Dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn

Trời còn mờ sương, đồng quê yên ắng, bất chợt vang lên những tiếng hô dõng dạc: 'Đả đảo Mỹ-Diệm! Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!…'. Khi bà con kéo đến, đã thấy một người trai trẻ tự rạch bụng, lôi ruột ra, rồi gục xuống. Người chiến sĩ hy sinh đầy quả cảm đó là đồng chí Mai Mỹ...

Đồng chí Mai Mỹ sinh năm 1924, người làng Bá Giáng, xã Hòa Quý (nay là phường Hòa Quý), quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là đảng viên nòng cốt, Trung đội trưởng dân quân du kích tập trung xã Hòa Quý; từ tháng 7-1954, đồng chí là Bí thư chi bộ bí mật thôn Bá Giáng, trực thuộc Huyện ủy bí mật Hòa Vang.

 Chân dung liệt sĩ Mai Mỹ.

Chân dung liệt sĩ Mai Mỹ.

Để có thể hội họp, hoạt động trong sự kiểm soát, bắt bớ của địch, đồng chí Mai Mỹ có nhiều cách làm sáng tạo để qua mắt địch. Lợi dụng việc bà con nông dân trong làng thường mượn nhau làm đồng rồi trả công, ông tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ trong những lúc ăn giữa buổi khi đi làm đồng, hoặc giả vờ nhờ anh em đến san lấp mảnh vườn sau nhà trong những đêm trăng; có khi lại tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho thanh niên trong làng khi họ đến lấy nước từ giếng nhà ông về dùng… Cứ thế, những buổi hội họp luôn diễn ra suôn sẻ mà không bị địch phát hiện.

Đầu tháng 3-1959, địch đẩy mạnh chính sách tố cộng, diệt cộng. Cùng với các xã khác trong huyện Hòa Vang, ngụy quyền xã Hòa Phụng (nay là phường Hòa Quý) đã bắt hơn 120 người, gồm 35 đảng viên và các cơ sở cách mạng, giam tại Trường Tiểu học Bá Giáng để mở lớp học tố cộng, diệt cộng. Chúng lợi dụng hàng rào cây găng và cây cối um tùm để tra tấn và thực hiện âm mưu bí mật giết người, thả sông, hòng tiêu diệt tận gốc những người là đảng viên, hoặc có liên quan đến cách mạng. Trước tình hình đó, một kế hoạch được đồng chí Mai Mỹ vạch ra…

Chiều 7-3-1959, đồng chí Mai Mỹ về nhà với thân hình bầm tím những vết thương vì đòn roi của địch. Bước qua cửa, anh vội vàng ôm chầm những đứa con thơ, có đứa mới hơn một tháng tuổi. Vợ anh giục cố ăn bát cháo nóng vừa nấu. Ăn xong, sau khi dặn dò vợ kỹ càng, đồng chí Mai Mỹ lén vào bếp thủ một con dao nhỏ sắc, rồi lặng lẽ lách qua bụi rậm, mất hút vào màn đêm. Vợ con anh đâu có biết, đó là lần cuối cùng được gặp chồng, cha-người chiến sĩ quả cảm, xả thân vì nghĩa lớn.

Ông Trần Hữu Vinh (bên phải)-người chứng kiến đồng chí Mai Mỹ anh dũng hy sinh ngày 8-3-1959.

Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng ông Trần Hữu Vinh (sinh năm 1947, người làng Bá Giáng) vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về buổi sáng hôm ấy. Ông kể: “Sáng sớm 8-3-1959, tôi đi chăn trâu trên cánh đồng Bá Giáng-Tùng Lâm thì bất chợt nghe tiếng hô vang: “Đả đảo Mỹ-Diệm! Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!” từ xa vọng lại. Tôi nhanh chóng cột trâu, chạy về hướng giếng Nghị, nơi có tiếng hô, thấy nhiều người cũng đã chạy tới. Vừa đến nơi, tôi khựng lại khi thấy chú Mai Mỹ đã dùng dao rạch bụng, lôi ruột ra ngoài và anh dũng hy sinh, để phản đối địch tra tấn dã man chiến sĩ, đồng bào ta. Các cô chú thấy vậy hốt hoảng la lên, loan tin cho bà con trong làng đến. Một lúc sau, mấy tên lính áo đen mặt mày bặm trợn đi tới. Chúng xua đuổi, bắt chúng tôi phải đứng cách xa thi hài chú Mỹ, rồi tổ chức lớp tố cộng. Bà con đến ngày càng đông, nhưng không ai chịu vào lớp tố cộng và yêu cầu không được mang xác chú Mỹ đi nơi khác. Đến khoảng 9 giờ, tên quận trưởng Hòa Vang cùng đám lính và xe ô tô hùng hổ xộc đến. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, địch phải nhượng bộ, đồng ý để nhân dân mai táng đồng chí Mai Mỹ.

Sự hy sinh của đồng chí Mai Mỹ đã gây chấn động, hoang mang trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền. Chỉ vài ngày sau, bọn chúng đã xóa bỏ tất cả lớp học tố cộng tại hơn 20 xã của huyện Hòa Vang và nhiều địa phương khác; từ cuối năm 1959, chúng không còn mở lớp học tố cộng nữa.

Phía sau sự hy sinh đầy quả cảm của đồng chí Mai Mỹ là một sự tính toán đầy trí tuệ. Biết rõ địch đang âm mưu thủ tiêu các cán bộ và cơ sở cách mạng, khi bí mật họp chi bộ, đồng chí Mai Mỹ xác định phải nhanh chóng tiến hành đấu tranh, nhằm xoay chuyển tình thế. Nhưng nếu chết trong lớp học, chắc chắn kẻ thù sẽ tìm mọi cách thủ tiêu, bưng bít, thậm chí sự hy sinh đó có thể gây hại cho đồng bào, đồng chí. Vì thế, lợi dụng địch lơ là lúc trời mới mờ sáng, đồng chí Mai Mỹ đã lẻn trốn ra ngoài, băng qua triền cát rộng, chạy về phía giếng Nghị-nơi cách trường học tố cộng khoảng 400m và ở vị trí giáp ranh ba ngôi làng trong xã; để khi hô khẩu hiệu chống Mỹ-Diệm sẽ thu hút đông đảo nhân dân đến chứng kiến và đấu tranh với địch. Sự hy sinh dũng cảm của đồng chí Mai Mỹ đã đạt được mục đích; cứu nhiều người khỏi sự bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu của chính quyền Mỹ-Diệm, bảo vệ tổ chức đảng và cơ sở cách mạng.

Một lòng một dạ sắt son theo Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cách mạng, ngay cả khi đồng chí Mai Mỹ hy sinh, vợ con ông vẫn nghĩ đó là hành động quả cảm của một chiến sĩ yêu nước, chứ không biết đó là một “nước cờ” đấu tranh chính trị quan trọng, có ý nghĩa lớn, được tính toán kỹ của người bí thư chi bộ bí mật, kiên trung.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương vẫn nhắc nhớ về đồng chí Mai Mỹ với niềm tự hào. Người chiến sĩ kiên trung đã ngã xuống để nhiều đồng chí, đồng bào được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng, viết tiếp những chiến công, trang sử hào hùng trên quê hương. Vừa qua, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng đồng chí Mai Mỹ danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/dung-cam-hy-sinh-vi-nghia-lon-544508