Đức tiến gần hơn mục tiêu chi cho quốc phòng của NATO

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Kênh truyền hình ZDF ngày 16/6 đưa tin Đức có khả năng tiến gần hơn mục tiêu chi ngân sách 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong năm nay do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

Binh sĩ Mỹ tại một buổi huấn luyện ở Grafenwoehr, Đức ngày 4/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Mỹ tại một buổi huấn luyện ở Grafenwoehr, Đức ngày 4/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Liên bang Đức dự kiến mức chi tiêu quốc phòng theo GDP của Berlin sẽ tăng đáng kể lên mức 1,54-1,56% trong năm nay, tăng mạnh từ mức 1,38% GDP trong năm 2019. Tính toán này được thực hiện căn cứ vào ngân sách bổ sung lần hai và mức sụt giảm dự kiến về sản lượng kinh tế do dịch bệnh. Cụ thể, mức tăng chi tiêu quốc phòng nêu trên chủ yếu là do sự sụt giảm về kinh tế, theo đó khiến phần chi cho quốc phòng tăng lên trong tổng số chi tiêu.

Cho tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn chỉ trích Đức chi quá ít cho quốc phòng. Mặc dù Berlin trong những năm gần đây đã nâng đáng kể mức chi cho quốc phòng, song vẫn chưa đạt mục tiêu 2% của NATO và kém xa mức chi 3,4% GDP cho quốc phòng của Mỹ. Đây cũng là một phần lý do khiến Tống thống Trump vừa thông báo quyết định rút bớt binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức.

Cũng liên quan đến vấn đề quốc phòng, quân đội Đức đã quyết định ngừng kế hoạch hiện đại hóa các máy bay tuần tra biển, và toàn bộ 8 chiếc máy bay loại này sẽ bị loại biên muộn nhất trong 5 năm tới thay vì kế hoạch đến năm 2035. Berlin dự định tìm kiếm những mẫu máy bay tuần tra biển mới để thay thế cho phi đội này.

Trang tin NTV ngày 16/6 dẫn một tài liệu mật của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ hủy kế hoạch nâng cấp các máy bay tuần tra biển do những “rủi ro về mặt kỹ thuật và tài chính”, và cân nhắc phương án mua mới thay cho những máy bay cũ. Quyết định này được Bộ Quốc phòng Đức đưa ra sau một nghiên cứu khả thi về kinh tế liên quan đến kế hoạch hiện đại hóa số máy bay tuần tra biển. Tuy nhiên, do nhu cầu thiết yếu đối với hoạt động tuần tra biển và săn ngầm, Bộ Quốc phòng Đức đang tiến hành nghiên cứu khả năng mua những loại máy bay hiện có trên thị trường, trong đó có C-295 MPA của Airbus, RAS 72 của tập đoàn Rheinland Air Service và P-8A Poseidon của Boeing.

Với kế hoạch trên, các máy bay trinh sát biển P-3C Orion của Lockheed Martin sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025, thay vì đến năm 2035 như dự kiến ban đầu. P-3C Orion có tầm hoạt động 2.700 km và được trang bị ngư lôi săn ngầm. Tại vùng Sừng châu Phi, quân đội Đức đã sử dụng máy bay P-3C Orion để tuần tra các khu vực biển, theo dõi hải tặc, bảo vệ các tàu buôn và cung cấp hàng cứu trợ cho Somalia theo sứ mệnh của Liên minh châu Âu (EU).

Mạnh Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/duc-tien-gan-hon-muc-tieu-chi-cho-quoc-phong-cua-nato-20200617075524245.htm