Dục vọng hay sự đủ đầy làm nên bi kịch của tình yêu?

Dục vọng và những mặt trái của lương tâm được đặt trong nhiều chiều kích khác nhau của đời sống. Tha thứ là điều không dễ dàng, đặc biệt khi phải tha thứ cho người ta yêu.

Bernhard Schlink nổi lên như một hiện tượng của văn chương Đức đương đại, sau sự xuất hiện của tiểu thuyết Người đọc. Chưa dừng lại ở đó, ông còn giành được nhiều lời khen ngợi từ độc giả và giới phê bình cho tác phẩm Người đàn bà trên cầu thang.

Người ta thấy được bóng dáng của cả một thế hệ trong các nhân vật của Bernhard Schlink. Những chàng trai trẻ ngây ngô vướng vào “lưới nhện” của ái tình. Dục vọng, đam mê và bao điều không tên khác cuốn họ vào cuộc phiêu lưu đầy rủi ro của tuổi trẻ.

Khi đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, họ giật mình nhìn về quá khứ. Hóa ra, có những điều quan trọng đã bị bỏ lại phía sau, mà người trong cuộc không nhận ra. Tình yêu là gì trong những tác phẩm của người luật sư đang miệt mài cầm bút? Nó chính là tấm gương để chúng ta soi mình vào đó. Có rất nhiều điều để suy xét khi ta vừa trải qua một cuộc tình: đúng và sai, được và mất, tha thứ và chấp nhận.

Chúng ta sẽ được thấy những hình dung khác của Bernhard Schlink về tình cảm của con người trong tập truyện ngắn Những cuộc chạy trốn tình yêu. Ái tình đúng là bông hoa hồng có gai, nó làm ta mỉm cười, khiến ta hạnh phúc để rồi gây nên những vết thương khó lành trong trái tim. Dẫu vậy, người ta vẫn yêu và suy ngẫm về tình yêu, tự nhiên như hơi thở trong cuộc sống này.

Những cuộc chất vấn về tình yêu

Những cuộc chạy trốn tình yêu là tên chung của tập truyện ngắn đầu tiên mà Bernhard Schlink gửi đến bạn đọc. Bảy câu chuyện trong cuốn sách này, không có truyện ngắn nào có mang nhan đề “Những cuộc chạy trốn tình yêu”.

Sự đào thoát khỏi ái tình và những ham muốn bình thường của đời sống trở thành âm hưởng chung cho cả 7 tác phẩm. Tình yêu, hiện lên với những màu sắc khác nhau, trầm buồn và cô độc.

Tập truyện ngắn Những cuộc chạy trốn tình yêu của Bernhard Schlink.

Tập truyện ngắn Những cuộc chạy trốn tình yêu của Bernhard Schlink.

Cô bé với con rắn mối là câu chuyện về một chàng trai sinh ra sau Thế chiến II. Sinh trưởng trong một gia đình mà hạnh phúc chỉ là vỏ bọc, khiến người ta hoài nghi về các giá trị của đời sống. Một ông bố suốt ngày giam mình trong phòng làm việc và trò chuyện với bức tranh “Cô bé với con rắn mối”. Và người vợ, không biết làm gì hơn ngoài việc chất vấn chồng về những ám ảnh trong quá khứ. Người con trai lớn lên trong sự giằng co đó. Với anh, bức tranh tồn tại như một câu đố không có lời giải.

Thế rồi, anh chọn cách trở thành bạn với bức tranh, suy ngẫm về nó và tự tìm lời giải cho những thắc mắc của chính mình. Cô bé với con rắn mối? Cô bé ấy là ai? Tại sao cha mẹ anh thường tranh cãi về nguồn gốc Do Thái của đứa trẻ trong bức tranh? Vì sao lại là người Do Thái? Những ám ảnh của một dân tộc vẫn còn đó sau bao thay đổi của thời cuộc. Người ta không thể lãng quên nó, hóa ra lâu nay họ chỉ cố ru ngủ chính mình.

Truyện ngắn Người khác lại là “trò chơi đuổi bắt” đầy thi vị giữa hai người đàn ông toan đã sang tuổi già. Một người từng là bộ trưởng đáng kính, vừa mới nghỉ hưu. Sau khi “chia tay” với quyền lực, ông tưởng rằng mình sẽ được cùng vợ tận hưởng những năm tháng nhàn tản của tuổi già cùng vợ. Nào ngờ, bà ra đi vì bệnh ung thư vú. Phu nhân bộ trưởng đã biết rõ về khối u từ trước đó, nhưng bà từ chối phẫu thuật.

Người vợ ấy, từng rất tự hào vì mình có một bộ ngực đẹp. Có lẽ bà không muốn mất nó vì một ca phẫu thuật có thể là vô nghĩa. Vậy bà yêu chồng, hay yêu bản thân mình hơn? Ngài bộ trưởng đang loay hoay với câu hỏi đó.

Vô tình, ông phát hiện được một số thư từ của vợ và người tình. Người ông âu yếm gọi bằng tên đã trở thành “nàng da nâu” đáng yêu trong lòng kẻ khác. Khi ông đang mải mê với chiếc ghế bộ trưởng tài chính thì vợ ông đã đi tìm niềm vui khác cho mình. Vậy mà bấy lâu nay ông tưởng bà luôn ở đứng phía sau lưng chồng, thủy chung và kiên nhẫn. Với cương vị là một người chồng, ngài bộ trưởng đã hoàn toàn thất bại.

Thay vì đến chỗ một người bạn gái của vợ để dò la tin tức, ông lại đến tìm tình địch. Cuộc gặp gỡ ấy sẽ cho ông những gì? Ông sẽ hiểu hơn về vợ, hay thấu hiểu bản thân mình.

Nhà văn người Đức Bernhard Schlink.

Thiếu phụ ở trạm xăng là truyện ngắn có dung lượng ngắn và nội dung khá gần gũi. Một cặp vợ chồng bước vào tuổi trung niên với thu nhập ổn định nhưng lại cảm thấy chán nản với hôn nhân. Trong đầu người chồng luôn tồn tại một hình mẫu mơ hồ và không hề trùng khớp với những gì vợ anh ta có. Người đàn ông ấy đã giả vờ hạnh phúc quá lâu và cảm thấy mệt mỏi.

Một chuyến du lịch để thay đổi những điều thường nhật dường như không giúp gì được cho họ. Người chồng vẫn muốn rời đi để tìm hình mẫu hoàn hảo của riêng mình. Liệu anh ta sẽ tìm được điều gì sau khi từ bỏ “cái kén” an toàn của hôn nhân.

Tại sao người ta lại phải trốn chạy khỏi tình yêu?

Lấy tình yêu làm nhan đề cho tập truyện ngắn đầu tay, nhưng quả thật, tình ái không phải là chủ đề nổi bật nhất trong các tác phẩm. Bernhard Schlink đem đến cho người đọc nhiều vấn đề đang suy ngẫm về đời sống hiện tại: khoảng cách thế hệ, sự thèm khát trước danh vọng và quyền lực hay sự nhàm chán của một cuộc sống quá đủ đầy khiến người ta lạc lối...

Trong những truyện ngắn lớp lang và vô cùng chặt chẽ ấy, chúng ta thấy cả bóng dáng của một nước Đức đương đại suốt hơn nửa thế kỉ qua. Một quốc gia hùng cường đang tìm cách lấy lại vị thế của mình. Gánh nặng ấy đã làm cho nhiều thế hệ cảm thấy bức bối. Có những lúc, người ta tưởng chừng như mình đang mắc kẹt trong vòng quay của lịch sử, khi ám ảnh về quá khứ vẫn đang còn là bóng ma lởn vởn ngoài kia.

Hình ảnh trong phim Tình địch (The other man) chuyển thể từ truyện ngắn Người khác của Bernhard Schlink.

Bernhard Schlink là một nhà văn thành công trong việc xây dựng cốt truyện, miêu tả nhân vật và tạo dựng tình huống. Các truyện ngắn như: Cô bé với con rắn mối, Người khác, Ngoại tình, Con trai… đều mang dáng dấp của tiểu thuyết.

Đặc biệt, các sáng tác của ông mang tính hình ảnh cao và luôn xuất hiện khá nhiều biểu tượng. Năm 2008, truyện ngắn Người khác trong tập truyện này đã được đạo diễn người Anh Sr. Richard Eyre chuyển thể thành phim điện ảnh.

Tác giả từng là một luật sư danh tiếng, ông luôn đứng giữa đúng và sai, được và mất, lợi và hại để tìm ra hướng giải quyết cho một vấn đề. Có lẽ, “căn bệnh nghề nghiệp” này đã ảnh hưởng ít nhiều tới những sáng tác của Bernhard Schlink. Nhà văn luôn đi sâu vào khai phá nội tâm con người và tìm ra những điều tốt đẹp còn ẩn giấu trong đó. Các nhân vật của ông đều phạm sai lầm, nhưng tác giả luôn tìm cách “bào chữa” cho họ. Bởi có những sai lầm bắt nguồn từ sự vô tri và sợ hãi.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/duc-vong-hay-su-du-day-lam-nen-bi-kich-cua-tinh-yeu-post925372.html