Ducati - biểu tượng môtô Italy, 'khởi nghiệp' từ sản xuất radio

Kể từ khi ra đời năm 1926, Ducati từng bước phát triển và dần trở thành biểu tượng của môtô phong cách Italy.

Trải nghiệm Ducati Panigale 899 sau gần 30.000 km Sau 4 năm sử dụng, dàn vỏ nhựa của xe có những hao mòn nhất định tuy nhiên khối động cơ 898 cc vẫn hoạt động trơn tru tạo cảm giác lái phấn khích cho người lái sau mỗi lần tăng ga.

Ducati, cái tên có thể gây phấn khích cho bất kỳ tín đồ nào của những chiếc môtô phân khối lớn. Kể từ khi ra đời cho tới nay, Ducati vẫn giữ được chất Italy rất riêng của mình so với phần còn lại của thế giới môtô. Đó có thể là sự bảo thủ, nét thời trang khác biệt hay là đơn giản linh hồn Italy.

Khởi nguồn từ công ty sản xuất thiết bị radio

Năm 1926, Antonio Cavalieri Ducati cùng 3 người con trai của mình là Andriano, Marcello và Bruno Cavalieri Ducati đã thành lập công ty sản xuất các thiết bị điện phục vụ phát thanh ở Bologna, Italy với cơ sở là tấm bằng sáng chế của Antonio.

Từ trái qua: Andriano, Bruno và Marcello Cavalieri Ducati. Ảnh: Motorvalley

Từ trái qua: Andriano, Bruno và Marcello Cavalieri Ducati. Ảnh: Motorvalley

Đến năm 1935, gia đình Ducati đã bắt tay xây dựng nhà máy ở khu vực Borgo Panigale của thành phố. Việc sản xuất của Ducati vẫn được duy trì, bất chấp nhà máy của họ thường xuyên là mục tiêu oanh tạc trong chiến tranh thế giới thứ 2. Công ty cũng đồng thời mở chi nhánh tại các thành phố lớn trên thế giới như London, Paris, New York, Sydney và Caracas.

Bắt đầu sản xuất xe gắn máy

Tại một công ty nhỏ có trụ sở đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ mang tên SIATA (Societa Italiana per Applicazioni Techniche Auto-Aviatorie), Aldo Farinelli bắt đầu phát triển một động cơ nhỏ để gắn trên xe đạp. Năm 1944, SIATA quyết định bán loại động cơ này, được gọi là “Cucciolo”, tiếng Italy có nghĩa là “cún con”, liên quan đến tiếng ống xả đặc trưng của những chiếc xe lắp loại động cơ này. Cucciolo ban đầu là một khối động cơ riêng biệt, có thể gắn trên mọi chiếc xe đạp thông thường.

Ducati "Cucciolo" 1950. Ảnh: Wikipedia

Vào năm 1950, với doanh số hơn 200.000 động cơ Cucciolo được bán ra, Ducati đã hợp tác cùng SIATA để cho ra đời chiếc xe gắn máy đầu tiên của mình sử dụng động cơ Cucciolo. Chiếc xe Ducati đầu tiên này là một chiếc xe đạp gắn động cơ 48 cc, nặng 44 kg, đường kính xy-lanh 15 mm, có thể chạy ở tốc độ tối đa 64 km/h, tiêu thụ 1,2 lít nhiên liệu cho 100 km. Ducati cũng bỏ đi tên gọi Cucciolo mà thay bằng mã “55M” và “65TL”.

Sản xuất xe gắn máy chuyên nghiệp

Khi thị trường đòi hỏi các loại xe gắn máy lớn hơn, mạnh hơn, ban lãnh đạo Ducati đã quyết định tham gia triển lãm Milan đầu năm 1952, giới thiệu mẫu “65TS” và Cruiser (một chiếc xe máy 4 thì). Mặc dù được mô tả là cỗ máy mới thú vị nhất tại triển lãm, song doanh số của Cruiser không tốt khi chỉ có vài nghìn chiếc được sản xuất trong khoảng 2 năm trước khi bị khai tử.

Ducati Cruiser 1952. Ảnh: Italianways

Năm 1953, ban lãnh đạo đã chia công ty thành 2 công ty con là Ducati Meccanica SpA và Ducati Elettronica để chuyên môn hóa hoạt động sản xuất xe máy và thiết bị điện tử. Tiến sĩ Giuseppe Montano đã đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Ducati Meccanica SpA và nhà máy Borgo Panigale được hiện đại hóa với hỗ trợ từ chính phủ. Đến năm 1954, Ducati Meccanica SpA đã tăng sản lượng xe máy lên 120 chiếc mỗi ngày.

Vào những năm 1960, Ducati đã tạo được tên tuổi với việc đưa ra chiếc xe gắn máy nhanh nhất thời kỳ đó, chiếc Mach 1 dung tích động cơ 250 cc.

Ducati Mach 1 1965. Ảnh: Catalog-motor

Nhiều lần "sang tên đổi chủ"

Vào những năm 1970, Ducati bắt đầu sản xuất những chiếc môtô phân khối lớn động cơ V-Twin và vào năm 1973 đã tạo ra chiếc xe sử dụng động cơ V-Twin gắn van khử lưu lượng mang thương hiệu của hãng. Năm 1985, Cagiva đã mua lại Ducati với ý định sản xuất xe môtô mang thương hiệu Cagiva. Tuy nhiên, điều này đã không thể thực hiện được do năm 1996 Cagiva gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Ducati 907 I.E 1993. Ảnh: Wikipedia

Năm 1996, Cagiva đã chấp nhận đề nghị từ Texas Pacific Group (TGP) và bán 51% cổ phần công ty với giá 325 triệu USD. Sau đó vào năm 1998, TGP đã mua phần lớn cổ phần trong số 49% còn lại để trở thành chủ sở hữu duy nhất của Ducati.

Năm 1999, TGP đã phát hành đợt cổ phiếu đầu tiên ra công chúng và đổi tên công ty thành “Ducati Motor Holding SpA”. TGP đã bán hơn 65% cổ phiếu của mình tại Ducati, khiến TGP chỉ còn là một cổ đông lớn chứ không toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan. Vào tháng 12 năm 2005, TGP bán cổ phần của mình cho Investindustrial Holdings, quỹ đầu tư của Carlo và Andrea Bonomi.

Ducati 1098 S Tricolore 2007. Ảnh: Ducati

Vào tháng 4/2012, công ty con Audi của tập đoàn Volkswagen đã công bố ý định mua lại Ducati với giá 860 triệu euro (1,2 tỷ USD). Chủ tịch của Volkswagen, Ferdinand Piëch là một người đam mê xe máy, từ lâu đã tỏ ý muốn sở hữu Ducati và hối hận vì đã từ bỏ cơ hội mua lại Ducati từ chính phủ Italy vào năm 1984.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thương vụ mua Ducati của Volkswagen mang nhiều tính cá nhân, thương hiệu, thỏa mãn đam mê hơn là một quyết định dựa trên tính toán về mặt tài chính bởi họ nghi ngờ tác động của một công ty sản xuất môtô nhỏ bé đối với một tập đoàn lớn như Volkswagen.

Ducati Panigale 1199, một trong những mẫu xe được đánh giá cao nhất của Ducati. Ảnh: Ducati

Thương vụ được tiến hành bởi công ty con của Audi là Automobili Lamborghini S.p.A vào ngày 19/7/2012 với giá 747 triệu euro (909 triệu USD). Kể từ đây, Ducati chính thức đứng dưới mái nhà Volkswagen cùng với những thương hiệu xe sang, xe thể thao nổi tiếng thế giới như Bugatti, Porsche và Lamborghini.

Hùng Sơn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ducati-bieu-tuong-moto-italy-khoi-nghiep-tu-san-xuat-radio-post974200.html