con số cố định, 10 hay 30% doanh thu mỗi năm là hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Cách quảng bá thương hiệu của ông Nghĩa từ những ngày đầu thành lập công ty là xác định rõ định hướng về tiếp thị, truyền thông và vận dụng cách làm đơn giản nhưng bài bản, vốn đã được các công ty trên thế giới áp dụng.

Đầu tiên là tham gia các sự kiện như tài trợ cho các hoạt động cộng đồng, xã hội. Tùy vào tính chất, quy mô hay sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mà lựa chọn sự kiện phù hợp. Mục tiêu là để giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp mình tới những công ty bạn hay khách hàng tiềm năng.

Kế đến là phải có bộ nhận diện thương hiệu và thể hiện hình ảnh sản phẩm, dịch vụ cùng bộ nhận diện đó một cách rõ ràng, đẹp mắt trên các công cụ như tờ rơi, catalog…

Thứ ba là làm truyền thông, tiếp thị “kiểu con nhà nghèo”, tận dụng mọi cơ hội xuất hiện trước cộng đồng, khách hàng tiềm năng, tham gia các câu lạc bộ hội nhóm doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu về doanh nghiệp, hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp cần phân bổ một phần ngân sách để quảng cáo thương hiệu. Và để giảm được chi phí thì nên hợp tác cùng nhau để chia sẻ các trang quảng cáo.

Những năm gần đây, khi Internet phát triển, các mạng xã hội bùng nổ thì An Cường đã đầu tư cho hoạt động tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing). An Cường có mặt tại tất cả các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram để giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ. Lời khuyên của ông Nghĩa là tùy ngân sách mà lựa chọn mạng xã hội phù hợp. Quan trọng là dù công ty nhỏ nhưng cần có người chuyên trách, làm việc chăm chỉ trên các tài khoản này để mang lại hiệu quả bền vững… “Làm theo bốn cách chính đó, doanh nghiệp chưa thành công thì cũng có một chỗ đứng”, ông Nghĩa nói.

Những cách làm này của ông Nghĩa được công ty nơi ông làm việc khi chưa khởi nghiệp chỉ dẫn. Năm 1994, khi bắt đầu phát triển An Cường, ông Nghĩa đã thực hiện rất nhiều việc như tham gia triển lãm Vietbuid để giới thiệu về doanh nghiệp, làm tờ rơi, quảng cáo logo công ty trên các tạp chí chuyên ngành và mở cửa hàng để giới thiệu sản phẩm…

Liên minh để cùng tiếp thịChia sẻ bên lề tọa đàm, ông Dương Hoan Tuyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH LEO, đơn vị sở hữu thương hiệu quần áo trẻ em Ninh Khương, cho rằng các doanh nghiệp nhỏ thì rất cần liên minh để cùng tiếp thị, quảng bá. Hợp tác sẽ giúp tận dụng, chia sẻ các nguồn lực của nhau, hỗ trợ qua lại, mang lại hiệu quả nhưng tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, để các mối quan hệ hợp tác được bền chặt thì các doanh nghiệp tham gia ngoài chuyện không cạnh tranh trực tiếp với nhau còn phải tương đồng về quy mô, thực hiện các nghĩa vụ như nhau…

Tâm An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/dung-cau-chuyen-hay-de-duoc-quang-ba-mien-phi/