Đừng ảo tưởng về 'kho báu cổ' hàng tỷ đô la

Một số kẻ xưng danh là cán bộ, được Nhà nước tin tưởng giao khai thác một 'kho báu cổ' trị giá cả tỷ đô la nhằm móc nối, kêu gọi những nhà đầu tư cả tin tham gia rồi chiếm đoạt tiền tỷ của họ. Thủ đoạn không mới nhưng đến nay vẫn có những nạn nhân dính bẫy.

Lợi nhuận 1 triệu USD sau 1 tuần (!?)

Bà Phạm Thị A. (68 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã bán một số khu đất thu về số tiền lớn. Có tiền, bà A. nhiều lần bày tỏ mong muốn đầu tư kinh doanh để phát sinh lợi nhuận. Lâm Thị Thảo (58 tuổi, ngụ quận 3) biết được, đã hé lộ thông tin có quen một nhóm bạn “có chức quyền, được Nhà nước giao khai thác kho báu trị giá nhiều triệu Mỹ kim”, có thể giới thiệu cho bà A. tham gia đầu tư kiếm lời lớn.

Bà A. được Thảo đưa đến căn nhà trên đường Nguyễn Đức Thuận, phường 13, quận Tân Bình. Một người đàn ông tự giới thiệu là Lê Văn Tiến (51 tuổi, thường trú Hà Nội, tạm trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), là “cán bộ lớn”, được Chính phủ giao khai thác kho báu cổ trị giá cả tỷ đô la.

Số tiền giả các đối tượng dùng để lừa bà Phạm Thị A.

Số tiền giả các đối tượng dùng để lừa bà Phạm Thị A.

Tiến đã cho bà A. xem các hình ảnh trong điện thoại của mình về tiền cổ, cổ vật quý hiếm đã khai thác được và cho biết, việc khai thác đang đi vào giai đoạn cuối. Nếu bà A. chịu tham gia góp vốn đầu tư thì sau 10 ngày sẽ được chia lợi nhuận 1 triệu đô la Mỹ và còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi lâu dài của Chính phủ.

Với những lời quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn của Thảo về sự tồn tại thực tế và giá trị của “kho báu” này, cộng với sự thuyết phục nhiệt tình của “cán bộ” Tiến, bà A. đã tin tưởng. Sáng 21-4-2021, Thảo chở bà A. sang nhà người quen ở tỉnh Bình Dương lấy 500 triệu đồng rồi mang xuống nhà Tiến góp vốn. Tại đây, ngoài Tiến còn một số đàn ông và phụ nữ khác, tất cả đều xưng danh là “cán bộ nhà nước, nhà đầu tư” cùng góp vốn kinh doanh với Tiến.

Sau khi nhận tiền, Tiến tiếp tục khuyến khích mời gọi bà A. đầu tư thêm 1 tỷ đồng nữa để được chia số lợi nhuận nhiều hơn. Tin tưởng “cán bộ nhà nước”, bà A. kêu Thảo đến nhà chở ra ngân hàng rút 1 tỷ đồng mang đến nhà góp cho Tiến. Đổi lại, Tiến đưa cho bà A. một xấp đô la, mỗi tờ có mệnh giá 1 triệu USD để làm bảo chứng, tổng cộng 100 tờ, 100 triệu USD. Không mảy may nghi ngờ, bà A. vui vẻ đón nhận số “bảo vật” này...

Tiến tiếp tục kêu gọi bà A. góp vốn thêm 2 tỷ đồng. Số tiền khá lớn, bà A. không tự quyết định được nên hẹn Tiến gặp chồng con mình để bàn bạc kỹ hơn. Điểm hẹn gặp chồng bà A. là một nhà hàng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tiến đến cuộc hẹn cùng Tống Thị Thanh Thủy (56 tuổi, quê Đắk Nông, ngụ cùng nhà với Tiến tại quận Tân Bình), Diện và Lộc. Tiến giới thiệu Lộc là “cán bộ Chính phủ”, qua tuần sẽ ra Hà Nội bàn kỹ hơn về lộ trình khai thác tiếp theo. Lộc khoe sống ở Phú Quốc, rất giàu có, đã góp nhiều tiền mặt và vàng vào dự án khai thác kho báu.

Một “Tờ trình” xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản” mà Bộ Công an từng thông tin cảnh báo lừa đảo

Sau 2 ngày được chủ đầu tư hối thúc, anh Trương Mạnh Đ. (là một trong hai con trai của vợ chồng bà A.) nhận thấy câu chuyện này nhiều điều vô lý nên đã âm thầm tìm hiểu rồi giả hẹn gặp tại một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) để tiếp tục góp vốn đầu tư thêm 1 tỷ đồng nữa. Tại điểm hẹn, sau khi nhận 1 tỷ đồng của anh Đ., Tiến đưa ra hộp gỗ chứa nhiều tờ giấy tiền cổ làm bảo chứng, với sự chứng kiến của cả nhóm “quan chức và nhà đầu tư”. Giữa lúc hai bên đang giao dịch thì cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh ập vào bắt quả tang, vạch trần màn kịch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng này.

Tại cơ quan điều tra, Tiến khai nhận quen biết với Nguyễn Thị Tuyết (51 tuổi, quê Thanh Hóa) rồi thuê phòng sống với nhau từ tháng 10-2020. Cùng không nghề nghiệp, lại muốn sống an nhàn nên Tiến bàn với Tuyết và một số bạn bè xã hội gồm Nguyễn Tâm Em (41 tuổi, quê Bến Tre, tạm trú quận Tân Bình), Lâm Thị Thảo và Tống Thị Thanh Thủy tìm kế kiếm tiền. Nhóm này dựng lên kịch bản giả là cán bộ, quen biết tướng lĩnh và nhiều quan chức, được Chính phủ giao khai thác kho báu cổ rồi tìm người có tiền kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt tiền của họ.

Các đối tượng phân công vai trò cho từng thành viên và chuẩn bị sẵn “đạo cụ” cần thiết nhằm tạo sự thuyết phục với “nhà đầu tư”. Tâm Em đưa sẵn cho Tiến xấp đô la giả có mệnh giá 1 tờ là 1.000.000 USD (1 triệu đô la) và 1 hộp gỗ bên trong có 10.000 tờ giấy giống tiền cổ. Tiến còn lưu sẵn vào điện thoại nhiều hình ảnh cổ vật, tiền cổ, Mỹ kim, việc tiếp theo là tìm “con mồi” có tiền để dẫn dụ lừa đảo. Và bà Phạm Thị A. đã trở thành nạn nhân của chúng.

Về số tiền chiếm đoạt được của bà A., nhóm đối tượng khai là Tiến đưa cho Tâm Em 1 tỷ đồng, vợ chồng Tiến - Tuyết giữ lại 400 triệu và đưa cho Lộc 100 triệu đồng. Giữ vai trò giúp sức tích cực nhưng Thảo chỉ được chia 10 triệu đồng, còn Thủy được Tiến cho tiền mua đồ ăn và bao khoản thuê nhà trọ. Với vai trò cung cấp tiền giả để đồng bọn trong nhóm hành nghề, Lã Huy Trường (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân) được Tâm Em chia cho 520 triệu đồng. Vì nguồn tiền giả này Trường lấy qua Ngô Kim Tuyến (50 tuổi, ngụ quận 12) nên Trường chia cho Tuyến 150 triệu.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tạm giam Tiến, Tuyết, Tâm Em để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra xử lý đúng người, đúng tội với 4 đối tượng còn lại là Thảo, Trường, Thủy, Tuyến...

“Kho báu quốc gia” 1.000 tỷ USD?

Ngày 26-3-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Minh Hiệp (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), Nguyễn Văn Mực (54 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) và Võ Văn Cậm Em (56 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan CSĐT xác định Nguyễn Minh Hiệp đã thành lập nhiều công ty, trong đó có Công ty Đầu tư tài chính HCT (viết tắt Công ty HTC) và Công ty Cp Xuất nhập khẩu TFF (Công ty TFF) nhằm mục đích sử dụng pháp nhân để lừa đảo.

Các đối tượng Lê Văn Tiến, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Tâm Em

Hiệp cùng đồng bọn sử dụng các giấy tờ giả mạo như hối phiếu (Bankdraft), chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng tỷ USD tại các tổ chức tài chính quốc tế, các hình ảnh số lượng lớn tiền USD và thông tin gian dối có mối quan hệ với cán bộ cấp cao trong cơ quan nhà nước, có thể chuyển nguồn tiền lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế về Việt Nam đầu tư vào các dự án khiến các bị hại tin tưởng. Sau đó, Hiệp yêu cầu các bị hại ký hợp đồng và chuyển tiền để làm chi phí mở cổng thanh toán để chuyển về Việt Nam rồi chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng...

Trước đó, 3 đối tượng cũng dựng lên câu chuyện về một “kho báu quốc gia” 1.000 tỷ USD không có thật, rồi huy động người dân góp vốn để tìm kiếm, rồi bị chiếm đoạt nhiều tỷ đồng... Cuối năm 2013, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã điều tra làm rõ vụ án hình sự Trần Văn Một (41 tuổi, ngụ Đức Huệ, Long An), Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hà Nội - Hoàng Ngân cùng đồng bọn Tống Văn Biên (51 tuổi, ngụ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) là lao động tự do và Đèo Văn Nghĩa (66 tuổi, ngụ tại thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Hà Nội và một số địa phương.

Theo kết luận điều tra, mặc dù không có vốn và đang trong tình trạng nợ nần ngập đầu nhưng Trần Văn Một vẫn xin thành lập Công ty Hà Nội - Hoàng Ngân có vốn điều lệ lên đến... 500 tỷ đồng với 43 ngành nghề kinh doanh. Thực chất, công ty này không có bất cứ hoạt động kinh doanh gì. Một đã dựng lên câu chuyện về kho báu “Hoa Mai hội” để lừa đảo.

Một và đồng bọn đã tìm cách mua bán, vận chuyển nhiều đồ vật rồi bịa đặt là tài sản của kho báu “Hoa Mai hội”. Trong đó có các thùng xu tiền Mỹ cổ mệnh giá 10.000 USD, được ghi sản xuất năm 1923. Mỗi thùng có 360 xu, tổng trị giá là 72 tỷ USD. Đồng thời, Một tạo dựng nhiều hình ảnh về các tờ tiền USD có mệnh giá lớn với hơn 990 tỷ USD. Trần Văn Một và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng của nhiều người dân nhẹ dạ, góp vốn để tìm kiếm kho báu.

Sập bẫy vì tham và thiếu hiểu biết

Từ tháng 11-2020, Bộ Công an cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông tin cảnh báo tội phạm hoạt động lừa đảo tương tự, dưới chiêu trò đơn thư xin tiếp nhận hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài khai thác “kho báu”, “tiếp nhận di sản”...

Theo thông báo của Bộ Công an, các cá nhân, tổ chức thường sử dụng thủ đoạn bài bản, lớp lang như: thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh; trực tiếp hoặc thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác kho báu... sử dụng giấy tờ giả mạo của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như hối phiếu/trái phiếu quốc tế, điện chuyển tiền, chứng từ bảo lãnh, chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng ngàn tỷ USD, EURO...

Thậm chí, các đối tượng sử dụng các văn bản tiếp nhận đơn, thư, phiếu giải quyết văn bản của các cơ quan nhà nước để lấy mẫu dấu, chữ ký và làm văn bản giả mạo để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, các đối tượng tìm cách tiếp cận các cán bộ lão thành, lãnh đạo các cấp để gây sức ép tới các bộ, ngành, địa phương xử lý hồ sơ, tiếp nhận đơn thư, tạo uy tín cho bản thân. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong nước và đề nghị ký kết hợp đồng hợp tác hoặc tham gia vào việc lập hồ sơ để đăng ký tiếp nhận nguồn vốn, khai thác “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”. Chúng đưa thông tin mập mờ trong việc mua - bán các loại tiền xu lưu niệm có màu vàng, bạc của các quốc gia, các loại thẻ được tự giới thiệu có tính chất như thẻ tín dụng ngân hàng...

Chúng móc nối với các cá nhân là người nước ngoài, Việt kiều tự xưng là “chuyên gia”, người đại diện cho các tổ chức, quỹ tài chính quốc tế, xét duyệt dự án, tìm kiếm “kho báu”, sở hữu tiền và tài sản trôi nổi của các quốc gia khác tại Việt Nam... hoặc tự nhận là người của lãnh đạo các ban, bộ, ngành đang giữ các thông tin, tài liệu liên quan đến “dự án”, “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”...

Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn phải tạm ứng, chi trả các “chi phí cho chuyên gia xét duyệt hồ sơ”, “chi phí tìm kiếm kho báu”, “chi phí làm thủ tục tiếp nhận di sản, tài sản thừa kế”, “chi phí ngoại giao, bôi trơn”, “chi phí xem hồ sơ, nguồn tiền”... Sau đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạn số tiền này.

Phú Lữ - Bùi Hào

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/dung-ao-tuong-ve-kho-bau-co-hang-ty-do-la-643896/