Đức và Ấn Độ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Ngày 1/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi.

Quan chức Ấn Độ Jitendra Singh (phải) đón Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại sân bay ở New Delhi ngày 31/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức Ấn Độ Jitendra Singh (phải) đón Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại sân bay ở New Delhi ngày 31/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, phát triển kỹ năng, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh năng lượng, hàng không dân dụng và sản xuất quốc phòng. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, các quan chức hai nước đã ký 5 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, nhà ở, AI, đối ngoại và ngăn ngừa thải rác thải ra biển.

Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ mong muốn hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực với Đức và hai nước có thể phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan toàn cầu.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel cũng mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong các dự án cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải và cung cấp nước. Bà thông báo Đức sẽ chi 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) cho các dự án vận tải đô thị xanh tại Ấn Độ trong 5 năm tới, trong đó 200 triệu euro (224 triệu USD) sẽ được dành để thay thế các xe buýt chạy bằng diesel tại bang Tamil Nadu bằng xe điện.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí của thủ đô New Delhi đã lên mức nghiêm trọng, buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa một số trường học đến ngày 5/11, cấm toàn bộ các hoạt động xây dựng, đốt pháo cho đến cuối mùa Đông.

Về lĩnh vực thương mại, Thủ tướng Đức đã nêu bật tầm quan trọng của việc khởi động các cuộc đàm phán mới nhằm hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Đây là mong mỏi từ lâu của Đức bởi FTA sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mà các nhà đầu tư Đức có thể gặp phải, sau khi thỏa thuận bảo vệ đầu tư giữa hai nước đã kết thúc vào năm 2016.

Trong những tháng vừa qua, các doanh nghiệp Đức đã quan ngại về việc ngành ô tô tại Ấn Độ đang chững lại, thiếu chính sách ổn định, tác động tiêu cực đến lòng tin người tiêu dùng và gây khó khăn cho các nhà sản xuất xe hơi.

Trong vấn đề Kashmir, bà Merkel mong muốn Ấn Độ và Pakistan có thể cùng nhau tìm ra giải pháp hòa bình.

Bà Merkel đã tới thủ đô New Delhi vào tối 31/10. Tháp tùng bà trong chuyến đi này có một số thành viên nội các và phái đoàn doanh nghiệp. Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ, bà đã có cuộc gặp với Thủ tướng Modi, cũng như tham dự Tham vấn liên chính phủ lần thứ 5 (IGC).

Đức hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ tại châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương trong tài khóa 2018-2019 đạt mức 24,6 tỷ USD, tăng so với mức 22 tỷ USD của tài khóa trước. Ước tính hơn 1.700 công ty Đức đang hoạt động tại Ấn Độ.

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/duc-va-an-do-tang-cuong-hop-tac-trong-nhieu-linh-vuc-20191102173332417.htm