Đức ưu tiên chống dịch khi làm Chủ tịch luân phiên EU

Kể từ ngày 1-7 tới, Đức chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) từ Croatia và theo tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong khoảng thời gian 6 tháng nắm giữ cương vị này, Berlin sẽ ưu tiên tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19 cũng như đối phó với những tác động của đại dịch này với kinh tế-xã hội của châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu trực tuyến hằng tuần vào ngày 25-4 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel nêu rõ, thời gian Đức đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU chắc chắn sẽ bị chi phối bởi vấn đề chống đại dịch Covid-19 và những hậu quả của dịch bệnh. Bà Angela Merkel cũng cho rằng đời sống tại châu Âu có thể sẽ tiếp tục bị đại dịch Covid-19 chi phối, trừ khi thế giới tìm ra vaccine ngăn ngừa.

Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu khác trong chương trình nghị sự của Đức trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU sẽ là các vấn đề liên quan tới môi trường. Theo đó, nhiều khả năng Đức sẽ thúc đẩy ý tưởng về một hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả của châu Âu dành cho tất cả quốc gia thành viên, cũng như các vấn đề thuế giao dịch tài chính, thuế suất tối thiểu...

 Bà Angela Merkel phát biểu tại buổi họp báo ở Berlin sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của EU ngày 23-4. Ảnh: Getty Images

Bà Angela Merkel phát biểu tại buổi họp báo ở Berlin sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của EU ngày 23-4. Ảnh: Getty Images

Gần đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cũng đề cập tới những ưu tiên của nước này trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của EU khi ông cho biết Berlin sẽ nỗ lực và có phản ứng mạnh mẽ để giúp các quốc gia thuộc EU vượt qua đại dịch. Cụ thể, Ngoại trưởng Heiko Mass tiết lộ, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nước này sẽ là từng bước dỡ bỏ những hạn chế về du lịch và thị trường khối theo hướng tăng cường và phối hợp, đồng thời kêu gọi EU rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra trong nhiều lĩnh vực, như cải thiện hệ thống y tế bảo vệ công dân, tăng cường hợp tác và sản xuất các thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh. Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, ngân sách của EU trong vòng 7 năm tới rất có thể sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, bảo vệ môi trường, công nghệ, hệ thống xã hội và chống khủng hoảng.

Bên cạnh đó, tờ The Express (Anh) dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel cho biết, bà hy vọng Đức sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách của EU nhằm giải quyết hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại. Lâu nay, Đức vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho EU, với khoảng 13,4 tỷ euro chỉ riêng trong năm 2018.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào tuần qua, EU cũng đã nhất trí về gói viện trợ kỷ lục lên tới 500 tỷ euro nhằm giúp các quốc gia thành viên của khối này đối phó với những hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại và dự kiến gói viện trợ này sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 6 tới. Tuy nhiên, bà Angela Merkel cho rằng EU vẫn cần có thêm một gói kích thích kinh tế nữa sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 chấm dứt. “Gói viện trợ 500 tỷ euro là chưa đủ. Chúng ta vẫn cần một gói kích thích kinh tế nữa sau cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngay cả khi đại dịch đã qua đi, những thiệt hại về kinh tế đối với EU vẫn là rất lớn”, nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, ngày 29-4 tới, nội các Chính phủ Đức sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt với Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Jeppe Tranholm-Mikkelsen nhằm thảo luận cụ thể về chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/duc-uu-tien-chong-dich-khi-lam-chu-tich-luan-phien-eu-616372