Đừng bao bọc con quá mức

Tâm lý chung của những người làm cha mẹ là luôn dành cho con những điều tốt đẹp và mong muốn nuôi dạy để con trở thành một người có nhân cách tốt và thành công trong cuộc đời.

Tuy nhiên, hành trình làm cha mẹ là một con đường gian truân, đầy thử thách. Vô tình hạn chế con, nhốt con vào khuôn khổ… những sai lầm ấy đều bắt nguồn từ quá nhiều nỗi sợ của phụ huynh…

Chiều con một cách vô lý

Con chưa kịp muốn bố mẹ đã vội vàng đáp ứng hoặc gợi ý mọi yêu cầu của con là căn bệnh của nhiều bà mẹ hiện nay. Sợ con “không thế này”, sợ con “không thế kia”… lúc còn bé, trong sinh hoạt thì đáp ứng đòi hỏi đồ chơi, thói ích kỷ, Nhiều mẹ sẵn sàng cho con vừa ăn vừa xem hoạt hình, cốt sao con ăn hết bát cơm. Sợ con lăn quay ra khóc ăn vạ sẽ xấu mặt ở chỗ đông người mà không thiếu bà mẹ phải bấm bụng rước về nhưng khoản bội chi khi cùng con đi siêu thị.

Nghịch lý ngược đời ở chỗ bố mẹ "sợ" cả con mình, thế nhưng lại thiếu tôn trọng con khi mà lúc nào cũng coi con là “trẻ con ấy mà” và vừa bảo vệ vừa tiếp tay hoặc dung túng cho những hành vi sai trái, thiếu trách nhiệm. Đa số phụ huynh nhầm tưởng rằng chiều con một tý cho được việc mà không nhận thức được đó là sai lầm lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và việc hình thành nhân cách của trẻ.

Anh Đức Anh (Nhà hát Múa rối Trung ương) chia sẻ: “Trước đây, mình cũng mắc bệnh bênh con chằm chặp. Hễ cô giáo có những nhận xét gì “bất lợi” cho con là mình bực tức, không kiểm điểm con mà luôn nghĩ là vì cô ác cảm với con nên thiếu công bằng…

Nhưng hôm đến trường đón con sớm, tình cờ chứng kiến con hành xử với bạn rất thô bạo, một việc va chạm rất đơn giản mà con vừa đánh vừa mắng chửi bạn với lời lẽ rất cục cằn, thô lỗ mình mới giật mình nhận ra lâu nay mình đã dung túng và thỏa hiệp với những thói xấu của con như thế nào? Cách xử sự ôn hòa của chị phụ huynh mẹ đứa trẻ bị con mình bắt nạt khiến mình ngượng ngùng… Khi mình bỏ được thói bênh con vô lối và kiểu suy nghĩ con ai người đó dạy thì con trai mình tiến bộ hơn. Cháu đã hiểu ra rằng phải biết tôn trọng người khác”.

Con phải được trải nghiệm…

Trăn trở về “vô vàn nỗi sợ tâm lý” mà phụ huynh đang mắc phải và kéo theo nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc nuôi dạy con, chuyên gia tâm lý Lê Anh Hùng – Giám đốc Tổ chức “Obraha Trí tuệ tự nhiên” lý giải:

Luôn coi con cái là tài sản quý giá nhất và con luôn được đặt lên vị trí đầu tiên của những ưu tiên nhưng bố mẹ rất thiển cận khi không nhận ra rằng cuộc đời con là của con, con phải được trải nghiệm mới tích lũy được kinh nghiệm để mà khôn lớn, trưởng thành. Bao bọc con cái quá mức là làm mất nhu cầu tự thân của chúng. Phục vụ con vô điều kiện là tước đoạt của con những cơ hội để học hỏi, là làm hại quá trình phát triển tự nhiên và quy luật của bản thân con.

Phụ huynh tự khoác lên vai mình đủ thứ gánh nặng, vơ vào đủ mọi thứ áp lực và áp đặt mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn các vấn đề sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và can thiệp thô bạo vào cả nhu cầu của con dẫn con đến cuộc sống phụ thuộc, thụ động, hình thành những thói quen xấu. Thế rồi, cứ đến mùa hè, lẽ ra phải cho con một kỳ nghỉ ngơi, tìm hiểu khám phá những điều mới lạ thì phụ huynh lại đôn đáo cuống cuồng đi tìm những khóa dạy kỹ năng sống.

“Đem mong muốn của mình áp đặt thành nhu cầu của con mà không hỏi con muốn thế nào, con cần gì, con sẽ làm ra sao là căn bệnh trầm kha đang quấn chặt phụ huynh vào cái vòng luẩn quẩn. Những đứa con sẽ không còn cơ hội để sống và hưởng thụ cuộc sống nữa vì đã có bố mẹ sống hộ rồi” – chuyên gia Lê Anh Hùng nhấn mạnh.

Quỳnh Chi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/dung-bao-boc-con-qua-muc-3937065-b.html