Đừng cãi cùn nữa, không có chuẩn chính tả thì sinh ra từ điển làm gì?

'Sách của PGS Năng không phải từ điển bình thường mà là từ điển chính tả, phải là chuẩn để tra cứu chứ, nếu nói viết gì cũng không sai thì sinh ra từ điển làm gì?'.

Tham gia tranh luận về việc cuốn “Từ điển Chính tả tiếng Việt" của NXB ĐHQG Hà Nội (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương) bị đánh giá có nhiều lỗi chính tả, độc giả Nguyễn Cường có bài “Lỗi chính tả trong từ điển chính tả: Hãy thôi ném đá vì làm gì có chuẩn đúng sai”. Tác giả cho rằng chủ biên cuốn sách có lý khi lập luận, không có văn bản cấp nhà nước nào về chuẩn chính tả để kết luận những “lỗi” được chỉ ra trong cuốn từ điển là sai.

Không đồng tình với quan điểm của Nguyễn Cường, nhiều độc giả cho rằng lập luận của PGS Hà Quang Năng là ngụy biện. Theo họ, đã là từ điển thì phải chính xác, phải chuẩn.

Trịnh Văn Bình: Tôi đồng ý với Nguyễn Cường là ngôn ngữ luôn thay đổi, không fix cứng, chuẩn chính tả chẳng qua là theo quy ước của số đông. Nhưng ông Cường ơi khi đã là quy ước rồi thì phải theo chứ không thì tung tung bát nháo hết cả. Chính tả cũng là quy ước, và phải có chuẩn, thế mới cần từ điển. Mỗi khi băn khoăn từ này mình viết vậy đúng hay sai, tôi có thể mở từ điển ra tra. Sách của ông Hà Quang Năng không phải từ điển bình thường mà là từ điển chính tả đấy, nó phải là chuẩn để người ta tra cứu chứ. Nếu bảo không có chuẩn, viết sao cũng đúng chứ không sai thì ông soạn từ điển làm gì?

Thien Khai: Nếu nói như tác giả thì chỉ duy nhất văn bản Nhà nước mới là cơ sở để phán xét đúng sai một sự vật? Tiếng Việt sinh ra và hoàn thiện nhờ công sức của bao người bao thế hệ. Chính tả tiếng Việt qua đó cũng dần đi vào ổn định, có quy tắc. Những quy tắc đó, tuy chưa có một văn bản Nhà nước nào ban hành (đây là sự yếu kém của ngành Ngôn ngữ học) nhưng đã được nhiều thế hệ công nhận, chấp hành. Nay có một ‘học giả’ nào đó phá ngang, rồi cãi cùn là ‘không sai’ trong khi số đông những người hiểu biết bảo sai. Nếu nói rằng ‘không ai đúng, ai sai’ thì chả hóa ra thời nay vàng thau đều có giá trị như nhau...?

Văn Lan Hương: Trước tiên phải làm rõ Từ điển Chính tả tiếng Việt soạn và phát hành phục vụ ai? Nếu chỉ phục vụ một số ít người và để cho mấy ông nghiên cứu thì không sao, còn để bán ra thị trường và phục vụ học sinh sinh viên thì ít ra nó phải mang tính chuẩn mực và tính phổ biến. Ví dụ như tính chuẩn mực trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở trường phổ thông. Và cũng cần làm rõ khái niệm chính tả là gì? Vì vậy xin đừng ngụy biện. Đã sai thì nghiêm túc sửa chữ có như thế mới có thể tránh bị ném đá.

Cuốn "Từ điển Chính tả tiếng Việt" bị đánh giá là có nhiều lỗi chính tả.

Cuốn "Từ điển Chính tả tiếng Việt" bị đánh giá là có nhiều lỗi chính tả.

Lâm: Có quá nhiều lỗi trong cuốn từ điển, đó là một sự thật không thể chối cãi. Vậy tại sao tác giả Nguyễn Cường vẫn còn cố ngụy biện cho những cái lỗi đó? Sai thì sửa, nhận lỗi để sửa cho đúng, làm vậy đâu có hạ thấp chuyên môn hay danh dự của mình. Chỉ có người cố tình không chịu nhận ra cái sai để mà sửa mới đáng bị lên án thôi.

Lê Đình Phong: Đã là tập thể có học thuật cao nghiên cứu sâu mà không chính xác, vậy phát hành để làm gì? Mua một cuốn tự điển ngôn ngữ không phải truyện cườ, không chắc chắn thì bán ra chắc gì tôi mua. Tiền kiếm ra chắc không tốn sức khỏe đầu óc và tay chân hả?

Nguyễn Phương: Tác giả cuốn từ điển tự thanh mình đã cùn nhưng ông Nguyễn Cường còn cùn hơn khi khuyên mọi người thôi ném đá. Ông Cường viện dẫn chưa có văn bản nào quy định cách chuẩn! Tôi cũng chưa thấy có văn bản nào của Nhà nước quy định 1 + 1 = 2 cả, nhưng đi học mà không thống nhất thế thì trượt thưa ông Cường! Tiếng Việt cả nói và viết dần được hoàn thiện, trải qua thời gian dài sàng lọc, chuẩn hóa và trở thành công cụ giao tiếp hàng ngày trong cộng đồng dân tộc và là phương tiện để giao lưu quốc tế. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng, thống nhất của nó trong nói và viết, không thể tùy tiện sửa đổi hoặc làm sai lệch”.

Trần Xuân Hải: Đã là từ điển chính tả thì cần phải chính xác. Đã viết sai lại còn bao biện.

Ngọc Hoàng: Đọc bài này thấy rằng cũng như PGS Hà Quang Năng, tác giả Nguyễn Cường rất mơ hồ về ngữ pháp. Tác giả có lẽ cũng không hiểu nghĩa của từ "Từ điển". Trước một cuốn sách có tính chuẩn mực, định hướng cho xã hội mà sai chính tả nghiêm trọng như vậy, đương nhiên mọi người phải lên tiếng để tránh hệ lụy cho nền giáo dục!

Bùi Tuấn Quang: Đã là cuốn ‘Từ điển Chính tả tiếng Việt’ thì phải chuẩn, chứ không nên nói rằng ‘Tôi thích viết như thế’. Từ điển là để tra cứu mà. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng nên thu hồi cuốn sách này, không nên cho lưu hành vì nó sẽ phá hoại chữ viết tiếng Việt.

Bạn có đồng tình với các ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Minh Nhật

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-kien/dung-cai-cun-nua-khong-co-chuan-chinh-ta-thi-sinh-ra-tu-dien-lam-gi-ar551737.html