Dừng bước ở Tây Ninh

Tháp cổ Bình Thạnh và tháp Chót Mạt là 2 trong 40 di chỉ khảo cổ nổi bật ở Tây Ninh, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo thuộc nền văn hóa Óc Eo. Ngoài ra, Tây Ninh còn sở hữu những danh lam thắng cảnh, nhà cổ, căn cứ kháng chiến… khiến du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.

Một hệ thống phế tích đến tháp cổ của Tây Ninh dọc theo lưu vực sông Vàm Cỏ Đông bắt đầu từ Phước Chỉ, Bình Thạnh (Trảng Bàng), từ gò Xoài, gò Miếu Bà qua gò Cổ Lâm (Châu Thành) đến tháp Chót Mạt (Tân Biên).

Trong đó, di tích kiến trúc nghệ thuật tháp cổ Bình Thạnh thuộc địa phận ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng nằm trên một gò đất cao về phía Tây của huyện.

Đây là ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn, là một trong các di tích kiến trúc cổ quý giá của Tây Ninh và cả Nam bộ, một di tích kiến trúc thuộc loại hình đền tháp người xưa tạo nên để thờ cúng các vị thần linh. Năm 1993, tháp cổ Bình Thạnh đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Cùng với đó, Tháp Chót Mạt được người xưa xây đắp giữa cánh đồng thuộc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Toàn bộ kiến trúc đền tháp được xây dựng trên một gò đất hình chữ nhật với hai vật liệu chính là gạch nung và đá phiến.

Hình dáng của tháp rất giống như các tháp Chàm miền Trung với chân tháp rộng, các bức tường quanh tháp thẳng đứng, tường tháp dày, đỉnh tháp nhọn, các vỉa gạch được xếp chồng khít lên nhau rất kín kẽ.

Cả hai ngôi tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt đều có khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông, phong cảnh đẹp đẽ. Nếu được trùng tu, nâng cấp, đây chắc chắn sẽ là điểm hấp dẫn với du khách trong hành trình đến với Tây Ninh.

Tuy nhiên, việc bảo tồn chỉ dừng lại ở chỗ giữ gìn mà chưa phát huy được các giá trị lịch sử và nghệ thuật của di tích. Nói như ông Nguyễn Hoàng Lập, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tây Ninh, cơ quan quản lý hai di tích trên, hằng năm, ngân sách tỉnh đều dành riêng vài trăm triệu đồng để chống xuống cấp các hạng mục. Nhưng để đầu tư cho hai di tích này trở thành điểm đến thu hút du lịch thì phải kêu gọi xã hội hóa.

Không chỉ có hai tòa tháp cổ kính kể trên, một công trình không thể không dừng chân trong chuyến trải nghiệm điểm đến này là Tòa thánh Tây Ninh, công trình được khởi công vào năm 1933 và chính thức khánh thành vào năm 1955, tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là nơi thờ Thiên Nhãn, biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Ðài.

Một ngôi nhà cổ.

Công trình tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành. Toàn bộ tòa thánh bao gồm gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, được xây bằng bê tông cốt tre. 12 cổng đều được chạm khắc hình Tứ linh (long, lân, quy, phụng) và hoa sen.

Bên trong tòa thánh có hai hàng cột rồng, sơn xanh đỏ. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu)…

Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 tại Tây Ninh, biểu tượng là Thiên Nhãn. Ngoài thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... Tòa thánh Tây Ninh là nơi thờ đạo chính của đạo Cao Đài.

Giờ lễ chính trong ngày tại tòa thánh được tổ chức vào 12h trưa. Du khách có thể thăm tòa thánh vào bất kì thời gian nào trong ngày, nhưng cần lưu ý một số quy tắc, khi vào không được mang giầy dép, giữ gìn vệ sinh chung, chỉ được vào ở cửa hai bên, nam giới đi cửa bên phải và nữ giới đi cửa bên trái.

Đến Tây Ninh, những người yêu thích lịch sử đừng quên ghé khu Di tích Bời Lời. Sở dĩ có tên gọi Bời Lời bởi vùng đất này có một loại cây gỗ đặc trưng mang tên Bời Lời. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, Bời Lời là căn cứ của quân và dân tỉnh Tây Ninh.

Đặc biệt, nơi đây từng là nơi đặt cơ quan chỉ đạo của thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng nhiều căn cứ quan trọng khác. Bời Lời những năm tháng chiến tranh là nơi được biết đến như một địa danh ác liệt bản đồ quốc tế. Mảnh đất thép kiên cường trở thành biểu tượng cho tinh thần quật khởi, năm 1999 nơi đây được xây dựng khu Trung tâm tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam. Di tích lịch sử này đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999.

Nghề chằm nón truyền thống của Tây Ninh cũng được du khách ưa khám phá tìm về ấp An Phú, An Hòa (Trảng Bom) hay làng nón ở Thị xã Tây Ninh. Đến những địa chỉ này, du khách được tận tay trải nghiệm các bước để làm ra một chiếc nón lá thương hiệu Tây Ninh. Chắc chắn du khách sẽ rất thích thú từ cách chọn kỹ càng từng chiếc lá mật cật để làm nguyên liệu chính, cho đến cách làm khung nón lá, sườn nón lá sao cho đẹp.

Khách du lịch khi đến các làng chằm nón không khỏi ngỡ ngàng trước sự điêu luyện khi chằm nón lá của các bé chỉ vừa 5 - 6 tuổi. Đôi tay thoăn thoắt của các bé không thua gì những người lớn lành nghề. Tại đây, du khách có thể chụp lại cho mình những bức ảnh dễ thương, với hằng hà những chiếc nón là nằm phơi mình duyên dáng.

Mới đây, căn nhà cổ 123 năm tuổi tại số 39, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, TP Tây Ninh vừa được trao bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh cho gia đình bà Trần Ngọc Sương, 81 tuổi, là cháu đời thứ tư của chủ nhân căn nhà cổ 123 năm tuổi, còn gọi là căn nhà cổ Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên.

Căn nhà cổ do Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, người miền Trung, là quan thời Pháp thuộc xây dựng năm 1894 với lối kiến trúc độc đáo, vừa mang nét cổ kính, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã.

Căn nhà có chiều rộng 12 m, dài 20 m, gồm một tầng trệt và một gác lửng với nhiều gian phòng cho các thế hệ sinh sống. Kiến trúc trong nhà từ cột, kèo, vách, gác lửng cho đến bàn thờ tổ tiên hoàn toàn được làm bằng các loại gỗ quý, chạm trổ tinh xảo.

Tổng thể căn nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Cửa ra vào gian chính dù đã bị bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn còn cứng cáp, khít từng khung gỗ khép vào nhau. Phía trên những khung cửa là những bức phù điêu rồng bay, phượng múa, cây cỏ, hoa lá...được chạm khắc công phu.

Hiện, bà Trần Ngọc Sương cùng các con, cháu đang ở, giữ gìn, chăm sóc, căn nhà hầu như còn giữ nguyên vẹn được bản gốc. Nhiều năm qua, căn nhà cổ Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Kiên đã trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch, đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, khảo cổ đến tham quan, nghiên cứu.

Hoài Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/dung-buoc-o-tay-ninh-tintuc418511