Dùng bia giải rượu cứu người: Bác sĩ sáng tạo liều lĩnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng tới 5 lít bia để cứu một nạn nhân bị ngộ độc rượu. Tuy nhiên cách làm như vậy là liều lĩnh.

Hôm 25/12/2018, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận một bệnh nhân là Nguyễn Văn Nhật (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol trong rượu.

Theo thông tin trên báo chí, bệnh viện đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, mỗi giờ đồng hồ truyền thêm 1 lon bia.

Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít bia) cùng với biện pháp lọc máu, điều trị tích cực, bệnh nhân Nhật đã tỉnh. Đến nay đã được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Chia sẻ về cách cấp cứu của bệnh viện Quảng Trị, một bác sĩ, chuyên gia chống độc của Việt Nam, hiện đang làm việc tại Úc xin giấu tên cho rằng biện pháp dùng bia giải rượu này là sáng tạo, nhưng khá liều lĩnh.

Lý giải cho biện pháp này, chuyên gia cho rằng trong trường hợp của bệnh nhân Nhật, tình trạng dẫn đến ngộ độc là uống quá nhiều cồn công nghiệp (rượu giả).

Khi vào trong cơ thể sẽ có hai loại chất cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol).

Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật khi còn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Dân Việt)

Etylic được gan ưu tiên chuyển hóa trước và không để lại tác hại sau khi chuyển hóa, sau đó mới chuyển hóa Methanol.

Methanol ở trong cơ thể không gây tác hại, nhưng khi được chuyển hóa sẽ sinh ra Axit Formic. Loại chất này ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, dẫn đến mù mắt hoặc tử vong.

Vì thế, việc bác sĩ bệnh viện Quảng Trị dùng bia để giải độc cho nạn nhân là có cơ sở.

Bởi khi đó sẽ tiếp tục bổ sung lượng Etylic vào cơ thể để gan xử lý nhóm chất này, tạm bỏ qua việc chuyển hóa Methanol, không cho cơ hội sản sinh Axit Formic gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Trong quá trình đó, bác sĩ cấp cứu có thêm thời gian để lọc máu và thực hiện các biện pháp giải độc khác. Đó là cơ sở để cứu sống được bệnh nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đây không phải là biện pháp lấy độc trị độc. Cần phải giải thích cho người dân hiểu rõ các nguy cơ của biện pháp này để tránh trường hợp người uống nhiều rượu, uống thêm bia để tự đề phòng ngộ độc rượu.

Thứ nhất, người bị ngộ độc rượu sẽ chia làm hai đối tượng, hoặc uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, cồn công nghiệp.

Trong trường hợp uống quá nhiều rượu, và tiếp tục uống bia sẽ làm người bị ngộ độc gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đây không phải biện pháp cấp cứu trong trường hợp này.

Thứ hai, trong trường hợp ngộ độc rượu giả, cồn công nghiệp, nguyên tắc cấp cứu là bệnh viện phải chuẩn bị sẵn một lượng rượu được kiểm định, xét nghiệm đảm bảo sạch và trữ sẵn trong kho.

Khi gặp nạn nhân của ngộ độc methanol, các bác sĩ sẽ bơm trực tiếp loại rượu này vào dạ dày và đường ruột của bệnh nhân với hàm lượng được tính toán chi tiết theo cơ thể và tình trạng.

Đã có không ít trường hợp tử vong do sử dụng quá nhiều bia rượu hoặc sử dụng phải rượu giả

"Việc các bác sĩ ở Quảng Trị phải dùng đến bia tôi cho rằng bệnh viện này đã không chuẩn bị trước loại rượu chuyện dụng ấy.

Đến khi gặp trường hợp cấp cứu, bác sĩ ở đây cũng không dám dùng rượu ngoài thị trường vì sợ mua phải rượu giả, tiếp tục hại đến bệnh nhân.

Vì thế họ cầu may bằng việc sử dụng bia. Vì theo như tôi biết bia chưa có trường hợp làm giả bằng cồn công nghiệp.

Chính vì sự thiếu chuẩn bị và nghi ngại rượu giả trên thị trường đó nên với việc dùng bia, nồng độ cồn và Etylic trong bia thấp dẫn đến việc phải bơm đến gần 5 lít bia vào bụng bệnh nhân như vậy" - chuyên gia này phân tích.

"Tôi cảm thấy lo ngại trong trường hợp này. Vì việc chuẩn bị sẵn lượng rượu sạch để đối phó với các trường hợp ngộ độc methanol là điều tối thiểu với khoa chống độc của mỗi bệnh viện. Chi phí cho việc này cũng không đắt.

Đây là bệnh viện của tỉnh mà thiếu sót như vậy là điều cần lưu ý. Bởi việc bơm quá nhiều bia vào dạ dày của bệnh nhân như vậy còn mang lại một nguy cơ là trào ngược vào phổi, bệnh nhân có thể chưa tử vong vì ngộ độc đã chết vì sặc bia" - chuyên gia này nhận định.

Trước đó ngày 23/12/2018, nhà thờ Đồng Giám (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) tổ chức tiệc mừng Giáng Sinh với 50 khách mời. Sau bữa tiệc có 4 người là Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (cùng trú huyện Triệu Phong) rơi vào tình trạng nguy kịch với các biểu hiện của ngộ độc rượu.

Ngày 25/12, hai người là ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. 2 bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28/12, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân uống tại bữa tiệc có hàm lượng methanol cao gấp nhiều lần cho phép.

Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Hiện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với công an điều tra các đơn vị cung cấp rượu tại địa phương nơi xảy ra vụ việc.

Minh Tuệ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/dung-bia-giai-ruou-cuu-nguoi-bac-si-sang-tao-lieu-linh-3372634/