Dựng 'bê-tông' xanh trên phá Tam Giang

Dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành công khi xây dựng được dải bê-tông xanh trên phá Tam Giang để chống bão gió, trở thành nơi khu trú cho các loài thủy sinh phát triển

Tỉnh Thừa Thiên - Huế từng được ghi nhận là địa phương có nhiều diện tích rừng ngập mặn lên đến hàng trăm hecta, phân bố ở các huyện Phú Vang và Phú Lộc. Tuy nhiên, do chiến tranh, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội nên diện tích rừng loại này có lúc giảm xuống còn khoảng 20 ha.

Phục hồi tốc độ

Từ năm 2016 đến nay, dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế do Chi cục Kiểm lâm tỉnh này làm chủ đầu tư đã trồng được 140 ha rừng ngập mặn tập trung và 200 ha rừng phân tán. Trong đó, đã phát triển Rú Chá ở xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) từ 4,5 ha lên 25 ha; huyện Quảng Điền hơn 60 ha; xã Phú Diên, huyện Phú Vang lên 30 ha.

Hơn 2 năm trở lại đây, người dân thôn Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh của xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đã được hưởng lợi từ dự án trồng rừng ngập mặn khi hàng chục ha rừng phát triển xanh tốt, tạo bãi đẻ cho tôm cá. Ở đây, với diện tích hơn 60 ha, được trồng từ bến đò Cồn Tộc (Quảng Lợi) kéo dài đến vùng giáp ranh xã Quảng Thái trên chiều dài khoảng 10 km. Nhiều đoạn rừng, cây được trồng ken kín với bề dày từ 80-100 m. Cây rừng khép tán đã làm giảm mạnh cường độ sóng, gió khi từ ngoài phá đi vào đất liền.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, mỗi mùa bão, sóng từ ngoài phá Tam Giang vào cao 1-1,5 m, khi đi qua rừng cây, cường độ đã giảm đi nhiều. Rừng cây bần chua đã góp phần bảo vệ tuyến đê Tây phá Tam Giang trước tình trạng sóng lớn gây sạt lở bảo vệ nhà cửa, sản xuất tại địa phương và vùng lân cận.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, nói rằng làng Ngư Mỹ Thạnh nằm bên bờ phá Tam Giang nên mùa mưa bão luôn gánh chịu thiệt hại nặng nề. Vậy nhưng trong năm 2020, nhiều khu vực ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại bởi các cơn bão số 5, số 11 thì Ngư Mỹ Thạnh vẫn bình yên. "Đó là nhờ cánh rừng ngập mặn chạy dài dọc bờ phá, tạo thành bờ đê xanh vững chắc cho dân làng trước bão táp" - ông Bảo lý giải.

Ở đây, ngoài những cây bần chua thì dừa nước được trồng khá nhiều, cứ mỗi lần bão gió, ngư dân lại cho ghe thuyền vào neo đậu khá an toàn. Đặc biệt, theo cư dân địa phương, kể từ khi rừng ngập mặn ở đây phát triển đã tạo thành những hệ thống "thủy đạo" nên trở thành "bãi đẻ" cho tôm cá sinh sôi nảy nở. Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, phân tích rằng cây bần chua trồng ở đây đã tạo thức ăn cho các loài cua đồng, tôm tép nên rất phát triển. Từ đó tạo thu nhập ổn định cho khoảng 200-300 người dân địa phương. Riêng trong năm 2019, người dân ở xã Quảng Lợi đã trúng đậm khai thác tép, doanh thu hơn 20 tỉ đồng, chưa kể nguồn thu từ khai thác rạm, tôm, cá.

Cũng từ khi rừng ngập mặn ở đây phát triển thì trở thành điểm tham quan sinh thái thu hút khá đông du khách, trong đó năm 2019 ước tính khoảng 10.000 người đến trải nghiệm các dịch vụ đi thuyền, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh...

Cánh rừng dừa ngập mặn ở xã Quảng Lợi phát triển khá tốt

Cánh rừng dừa ngập mặn ở xã Quảng Lợi phát triển khá tốt

Táo bạo với cây dừa nước

Việc trồng dừa nước ở đây cũng khá lạ bởi từ trước tới đây, cây dừa chưa từng xuất hiện và sinh sôi ở khu vực này. Dừa nước là cây có thân ngầm nên chỉ sinh trưởng tốt ở nơi có tầng đất bùn dày trên 40 cm, phơi bãi trên 8 giờ/ngày, độ mặn của nước dưới 15%0. Độ mặn của nước ở phá Tam Giang thường dao động từ 3-15%0 nên rất thích hợp với cây dừa nước. Tuy nhiên, do vùng ven bờ phá luôn có nước ngập thường xuyên, vào mùa nắng nước ngập đến 20 giờ/ngày, mùa mưa ngập 24/24 tất cả các ngày trong suốt tháng; tầng đất mỏng nhỏ hơn 10 cm, nên cây dừa nước không sinh trưởng được.

Để trồng được cây dừa nước ở vùng này, một giải pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng là làm bãi bồi nhân tạo. Đất, cát từ dưới lòng phá được hút lên để bồi đắp thêm từ 0,5-0,8 m nhằm làm kè mềm trồng cây. "Cây dừa nước có đa mục đích. Ngoài tạo thành rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu, nơi sinh sống của các loài thủy sản thì những cây trưởng thành người dân địa phương được thu hoạch lá để lợp nhà, làm quán kinh doanh dịch vụ hoặc đan lát thủ công. Ngoài ra, cây trưởng thành còn cho người dân thu hoạch làm mật dừa, trái để làm giải khát nên chúng tôi chọn cây này cùng với một số loài khác để trồng trên phá Tam Giang" - ông Dũng lý giải.

Sau một năm, rừng ở đây phát triển tốt, dự án tổ chức hội nghị đầu bờ với người dân huyện Phú Vang, Hương Trà và Quảng Điền để nhân rộng ở các địa phương này. "Mỗi ha trồng được 2.500 cây dừa, giá thành tăng gấp đôi, gấp 3 so với những cây khác nên phải cần 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nó đưa lại lợi ích không hề nhỏ cho người dân. Thành công ở đây cũng khẳng định rằng việc trồng dừa sẽ hoàn toàn thực hiện được ở những nơi không có sẵn bãi bồi tự nhiên. Nhiều tỉnh, thành khác đã đến tham quan học hỏi để về nhân rộng mô hình này" - ông Dũng cho biết.

Xây dựng bảo tàng gien rừng ngập mặn

Tại quyết định phê duyệt đề án phát triển rừng ngập mặn xã Hương Phong với mục đích đến năm 2030 mở rộng Rú Chá lên đến 230 ha, trong đó sẽ xây dựng bảo tàng gien các loài thực vật ngập mặn ở miền Trung Việt Nam. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ thu thập, gây trồng tất cả các loài cây rừng ngập mặn hiện có ở các khu rừng ngập mặn miền Trung và một số loài cây ngập mặn ở miền Nam và miền Bắc có khả năng thích nghi với điều kiện lập địa, khí hậu của tỉnh Thừa Thiên - Huế để đưa về trồng ở Rú Chá, để hình thành nên một khu rừng ngập mặn với sự có mặt của trên 30 loài cây rừng chính. Theo đó, dự kiến các loài như đước đôi ở miền Nam, đước vòi ở Bắc Trung Bộ, cây trang ở vùng biển Bắc Bộ; các loài cây cóc trắng, cóc đỏ ở miền Nam, vẹt dù ở miền Bắc, vẹt khang ở miền Nam... sẽ được đưa về trồng ở Rú Chá.

QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dung-be-tong-xanh-tren-pha-tam-giang-20210504210731184.htm