Đừng 'ăn siêu lợi nhuận' trên lưng bệnh nhân!

Bác sĩ như mẹ hiền', từ đầu năm đến nay, mỗi lần đọc báo, xem ti vi chúng ta vô cùng tự hào, cảm kích nỗi vất vả, sự hy sinh của những 'anh hùng áo trắng' trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần bảo đảm 'bình yên' cho đất nước. Những cống hiến, sự hy sinh của họ có bao nhiêu giấy mực cũng không kể và lột tả hết.

Giữa lúc cao trào như vậy, thì bất ngờ vào ngày 1/9, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan. Kết quả điều tra ban đầu xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo tìm hiểu, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện tuyến Trung ương tiên phong trong vấn đề này. Theo đó, bệnh viện đã thỏa thuận với Công ty BMS đưa vào sử dụng hệ thống robot trong phẫu thuật khớp và phẫu thuật thần kinh, trong đó có robot Rosa (tháng 3/2017).

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh, liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Công ty và bệnh viện thống nhất ăn chia 50 - 50 lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm... Trước khi ký hợp đồng liên doanh, liên kết, Bệnh viện Bạch Mai đã thuê Công ty VFS thẩm định giá máy robot Rosa. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, hệ thống thiết bị đã bị thổi giá lên quá cao.

Cụ thể, hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT), song các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý. Với việc nâng giá này, trăm dâu đổ đầu bệnh nhân. Nếu áp đúng giá 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho ca bệnh khoảng 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai là 39 tỉ đồng, thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Chúng ta nên nhớ, những người đến bệnh viện không phải ai cũng có điều kiện khả giá, rất nhiều người trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ cần vài triệu là có thể chi tiêu cả tháng. Thậm chí, để có tiền chữa bệnh họ phải bán hết những tài sản có giá trị trong gia đình, vay mượn họ hàng, bạn bè để chữa trị cho người thân. Vậy mà lẽ ra họ chỉ phải trả 4 triệu đồng để chữa bệnh và thụ hưởng sự tiến bộ của khoa công nghệ thì phải trả mức giá lên 23 triệu đồng.

Mức “chênh lệch” khủng khiếp chẳng khác gì con dao siết cổ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân! Cần phải khẳng định, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực tài chính của hệ thống các bệnh viện công còn “mỏng” thì xã hội hóa là một chủ trương đúng giúp bệnh viện có điều kiện nhập các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc xã hội hóa đề nâng giá, ăn siêu lợi nhuận bằng việc đánh thẳng vào hầu bao của bệnh nhân là việc làm thất đức.

Trả lời báo chí, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai PGS.TS Nguyễn Quốc Anh (giám đốc bệnh viện thời điểm đó) nói rằng, vì quá tin vào đơn vị mà bệnh viện thuê thẩm định giá là Công ty VFS, nên mới dẫn đến tình trạng “thổi giá”. Trong vấn đề này, bệnh viện cũng là nạn nhân.

Còn trên góc độ cơ chế, một thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ cho biết trong trường hợp liên doanh, liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS, căn cứ thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị ở bệnh viện công hay là Luật giá thì đều phải có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định giá, chứ không thuê doanh nghiệp thẩm định giá.Cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm đúng quy định quy trình 6 bước, khảo sát giá thị trường, lấy báo giá, giá nhập khẩu cộng với chi phí thì khó có chuyện nâng khống lên 4-5 lần như vậy.

Qua cách trả lời của hai vị trên, nảy sinh 2 vấn đề cần bàn. Thứ nhất, về phía bệnh viện là đơn vị chữa bệnh, có chuyên môn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thực hiện việc khám, chữa bệnh, tại sao khi thực hiện liên doanh, liên kết với phía doanh nghiệp cung cấp lại “khoán trắng” cho phía công ty thẩm định giá mà không tham khảo các kênh khác khi thấy dấu hiệu bất thường về giá?

Đây là phạm trù chuyên môn lại trong thời buổi internet và số hóa, chỉ cần cú kích chuột phía các phòng, ban chuyên môn thậm chí cả ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng có thể biết nguồn gốc xuất xứ, giá của hệ thống mà đơn vị cung cấp cho mình ra sao? Đây là vấn đề cơ quan cảnh sát điều tra chắc chắn sẽ làm rõ. Thứ hai, xét về cơ chế, khi tiến hành xã hội hóa, chúng ta không thể áp dụng bằng văn bản pháp lý là Thông tư do Bộ chủ quản (Bộ Y tế) ban hành. Việc Luật ra đời phải chờ các Nghị định, thông tư hướng dẫn mới có thể triển khai cũng là hệ quả làm phát sinh những mâu thuẫn khi thực thi mà chúng ta cần phải khắc phục trong khâu làm luật. Luật có, nhưng triển khai thì phải áp dụng nghị định, thông tư hướng dẫn, vì luật khung.

Vẫn biết kinh doanh phải có lời, song không thể trục lợi ngay trên những người bệnh mà mạng sống đang được đo đếm theo thời gian, như thế là tội ác. Vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến công tác xã hội hóa trong việc liên doanh, liên kết chuyển giao thiết bị khám, điều trị bệnh là bài học cảnh tỉnh về đặt tiền bạc lên trên vấn đề đạo đức và sinh mệnh người bệnh. Tất nhiên, đây chỉ là sự vụ theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” của một số bên liên quan (hám lời), còn đối với những người làm trong ngành Y họ đã, đang và mãi là những “anh hùng áo trắng” chúng ta luôn trân quý!

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dung-an-sieu-loi-nhuan-tren-lung-benh-nhan-112681.html