Đừng 'bán mạng' chỉ vì một cuộc điện thoại (!)

Không khó phát hiện nhiều người bất chấp nguy hiểm cho bản thân mình và người khác khi vừa lưu thông vừa dán mắt vào màn hình điện thoại di động (ĐTDĐ). Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cướp giật hoặc TNGT mà nguyên nhân bắt đầu từ thói quen chủ quan của không ít người: vừa lái xe, vừa nghe điện thoại.

Từng suýt trở thành nạn nhân của một vụ TNGT, anh N.C.B (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) rùng mình khi nhớ lại chuyện cách nay chưa lâu. Đó là lần đang điều khiển xe máy đi từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương, anh B nhận được cuộc điện thoại cơ quan.

“Do chăm chú nhìn vào màn hình xem ai gọi mà quên tấp xe vào lề, xém chút nữa là tôi tông vào đuôi xe tải. Một lần thoát nạn, lại chứng kiến nhiều người vẫn quá nhập tâm vừa lái xe, vừa nghe điện thoại quá nguy hiểm nên giờ tôi luôn chọn giải pháp an toàn nhất. Hoặc là chọn lúc phù hợp tấp vào lề để gọi lại, hoặc là dừng lại nghe rồi đi tiếp. Chỉ mất vài giây thôi mà tính mạng được an toàn!”, anh B tự nhủ.

Thực tế chỉ có những người khi suýt gặp nạn như anh B thì mới tự rút ra bài học kinh nghiệm, còn với rất nhiều người vẫn có thói quen và vô tư một tay lái xe, một tay sử dụng điện thoại, mắt lúc mải mê nhìn vào màn hình điện thoại, lúc quan sát mặt đường.

Chúng tôi rất nhiều lần chứng kiến nhiều người khi đang chở trẻ con, chạy ngược chiều lại vừa tranh thủ lướt… điện thoại. Với cánh lái xe ôm công nghệ, khi cùng lúc vừa đi, vừa dò đường qua màn hình, người ngồi sau cảm thấy không an tâm.

Anh V.M.Đ (nhà quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho hay giờ vợ anh cảm thấy dị ứng và ... cực chẳng đã mới ngồi sau xe ôm công nghệ cũng vì lý do đó. “Chỉ cần va quệt nhẹ, tài xế khó có thể kịp xử lý tình huống và hậu quả lúc này không chỉ bản thân người điều khiển mà còn cho khách đi xe”, anh Đ. nói.

Nhiều người dán mắt vào điện thoại khi lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho chính bản thân và cho người khác.

Nhiều người dán mắt vào điện thoại khi lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho chính bản thân và cho người khác.

Bác sĩ Bùi Tấn Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức - Bệnh viện Thống Nhất cho biết ông và các đồng nghiệp từng xử lý một ca cấp cứu, nạn nhân bị đa chấn thương nặng, hôn mê sâu, dập não, xuất huyết não, dập phổi, ngưng thở... Đó là nạn nhân N.V.T.P (43 tuổi, ngụ quận 12).

Theo thông tin mà bệnh viện nắm được, anh P., lưu thông trên đường thì nhận được điện thoại nên lấy điện thoại ra nghe thì gặp nạn. Một trường hợp khác là một Việt kiều về nước thăm gia đình, đi chơi và sử dụng ĐTDĐ ngoài đường, bị cướp giật ngã xuống đường chấn thương nặng.

Một vụ cướp mà nạn nhân tử vong chỉ vì vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại, đó là nạn nhân L.T.V (25 tuổi, ngụ Tân Phú).

Anh V làm công việc giao hàng nên công việc của anh gắn liền với chiếc điện thoại. Một buổi chiều đi giao hàng đến giao lộ Thống Nhất - Nguyễn Xuân Khoát, phường Tân Thành, quận Tân Phú, anh nhận được cuộc điện thoại nên lấy ra nghe.

Lúc này 2 đối tượng N.M.H. và T.T.T. (cùng 15 tuổi, đều ngụ Tân Phú) thiếu tiền chơi game nên áp sát giật chiếc điện thoại của anh V. Anh V., truy đuổi theo và tông vào xe tải tử vong.

Nhiều trường hợp vừa điều khiển phương tiện vừa xem điện thoại, vừa lướt mạng xã hội mà không quan sát đường, chuyển hướng không báo hiệu hay vượt đèn đỏ khiến nhiều người đi đường bất bình. Nếu không tự gây tai nạn cho mình thì những người này cũng làm ảnh hưởng đến người khác.

“Làm nghề xe ôm hàng chục năm tôi chứng kiến nhiều vụ người đi đường sử dụng điện thoại lao vào rào chắn, tông vào đuôi xe tải hoặc tránh xe khác mà lao lên lề”, ông Nguyễn Tấn Cường, hành nghề xe ôm ngay trước Bệnh viện Đại học Y dược, quận 5, TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, những người có thói quen sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường cao nhất là cánh xe ôm công nghệ sau đó là đến nhóm đối tượng trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ôtô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600 – 800 ngàn đồng. Đối với xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 – 200 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm (cả ôtô và xe máy) còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng nếu gây tai nạn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người gần như phớt lờ các quy định này; tình trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến và trở thành một trong những nguyên nhân gây mất ATGT.

Trước thực tế mất ATGT đối với các trường hợp sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển mô tô, xe máy, ôtô, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết Ban đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện cần rà soát, xử lý những hành vi vi phạm sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông, đặc biệt đối với những lái xe máy hoạt động xe ôm công nghệ, sử dụng ứng dụng trên điện thoại.

Ban ATGT thành phố đề nghị lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng ĐTDĐ khi lưu thông trên đường để đảm bảo trật tự ATGT trên đường phố. Đừng “bán mạng” mình chỉ vì một cuộc gọi.

Anh Thư

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/dung-ban-mang-chi-vi-mot-cuoc-dien-thoai-546462/