Đừng bỏ mặc con trẻ với mạng xã hội!: Sống ảo, nỗi đau thật

Trẻ có nhu cầu được quan tâm nhưng không được đáp ứng, tự bơi trong sự hỗn loạn của mạng xã hội nên dễ tiêm nhiễm những thông điệp tiêu cực và thói xấu...

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ lớn. Mạng xã hội ngày càng trở nên gần gũi và phổ biến với giới trẻ, thậm chí trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống".

Hiểm họa khôn lường từ những nhóm kín

Về cơ bản, mọi phương tiện truyền thông xã hội như Whatsapp, YouTube, Facebook, Instagram, Twitter đều áp dụng các quy định về độ tuổi cho người dùng. Song trên thực tế, rất nhiều trẻ dưới độ tuổi 13-15 sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội, nhất là Facebook.

Thống kê đến tháng 6-2020 cho thấy Việt Nam có trên 69,3 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, chiếm tới hơn 70% dân số. Trang cá nhân, fanpage, group (nhóm) chính là 3 loại hình tài khoản chính của mạng xã hội này. Đặc biệt, group Facebook có tính cộng đồng rất cao, có thể lựa chọn hoạt động công khai (public) hoặc kín (private) và bí mật (secret). Không ít group kín hay bí mật là nơi tiềm ẩn nhiều nội dung nguy hiểm: khiêu dâm, kích động bạo lực, mua bán chất cấm, cổ xúy tự tử…

Có thời gian Facebook đã mạnh tay truy quét, dẹp bớt những group hoạt động với mục đích thiếu lành mạnh nhưng rất khó ngăn chặn triệt để các group tương tự mọc lên. Không ít học sinh hằng ngày vẫn đăng nhập vào các địa chỉ này để thỏa mãn trí tò mò, để rồi ngày qua ngày bị "đầu độc".

Thông tin từ các trung tâm tham vấn cho thấy rất nhiều học sinh mới lớp 8, lớp 9 đã tạo ra nhiều nickname phục vụ cho việc… chat sex mà phụ huynh không hề hay biết, do bề ngoài các em không có biểu hiện gì khiến cha mẹ phải lo lắng, ngược lại rất ngoan, lễ phép. Nhiều phụ huynh đã sốc khi biết con mình "lậm" phim sex, kết bạn vô tội vạ với rất nhiều người lạ thuộc thành phần phức tạp, ngày ngày chuyện trò với những lời lẽ dung tục.

Hai nghi phạm bị Công an thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bắt giữ do xâm hại tình dục 2 bé gái (14 và 16 tuổi) quen qua mạng xã hôịẢnh: Phong Sơn

Hai nghi phạm bị Công an thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bắt giữ do xâm hại tình dục 2 bé gái (14 và 16 tuổi) quen qua mạng xã hôịẢnh: Phong Sơn

Mở với người lạ, đóng cửa với mẹ cha

Theo khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet; trong đó 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày 1-3 giờ. Thanh thiếu niên vô tư kết bạn trên mạng, có thể nói chuyện thâu đêm suốt sáng với người xa lạ nhưng dường như không thể chia sẻ tâm tư với người thân, thầy cô và bè bạn.

Ngoài các vấn đề về tình dục, khiêu dâm, nạn bắt nạt trên mạng cũng không phải là hiếm. Kết quả cuộc khảo sát ý kiến được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về bạo lực đối với trẻ em cho thấy hơn 30% thanh thiếu niên ở 30 quốc gia thừa nhận từng là nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng. Gần 20% thanh thiếu niên trong nhóm này chia sẻ từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng.

Tại Việt Nam, 75% thanh thiếu niên khi được khảo sát cho hay bản thân không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng.

Đa số trẻ vị thành niên nghiện mạng xã hội, nghiện game, chat sex… chia sẻ với chuyên gia tham vấn là cảm thấy cô đơn, không tìm thấy sự kết nối trong thế giới thực. Trường học áp lực, cha mẹ bận rộn, trẻ tìm nơi giải tỏa, tâm tình trong không gian ảo.

Đáng nói là không phải chỉ trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt mới khiến trẻ rơi vào khủng hoảng. Ngay trong những gia đình ấm êm, hạnh phúc, cha mẹ là trí thức, nguy cơ "lậm" mạng xã hội vẫn có thể xảy ra với con trẻ. Một nữ sinh 13 tuổi cho biết cố ý chat sex với những người đàn ông xa lạ vì bức xúc trước lời mắng chửi của cha trong cơn tức giận: "Mày là con điếm!". Có cha mẹ quá nghiêm khắc, muốn đưa con vào khuôn khổ đã khiến trẻ bị gò bó, tìm cách nổi loạn trên mạng xã hội…

Thương con đúng cách

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP HCM, lý giải tuổi dậy thì phải đối diện nhiều biến đổi tâm sinh lý, trẻ hiếu kỳ hơn với thế giới và cũng có phán xét, chủ kiến riêng. Môi trường gia đình, nhà trường, bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, mà trong đó mang tính quyết định nhất vẫn là vai trò của cha mẹ.

Phụ huynh không nên áp đặt mà cần khéo léo định hướng cho con về thời gian truy cập mạng, những nội dung con tương tác... Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho con hư mà nên công tâm nhìn nhận cha mẹ ít nhiều có trách nhiệm trong những sai lầm của con. Mỗi đứa trẻ đều có xu hướng phá cách, "nổi loạn" nhất định. Sự giáo dục hà khắc, nhục mạ trẻ càng gây ấn tượng xấu, là chất xúc tác đẩy trẻ sa chân vào những tệ nạn. Hãy gạt bỏ định kiến, tạo cơ hội cho trẻ thay đổi; tuyệt đối không thách thức, đẩy con đến đường cùng.

Nhìn chuyện tình dục một cách thẳng thắn, khoa học

Trong cuốn sách "Thì thầm chuyện nhỏ, chuyện to", tác giả - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, người có kinh nghiệm lâu năm về giáo dục giới tính và giáo dục tình dục, đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến tình yêu và tình dục một cách trực diện và văn minh. Theo đó, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện hoặc trao cho con những cẩm nang định hướng đúng đắn, để con "sau này không phải xin lỗi bản thân", biết giữ mình, cẩn trọng trong việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, giữ gìn sức khỏe sinh sản. Nên nhớ điều gì càng cấm thì càng kích thích tò mò, hươu không được"vẽ đường chạy" thì rất dễ sa chân xuống hố hay đâm sầm vào những rắc rối lẽ ra đã tránh được nếu có kỹ năng và hiểu biết.

Hồ Xuân Huy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/dung-bo-mac-con-tre-voi-mang-xa-hoi-song-ao-noi-dau-that-20210323223341365.htm