Đức 'tiến thoái lưỡng nan' trong Nord Stream

Dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đã hoàn thiện trên 90% và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người kiên định ủng hộ dự án này đang phải đối mặt với những áp lực chính trị trong nội bộ nước Đức cũng như chịu sức ép từ Mỹ và các nước Đông Âu kêu gọi rời khỏi dự án, đặc biệt sau vụ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny bị đầu độc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực trong chính nội bộ nước này

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực trong chính nội bộ nước này

Tờ Rzeczpospolita của Ba Lan mới đây đưa tin Berlin đã hối thúc cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rời vị trí mà ông đang làm việc tại Tập đoàn Gazprom của Nga. Ông Schroeder hiện là Chủ tịch HĐQT Nord Stream 2 AG - một liên danh do Gazprom đứng đầu, đang tham gia xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới khu vực Baltic.

Việc Schroeder, một trong những chính trị gia hàng đầu nước Đức, ủng hộ lợi ích của Nga tại châu Âu, khiến Berlin không khỏi lo lắng. Dù đã có hàng nghìn công ty hợp tác với Nga trong những thập niên qua, nhưng vụ đầu độc Alexei Navalny làm dấy lên những tranh cãi quanh việc tiếp tục hay đình chỉ Nord Stream 2.

Đức - Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc Navalny, bất chấp Điện Kremlin bác bỏ thông tin này.

Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Xanh Katrin Goring - Eckardt kêu gọi cựu Thủ tướng Đức từ chức. “Giờ là lúc ông ấy phải quyết định xem có đứng về phía dân chủ và nhân quyền hay không” - bà Katrin nói - “Chính phủ Đức nên đề xuất một kế hoạch chi tiết để rút khỏi dự án của Nga”.

Theo cựu Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức Dirg Nibel, Đức vẫn không có sự thống nhất về việc sẽ thiệt hại bao nhiêu nếu rút khỏi Nord Stream 2. Một động thái như vậy sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Thực tế, Berlin có thể cứu vãn Nord Stream 2 bằng cách “mua đứt xung đột lợi ích” bởi họ nhận thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “quen” với các thỏa thuận trao đổi. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia có cái nhìn sắc lạnh đối với Mỹ trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền ở Đức.

Dù vậy, việc Berlin sẵn sàng nhượng bộ khi chi 1 tỉ USD để xây dựng 2 trạm đầu cuối tiếp nhận khí hóa lỏng từ Mỹ đã cho thấy động thái hạ nhiệt. Tờ Die Zeit của Đức mới đây đã trích dẫn một lá thư của Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng phía Đức đề nghị phân bổ hơn 1 tỉ USD để xây dựng 2 trạm tiếp nhận LNG dọc theo bờ biển Baltic của Đức, chấp nhận nhập khẩu LNG của Mỹ. Đổi lại, Bộ trưởng Đức cũng yêu cầu phía Mỹ hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2.

Nhiều nhà lãnh đạo Đức mới đây vẫn kỳ vọng Nord Stream 2 sẽ mở ra cánh cửa cho việc bảo đảm an ninh năng lượng của châu Âu, song việc có tiếp tục Nord Stream 2 hay không còn phục thuộc vào quyết định của các đối tác EU. Châu Âu vẫn đợi câu trả lời của Nga về vụ việc ông Navalny. EU cho rằng cần có hành động mạnh mẽ để trừng phạt Nga nếu Moscow không đưa ra được lời giải thích cho việc mà Berlin cáo buộc là “sát hại ông Navalny”.

Bình An (nguồn: DW/MBS)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/duc-tien-thoai-luong-nan-trong-nord-stream-579549.html