Đừng bỏ qua cơn tai biến mạch máu não thoáng qua

Hơn 30 năm công tác, tôi đã khám và điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân bị đột quỵ. Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp này bệnh nhân đều đã được 'cơ thể phát tín hiệu' thông qua những cơn tai biến mạch máu não thoáng qua (TIA). Nếu như các bệnh nhân trên không coi thường những cảnh báo của cơ thể để có những can thiệp kịp thời thì nhiều người sẽ tránh được những cơn đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay, nhiều người dân và ngay cả nhân viên y tế cũng quan niệm rằng: Các cơn tai biến mạch máu não thoáng qua là do “trúng gió”, “trở giời”... không gây nguy hiểm với sức khỏe; chỉ những cơn đột quỵ não mới nghiêm trọng.

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Triệu khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân cao huyết áp. Ảnh: Phú Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Triệu khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân cao huyết áp. Ảnh: Phú Sơn.

Đây là một nhận thức rất sai lầm vì thực tế đột quỵ não và TIA đều là tình trạng nghiêm trọng liên quan tới thiếu máu não cục bộ, cần có chẩn đoán và thái độ xử trí đúng, kịp thời. Thực tế thì TIA là một giai đoạn rối loạn chức năng thần kinh thoáng qua do tổn thương thiếu máu cấp ở não, tủy sống và võng mạc, các triệu chứng lâm sàng thường kéo dài dưới 1 giờ và không có bằng chứng của nhồi máu não trên chụp cắt lớp vi tính và nhất là cộng hưởng từ. Nguyên nhân của TIA là do nghẽn tắc nhánh động mạch não, giảm lưu lượng tưới máu toàn thể hay cục bộ, hạ huyết áp thế đứng; các nguyên nhân gây hẹp hệ động mạch cảnh hoặc động mạch sống –nền; loạn nhịp tim; tăng độ nhớt của máu…

Các triệu chứng phản ánh tổn thương mang tính "cục bộ", khởi phát đột ngột, đa số kéo dài 2 - 20 phút và tự hết, bao gồm: Giảm hay mất thị lực 1 bên hay 2 bên, liệt vận động nửa người, liệt mặt, rối loạn cảm giác nửa người, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động và thăng bằng, rối loạn nuốt, nhìn đôi, chóng mặt...

TIA có các triệu chứng lâm sàng “thoáng qua” nhưng là yếu tố chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ não thực thụ. Nên coi TIA là “cơn đau thắt ngực không ổn định của não”. Do vậy, bệnh nhân cần được xử trí điều trị sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị, dự phòng hiệu quả. Nếu thấy cơ thể có một hay nhiều biểu hiện triệu chứng của TIA, bệnh nhân cần được khám ngay bởi các bác sĩ chuyên khoa đột quỵ. Các bệnh nhân TIA được đánh giá sớm và xử trí kịp thời sẽ làm giảm 80% nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân cần được làm ngay các xét nghiệm khảo sát các yếu tố nguy cơ. Các kết quả xét nghiệm là cơ sở để xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng. Đồng thời, người bệnh cũng cần được tư vấn về dự phòng đột quỵ, bao gồm điều chỉnh, thay đổi nền nếp sinh hoạt, chế độ ăn như ăn giảm muối và tăng kali giúp hạn chế tăng huyết áp, ăn nhiều thức ăn rau, củ, quả; hạn chế mỡ động vật, bia, rượu, bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá. Nếu có béo phì cần có biện pháp giảm cân. Tăng cường tập luyện thể lực... Làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện các yếu tố nguy cơ. Xử lý triệt để yếu tố nguy cơ nếu có thể.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TRIỆU (Viện Điều trị Cán bộ cao cấp quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/dung-bo-qua-con-tai-bien-mach-mau-nao-thoang-qua-572410