Đức triển khai chiến hạm cực mạnh tới biển Đông, Trung Quốc thêm 'nóng mặt'

Các quan chức cấp cao của chính phủ Đức ngày 2/3 xác nhận chiến hạm của nước này sẽ khởi hành tới châu Á vào tháng 8 và đi vào khu vực biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua biển Đông kể từ năm 2002.

Đức có thể gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc thông qua việc đưa tàu chiến tới biển Đông sau gần 20 năm vắng bóng tại khu vực này.

Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết, chiến hạm của Hải quân Đức sẽ không đi vào khu vực thuộc phạm vi "12 hải lý" xung quanh các thực thể tranh chấp trên biển Đông. Tuy vậy việc thêm một quốc gia xuất hiện trong việc bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông càng khiến Bắc Kinh nóng mặt.

Quyết định triển khai tàu chiến trở lại biển Đông sau thời gian dài vắng bóng được xem là động thái hiếm thấy của Đức, quốc gia không có lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Anh và Pháp.

Các chuyên gia nhận định việc đưa chiến hạm tới biển Đông sẽ là bước đi quan trọng trong việc thực thi Định hướng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được nội các Đức thông qua năm ngoái, nhằm tăng cường sự can dự của Đức trong khu vực.

Dù chưa nói rõ Đức sẽ triển khai loại tàu chiến nào nhưng giới phân tích cho rằng hải quân nước này sẽ điều khinh hạm lớp Sachsen để thực hiện nhiệm vụ.

Khinh hạm lớp Sachsen do Đức chế tạo là một trong những tàu khu trục nhỏ tiên tiến nhất thế giới. Tàu nổi bật với hệ thống radar và vũ khí cực mạnh.

Quá trình phát triển khinh hạm lớp Sachsen được triển khai vào đầu năm 1990. 3 tàu được đóng mới và đưa vào hoạt động từ năm 2003. Thân tàu được áp dụng một số công nghệ tàng hình trong thiết kế giúp giảm khả năng bị phát hiện từ xa. Tàu có chiều dài 143 m, rộng 17,4 m, mớn nước 4,4 m, lượng choán nước đầy tải 5.780 tấn.

Thân tàu được áp dụng một số công nghệ tàng hình trong thiết kế giúp giảm khả năng bị phát hiện từ xa. Tàu có chiều dài 143 m, rộng 17,4 m, mớn nước 4,4 m, lượng choán nước đầy tải 5.780 tấn.

Đỉnh cột buồm chính lắp radar mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn APAR với 4 mảng ăng-ten cung cấp trường quan sát 360 độ. Radar hoạt động ở băng tần X có khả năng theo dõi 200 mục tiêu ở cự ly 150 km

Cảm biến mạnh nhất trên tàu là radar cảnh báo sớm tầm xa SMART-L. Đây là một radar quét mạng pha điện tử thụ động với tầm trinh sát tới 400 km với máy bay cánh cố định, 480 km với tên lửa đạn đạo. Bộ vi xử lý của radar có thể theo dõi 1.500 mục tiêu.

Tàu được vũ trang pháo hạm Oto Melara 76 mm. Pháo có tốc độ bắn 120 viên/phút, tầm bắn tối đa 20 km. Pháo có thể tấn công mục tiêu mặt nước hoặc phòng không khá hiệu quả.

Khinh hạm lớp Sachsen được lắp 32 ống phóng thẳng đứng VLS Mk41 có thể mang theo 24 tên lửa phòng không tầm xa SM-2 lô IIIA và 32 RIM-162 (tên lửa được đóng gói trong hộp phóng chứa 4 tên lửa mỗi hộp).

Tên lửa SM-2, lô IIIA có thể đánh chặn mục tiêu ở cự ly 150 km, tầm cao hơn 30 km. Sachsen là khinh hạm mang tên lửa phòng không tầm bắn xa nhất châu Âu. Tàu khu trục phòng không Type-45 của Anh mang tên lửa Aster-30 tầm bắn chỉ 120 km.

Tên lửa RIM-162 Evolved Sea Sparrow có thể đánh chặn các mục tiêu ở cự ly 50 km.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 cụm phóng tên lửa đánh chặn tầm ngắn RIM-116 với 21 tên lửa/cụm, tầm bắn tối đa 10 km. Như vậy Sachsen được bảo vệ bởi ô phòng không tới 3 lớp.

Khinh hạm Sachsen được trang bị 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon tầm bắn 124 km. Hai bên hông tàu được lắp 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU 90.

Tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng chống ngầm NH-90. Trực thăng có thể mang theo phao định vị thủy âm và ngư lôi để dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Khinh hạm lớp Sachsen được trang bị hệ thống động lực CODAG (kết hợp động cơ diesel và tuabin khí), tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 4.000 hải lý.

Ông Sun Keqin, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho rằng động thái triển khai chiến hạm của Đức khiến Trung Quốc lo ngại, vì Đức vốn là quốc gia có truyền thống cẩn trọng trong việc sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng bây giờ lại muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và NATO.

"Trung Quốc không mong muốn có sự hiện diện của cường quốc quân sự phương Tây tại khu vực này. Nhưng Đức muốn tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều đó cũng cho thấy Mỹ đang hy vọng Đức sẽ gánh thêm trách nhiệm trong việc gây sức ép với Trung Quốc", chuyên gia Keqin nhận định.

Ông Guo Xuetang, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Thượng Hải, cho biết việc triển khai tàu chiến phản ánh sự độc lập trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Đức, thay vì nỗ lực chung với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc.

Đức là quốc gia thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Pháp, đưa ra tầm nhìn chính thức về khu vực khi thông qua định hướng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng 9 năm ngoái, với mục tiêu nâng cao vai trò của Đức như một "nhân tố và đối tác sáng tạo" trong khu vực.

Trong khi đó, phản ứng trước thông tin Đức đưa tàu chiến tới biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết các nước "đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, song không nên sử dụng điều này làm cớ gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của các nước ven biển".

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-duc-trien-khai-chien-ham-cuc-manh-toi-bien-dong-trung-quoc-them-nong-mat-post459754.antd