Đừng bóc đi màn sương huyền thoại

Trận Thermopylae ở bán đảo Hy Lạp là một trong những trận chiến nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại. Vua Leonidas của xứ Sparta chỉ với vài trăm binh sĩ, chống lại hàng trăm nghìn lính của đế chế Ba Tư. Vua Leonidas cùng vài trăm binh sĩ thất bại. Nhưng sự dũng cảm của toán quân nhỏ nhoi đã đánh thức tinh thần chiến đấu của quân Sparta nói riêng, các thành bang Hy Lạp nói chung, để họ đánh bại đạo quân Ba Tư hùng hậu. Trận chiến đã đi vào thi ca, nhạc họa, được dựng thành nhiều bộ phim sử thi, gần đây nhất là phim "300 chiến binh" của điện ảnh Mỹ.

Bất kỳ ai đến Hy Lạp đều sẽ bất ngờ. Tượng đài tưởng niệm 300 chiến binh, rất nhỏ bé, mang hình hài một thiên thân thần gãy cánh. Tại khe núi nơi diễn ra trận đánh, đài tưởng niệm chỉ là mấy bậc đá đơn sơ. Người Hy Lạp bảo rằng, tượng đài dù lớn thế nào cũng khó tương xứng với sự kỳ vĩ của trận đánh. Và người ta dành sự kỳ vĩ ấy cho trí óc tưởng tượng của bất cứ vị khách nào đến đây - 300 chiến binh, chống lại đạo quân lớn gấp họ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần, với đủ các phương tiện dành cho một cuộc xâm lược đại quy mô.

Câu chuyện tưởng niệm một sự kiện, một nhân vật như ở Hy Lạp, rất xa lạ với Việt Nam. Không chỉ thế, nhiều nhân vật, câu chuyện huyền thoại, cũng được cố hiện thực hóa bằng những bức tượng, tượng đài. Thậm chí là còn đua nhau về độ "khủng". Chúng ta biết, mỗi khi dựng tượng, tượng đài các nhân vật lịch sử, kể cả các nhân vật nổi tiếng và có thực như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung Nguyễn Huệ..., luôn đi kèm những tranh luận bất tận. Chúng ta thiếu tư liệu về trang phục các vị. Dung mạo, dáng dấp các vị càng khó hơn. Mỗi người tưởng tượng một kiểu. Và khi cụ thể hóa thành hình khối, tranh luận gay gắt nổ ra là đương nhiên. Tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm đến giờ đã "quen mắt" sau nhiều năm đứng đó. Nhưng vẫn chưa hết những ý kiến phê bình về trang phục. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hoàn toàn không đúng với trang phục thời đó. Cũng bởi thế mà khi dựng tượng đài các nhân vật lịch sử, nhiều người nói vui: Có hai ông Lý Thường Kiệt, hai ông Quang Trung… vì các bức tượng khác nhau nhiều quá.

Chuyện càng phức tạp hơn với những nhân vật mà lịch sử đã lùi rất xa. Cách đây chưa lâu, chuyện tượng 18 vua Hùng "môi đỏ như son, móng tay nhuộm đỏ như... hot girl" ở Pleiku (Gia Lai) khiến dư luận được một phen vừa bực bội, vừa phì cười. Ngành văn hóa tỉnh Gia Lai vội vàng sửa chữa. Song, sự việc cho thấy, việc cố hiện thực hóa những nhân vật lịch sử, nhất là thời sơ sử, không dễ đem lại hiệu ứng như mong muốn.

Nhưng ngay cả những nhân vật huyền thoại, không có thực, lâu nay, người Việt vẫn có xu hướng cụ thể hóa thành những tượng, tượng đài để tưởng niệm hoặc thờ cúng. Khi cuộc thi phác thảo mẫu tượng Thánh Gióng để đặt tại Khu Di tích đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), ngay lập tức đã có những khó khăn. Theo truyền thuyết Thánh Gióng ba tuổi vươn mình lớn dậy. Vậy Thánh Gióng “lớn” đến mức nào thì vừa? Rồi Thánh Gióng mặc gì? Để đầu tóc ra sao? để phù hợp với thời đại Hùng Vương như truyền thuyết?

Đầu năm 2015, một vị thánh thuộc “tứ bất tử” khác của Việt Nam là Tản Viên Sơn Thánh cũng được đúc tượng thờ, đặt tại đền Thượng (Ba Vì, Hà Nội). Cũng trải qua thi cử, cũng chọn được mẫu tượng không thể coi là xấu. Bức tượng mô tả một người đàn ông, độ tuổi chớm trung niên, mặt cương nghị, tay cầm cây gậy – có lẽ là cây gậy “đầu sinh đầu tử” như truyền thuyết. Vóc dáng người đàn ông khá vạm vỡ, ngồi trên một phiến đá, đầu đội mũ lông chim nhang nhác hình ảnh vẫn thấy ở trống đồng. Đa số đều cho là bức tượng khá ổn. Nhưng nếu đặt cạnh những truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh – Sơn Tinh thì tất cả các đường nét đều trở nên quá nhỏ bé… Một bức tượng thế nào mới xứng với một chàng phò mã uy dũng, “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”; có khả năng “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi”? Hay trong những câu chuyện khác là người cứu nhân, độ thế, dạy dân trăm nghề.

Cụ thể hóa bằng những hình khối các nhân vật truyền thuyết chưa bao giờ là điều dễ dàng. Cái đẹp của nhiều nhân vật lịch sử, nhất là nhân vật truyền thuyết chính là màn sương huyền thoại. Những câu chuyện về các nhân vật ấy luôn “dành chỗ” cho trí tưởng tượng của con người. Người Việt xưa không có truyền thống dựng tượng đài. Tại những đình, đền, các nhân vật lịch sử thường được thờ ở khám thờ riêng, gọi là hậu cung, có thể là tượng thờ, hay bài vị. Hậu cung luôn được đóng kín, vẻ đẹp, sự tôn nghiêm được tôn lên bằng ánh đèn lung linh mà hư ảo.

Cố hiện thực hóa bằng những tượng, tượng đài, đôi khi đem lại tác dụng ngược, như trường hợp tượng Vua Hùng môi đỏ, móng tay son; hay gây sự bức bối trong dư luận như đề xuất đúc tượng con rùa mạ vàng khủng mười tấn đặt bên hồ Hoàn Kiếm, và gọi đó là thần Kim Quy, như mới vừa xảy ra gần đây.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32489602-dung-boc-di-man-suong-huyen-thoai.html