Đừng bao giờ nói 'Chắc vì nó thích con' khi con gái bạn bị trêu chọc

Khi các cô con gái đi học, bị trêu chọc hay bị bắt nạt bởi các cậu bé khác, bố mẹ hoặc người quen thường hay nói với cô bé 'Chắc là tại bạn thích con nên tìm cách gây sự chú ý thôi''. Đó có phải là cách cư xử đúng đắn với trẻ trong trường hợp này hay không?

Việc giải thích rằng “Bạn bắt nạt vì bạn thích con” chính là một phiên bản khác của đổ lỗi cho nạn nhân.Có bao giờ bạn nghĩ con mình sẽ cảm thấy như thế nào khi nghe câu nói ấy không? Cô bé không hề yêu cầu được để ý như thế, cũng không ai có quyền làm cô bé tổn thương. Khi bạn nói với con mình như thế, vô hình trung đã đẩy con mình ra xa vì đã không làm điểm tựa cho con bạn tin tưởng vào lúc con bé cần đến bạn nhất.

“Khi mẹ nói thế với con, sau này con chẳng kể cho mẹ nghe chuyện về mấy bạn con trai lớp con nữa”, một cô bé 11 tuổi đã chia sẻ như thế. Liệu bạn có muốn con mình cũng sẽ suy nghĩ theo cách ấy với chính bạn?

 Với đứa trẻ bị bắt nạt, hãy cho con biết rằng việc đó của bạn là không đúng và con có quyền không chơi với bạn đó nữa...

Với đứa trẻ bị bắt nạt, hãy cho con biết rằng việc đó của bạn là không đúng và con có quyền không chơi với bạn đó nữa...

Vậy xử sự như thế nào trong trường hợp này là hợp lý?

Với đứa trẻ đi bắt nạt hay trêu chọc trẻ khác, đừng ngay lập tức hỏi rằng “Con bắt nạt bạn có phải vì con thích bạn không?”, trẻ con vốn đơn giản, chúng sẽ ngay lập tức đánh đồng hai khái niệm ấy với nhau và cho rằng hành động đó của mình là không sai. Hãy nhẹ nhàng hỏi trẻ liệu trẻ bị người khác đối xử như thế, trẻ sẽ cảm thấy thế nào, hãy hỏi trẻ để đặt vị trí bản thân vào bạn của mình xem bạn ấy cảm thấy ra sao khi bị bắt nạt và trêu chọc như thế.

Với đứa trẻ bị bắt nạt, hãy cho con biết rằng việc đó của bạn là không đúng và con có quyền không chơi với bạn đó nữa. Hãy khiến cho con cảm thấy tin tưởng và được bảo vệ để trẻ có thể mở lòng chia sẻ với bạn. Cởi mở chia sẻ với trẻ về cảm nhận của trẻ, về định nghĩa một người bạn, về người mà trẻ có thể chia sẻ khi bị bắt nạt như cô giáo, thầy giám thị, về cách trẻ nên phản ứng với người bắt nạt mình “Mình không thích bạn làm thế” sẽ giúp trẻ được trang bị đầy đủ và an toàn khi tới trường.

Nếu bạn nói với con bạn, ai đó làm con đau vì người ta thích con, bạn vô tình liên kết tình yêu với sự tổn thương

Một vấn đề khác của việc trả lời cho trẻ “Bạn ấy bắt nạt vì bạn ấy thích con” sẽ hàm ý rằng giữa con trai và con gái chỉ có thể có mối quan hệ yêu đương. Thế nhưng với những đứa trẻ, chuyện bạn bè là con trai con gái chơi cùng với nhau là tình cảm rất trong sáng, nên đừng khiến trẻ ái ngại khi chơi với một người bạn khác giới. Tình bạn với những đứa trẻ khác, bất kể giới tính là gì, là điều quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Chuyên gia về đời sống gia đình Lynne Griffin đã phát biểu trên tạp chí Psychology Today “Khuyến khích trẻ có những tình bạn khác giới trong sáng lúc còn bé là cách tốt nhất để dạy cho trẻ biết về những mối quan hệ lành mạnh khi trẻ trưởng thành”, bao gồm cả tình bạn, tình yêu và quan hệ với đồng nghiệp.

Nếu những hành vi không đúng của người bạn khác giới được gán ghép cho một mối quan hệ lãng mạn, trẻ sẽ bắt đầu tin rằng tình bạn với các bạn trai là khác với những tình bạn với các bạn gái. Việc này nếu diễn ra thường xuyên, có thể ảnh hưởng đến cách trẻ suy nghĩ về mối quan hệ với bạn khác giới. Bạn có thể khuyến khích trẻ có bạn bè khác giới mà không nhất thiết phải đề cập yêu tố lãng mạn vào, nhất là khi con bạn còn nhỏ.

Tình bạn với những đứa trẻ khác, bất kể giới tính là gì, là điều quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ

Trẻ em như những tờ giấy trắng, việc bạn nói gì hay chia sẻ gì với trẻ trong những năm đầu đời rất quan trọng, vì nó là những nền tảng đầu tiên cho việc phát triển suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử phù hợp trong tương lai. Thế nên hãy chọn cách phản ứng với những chia sẻ của trẻ để trẻ nhận biết đúng sai, và quan trọng gieo những hạt mầm phù hợp để khi trưởng thành, trẻ sẽ không có những lầm tưởng không đáng có trong những mối quan hệ.Và lí do quan trọng nhất, Schroeder nhận định, “Bạn không nên đánh đồng bạo lực với tình yêu.

Tình yêu đồng nghĩa với việc đối với nhau một cách tôn trọng và tử tế, và nó không bao giờ bao gồm việc đụng chạm ai đó theo cách có thể khiến người đó tổn thương. Nếu bạn nói với con bạn, ai đó làm con đau vì người ta thích con, bạn vô tình liên kết tình yêu với sự tổn thương, việc này không chỉ là chấp nhận bị người khác làm tổn thương mà còn có thể gây tổn thương người khác”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dung-bao-gio-noi-chac-vi-no-thich-con-khi-con-gai-ban-bi-treu-choc-155892.html