Dùng bằng giả làm nghiên cứu sinh: Vừa ngạc nhiên, vừa tiếc

Thật tệ hại khi có cả những người đứng trong hàng ngũ của các trường đại học lớn như Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia... cũng bị kéo vào.

Không dám tin lại có người đi mua bằng

Theo kết luận điều tra về những sai phạm trong đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, có tới 626 trường hợp được cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh nhưng hiện mới có 216 trường hợp được xác minh. Trong số này, đã xác định tới 193 người được cấp bằng giả, đáng nói là có tới 55/193 người sử dụng bằng giả để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.

Nhiều người sử dụng bằng giả để nghiên cứu sinh, làm tiến sĩ. Ảnh: NLĐ

Nhiều người sử dụng bằng giả để nghiên cứu sinh, làm tiến sĩ. Ảnh: NLĐ

Hiện xác định có tới hơn 20 trường đại học trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Cụ thể như: Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí - Tuyên truyền có 4 trường hợp, Đại học Huế có 4 trường hợp...

Tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, bằng kinh nghiệm nhiều năm ngồi hội đồng xét duyệt Th.S, TS, PGS, cá nhân ông được tiếp xúc với không ít trường hợp năng lực yếu, nhiều người chạy chọt, xin xỏ để cho đủ tiêu chuẩn khi xét phong chức danh khoa học.

Trên thực tế, cũng có khá nhiều người đã "lọt" được qua hội đồng xét phong, nhưng khi đó, ông chỉ cho rằng đó là do thí sinh đã hợp thức hóa hồ sơ quá hoàn hảo như làm giả bài báo, gian dối giờ dạy... để được qua. Nhưng để lọt qua cửa này cũng cho thấy sự yếu kém của hội đồng chức danh khi xem xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ không tốt, chấm không kỹ hoặc cũng có thể do nể nang, xuê xoa mà đã cho qua.

Tuy nhiên, điều ông không thể nghĩ đến là lại có những người đi mua bằng, dùng bằng giả để được thực hiện nghiên cứu sinh, để học cao học.

"Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy tiếc là vì một cán bộ, giảng viên được ăn học đàng hoàng, được đào tạo bài bản để đứng lớp, để làm thầy mà lại có thể làm những việc gian dối như vậy. Thật tệ hại khi có cả những người đứng trong hàng ngũ của các trường đại học lớn như Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia... cũng bị kéo vào.

Giáo dục là môi trường không thể tồn tại sự gian dối, bởi thầy cô giáo mà gian dối thì không thể làm thầy được, không thể dạy được học sinh. Từ sự gian dối trong học thuật, rồi tới gian dối trong công việc, cứ như thế gian dối từ đầu tới cuối thì làm sao có được giảng viên trung thực, liêm chính, làm sao có được cán bộ liêm chính, mẫn cán, trung thực?

Việc này quả thật bức xúc, cần phải xử lý triệt để, không thể để tình trạng này trở thành vấn nạn, làm ô uế, mất uy tín trong đào tạo giáo dục. Những người gian dối, sử dụng bằng giả không thể tiếp tục đứng lớp, dạy học trò, cần phải công khai danh tính, cho ra khỏi ngành", vị PGS thẳng thắn.

Ông cũng nói thêm, cơ chế tuyển giảng viên đại học hiện nay còn đang quá nặng về học thuật mà xem nhẹ phẩm chất, đạo đức, đây chính là lý do để lọt những người không trung thực, gian dối về bằng cấp như vậy.

"Cháo chấm cơm"

Từ vụ việc trên, nhìn rộng ra PGS Phạm Tất Dong cảnh báo về chất lượng đào tạo Th.S, TS, PGS đang ngày càng đi xuống. Ông nói thẳng, ông thấy ngạc nhiên với hiện tượng mua bằng xảy ra tại trường Đại học Đông Đô nhưng không ngạc nhiên với những người không đủ năng lực, trình độ, thậm chí không biết gì về tiếng Anh vẫn trở thành TS, PGS nhờ học hộ, thi hộ, làm luận án hộ...

Có hiện tượng trên, ông cho biết là do tâm lý háo danh, háo bằng cấp, háo địa vị, nên đã bỏ qua các giai đoạn học tập để tiến tới mục đích nhanh hơn. Trong đó, tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc và đòi hỏi phải trải qua quá trình học nhất định người học mới đạt được kết quả theo yêu cầu. Việc này khác hoàn toàn với những nghiên cứu, báo cáo, đánh giá từ thực nghiệm. Kết quả kiểm tra thực nghiệm có thể mất thời gian, mất công nhưng dễ ăn điểm, chỉ cần người học trình bày được số liệu trung thực, được chứng minh bằng các cơ sở khoa học cụ thể là được chấp nhận.

Tuy nhiên, yêu cầu về văn bằng tiếng Anh là thủ tục hành chính bắt buộc để hoàn chỉnh hồ sơ. Để lọt qua cửa kiểm tra hồ sơ thì người học phải có được văn bằng tiếng Anh. Vì lý do này, nhiều người do không đạt yêu cầu đã không trung thực, ăn gian bằng cấp về trình độ tiếng Anh. Có nhiều người đã tìm cách lo lót lấy bằng trước rồi học sau, nhưng cũng lại có những người coi văn bằng "giả" như tấm bình phong và không cần học nữa. Đây là lý do mà nhiều người sau khi được xét phong chức danh khoa học Th.S, TS, PGS, thậm chí có cả GS cũng không thành thạo tiếng Anh. Nhiều người ngồi trong hội đồng chức danh nhưng trình độ tiếng Anh còn thua cả ứng viên.

"Khi tôi ngồi trong hội đồng chức danh, nhiều nghiên cứu sinh được tôi hướng dẫn, đào tạo cũng có trình độ tiếng Anh rất hạn chế, khi đó, tôi đã đưa ra lời khuyên và tạo điều kiện cho họ học lên, vì thế, đa số những người tôi đào tạo đều đáp ứng được yêu cầu.

Nhưng tôi biết, có nhiều trường hợp cả thầy hướng dẫn lẫn học trò đều chưa làm tốt. Có những thầy trình độ còn hạn chế, còn non nhưng vẫn hướng dẫn một lúc mấy nghiên cứu sinh, trong khi các vấn đề, đề tài mang tính thời sự rất mới, nếu người thầy không giỏi, không am hiểu mà chỉ dựa vào sự trình bày của học viên rồi cho qua thì chất lượng đào tạo Th.S, TS, PGS kém là dễ hiểu", PGS.TS Phạm Tất Dong chỉ rõ.

Từ những vấn đề trên, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để nâng cao được trình độ đào tạo TS, PGS, việc đầu tiên là phải siết lại từ khâu quản lý.

Thứ nhất, cần cơ chế đào tạo chặt chẽ, quản lý sát sao chất lượng, thường xuyên có kiểm tra trực tiếp. Việc quản lý, giám sát phải thực hiện ngay từ đầu mối đào tạo và quá trình đào tạo đó là các trường được đào tạo có đủ uy tín không? là những người tham gia hướng dẫn học viên có đủ trình độ, đủ khả năng không? là các ứng viên tham gia nghiên cứu sinh có đủ bằng cấp, đủ tiêu chuẩn không?

Tới khi đào tạo xong, nơi tiếp nhận những ứng viên này cũng phải có bước hậu kiểm, kiểm tra về chất lượng của học viên có đạt không?

"Chứng nhận chỉ là một vi chứng thôi, còn người đã được công nhận chức danh khi về làm việc tại cơ quan cần phải thể hiện được năng lực thực sự của mình thông qua kết quả thực tế.

Tôi lấy ví dụ, trước đây, tôi làm nghiên cứu tại Nga, khi trở về cơ quan, tôi đã mất nguyên một ngày để trình bày công trình khoa học của mình trước hội đồng khoa học tại cơ quan.

Từ công trình của tôi, tôi phải cho họ thấy được vấn đề nêu ra, cách giải quyết và kết quả đạt được. Khi hội đồng thấy thuyết phục, lúc đó tôi mới được cơ quan công nhận là có công trình nghiên cứu và bằng PTS của tôi là xứng đáng.

Với tiếng Anh cũng vậy, muốn thẩm định, đánh giá không khó, chỉ cần để ứng viên trình bày công trình nghiên cứu bằng chính tiếng Anh thì sẽ đánh giá được ngay. Như vậy, để tình trạng trên xảy ra là do công tác quản lý lỏng lẻo, đã tạo điều kiện cho những người thiếu trung thực, vụ lợi, lợi dụng, lách qua", PGS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn.

Thứ hai, phải nâng cao chất lượng hội đồng khoa học, hội đồng chức danh.

"Tôi có một học trò vừa thực hiện nghiên cứu sinh kể lại, yêu cầu của hội đồng là muốn nghiên cứu sinh trình bày đề tài bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, khi cô trình bày bằng tiếng Anh mới phát hiện người ngồi trong hội đồng nhưng lại có trình độ tiếng Anh yếu hơn cả nghiên cứu sinh. Một số người còn nghe nói, không thành thạo, nên khi nghe nghiên cứu sinh trình bày còn không hiểu hết được nội dung của đề tài.

Việc này không khác nào mang "cháo chấm cơm", khiến học viên cũng phải ngỡ ngàng", PGS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng việc đào tạo TS, PGS, không thể theo kiểu "đánh trống ghi tên" rồi cấp bằng, nhận tiền. Thực tế này theo vị chuyên gia rất cần báo động, bởi thực tế có những trường hợp sau khi được phong chức danh khoa học xong thì không làm gì nữa, không hướng dẫn, nghiên cứu, cũng không giảng dạy. Với những người như vậy, PGS Phạm Tất Dong cho rằng họ chỉ lấy bằng cấp để phục vụ cho mục đích thăng tiếng, tăng lương, mà không giúp ích cho ngành nghiên cứu khoa học, cho xã hội. Những người này, nên trả lại chức danh cho nhà nước để dành cho người khác xứng đáng hơn.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, quan niệm bằng cấp trong xét phong, đề bạt, thăng tiến, xếp ngạch, lên lương cũng cần phải xem xét lại, tránh tình trạng chạy đua bằng cấp chỉ vì mục đích danh, lợi, chứ không phải vì mục đích phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dung-bang-gia-lam-nghien-cuu-sinh-vua-ngac-nhien-vua-tiec-3425436/