Đức-Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề địa chiến lược

Quan hệ Berlin-Ankara luôn được ưu tiên trong chiến lược của hai nước...

Đặc biệt, trong gần 4 nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hết sức coi trọng mối quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu luôn có nhiều biến động và có thời điểm được coi là “không thân thiện”, nhưng Ankara vẫn có mối quan hệ chiến lược nồng ấm và ổn định lâu dài với một ‘ông lớn’ châu Âu là Đức.

Mối quan hệ mật thiết giữa hai nước được bắt nguồn từ hơn 100 năm trước, khi hai nước là thành viên Liên minh Trung tâm trong Thế chiến I.

Trong Thế chiến II, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ismet İnönü cũng đã ký một hiệp ước hữu nghị với Đức Quốc xã và chỉ đến khi Đồng minh gây áp lực rất mạnh với Ankara, chỉ vài tháng trước khi chiến tranh kết thúc năm 1945, thỏa thuận mới bị hủy bỏ.

Năm 1961, Berlin và Ankara đã ký một hiệp ước thiết lập một chương trình xuất khẩu lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động phổ thông trong nền kinh tế đang bùng nổ của Đức.

Hiệp ước này dẫn đến thực trạng hiện nay, khoảng 4 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức, trở thành cộng đồng người di cư lớn nhất của đất nước.

Quan hệ Đức- Thổ Nhĩ Kỳ chứa nhiều lợi ích địa chiến lược

Quan hệ Đức- Thổ Nhĩ Kỳ chứa nhiều lợi ích địa chiến lược

Đức luôn giúp Thổ trên trường quốc tế

Từ khi Thủ tướng Angela Merkel lên nắm quyền cách đây 15 năm, mối quan hệ song phương giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ đã được thúc đẩy chưa từng có, trùng hợp với thời điểm ông Recep Tayyip Erdogan đảm nhận vị trí Thủ tướng vào năm 2003.

Ông Erdogan đã chuyển đổi hệ thống chính trị của đất nước thành chính thể tổng thống và đã giữ cương vị này kể từ năm 2014 đến nay.

Hai nhà lãnh đạo này đã hình thành quan hệ đối tác chính trị chiến lược Đức-Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

Khi Ankara leo thang tranh chấp năng lượng ở đông Địa Trung Hải, Đức đã làm trung gian giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên Liên minh châu Âu là Hy Lạp và Síp.

Đó là một sự kiện hiếm hoi khi một quốc gia thủ lĩnh EU phân xử một cuộc xung đột giữa các thành viên của khối và một nước không phải là thành viên.

Trong các cuộc đụng độ gần đây ở vùng lãnh thổ ly khai của Azerbaijan là Nagorno-Karabakh, theo các nhà quan sát nhận định, Berlin đã đưa ra lời lên án chiếu lệ về thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Đức đã tạo ra một thứ gì đó như một chiếc ô ngoại giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong EU, với hy vọng cuối cùng sẽ được trao quyền đồng chủ tịch của Nhóm Minsk.

Quan hệ kinh tế-quân sự

Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 30,4 tỷ euro vào năm 2019, với Berlin là một trong những đối tác kinh doanh hàng đầu của Ankara.

Hiện nay, có tới hơn 7.500 công ty Đức đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Europipe GmbH - công ty cung cấp ống cho tuyến đường ống dẫn khí đốt Turkstream.

Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu vào năm 2015, khi ông Erdogan đưa gần một triệu người tị nạn đến Đức, công ty ô tô Volkswagen của Đức đã bán được hơn 107.400 chiếc xe hơi cho Thổ Nhĩ Kỳ - con số cao nhất kể từ năm 2002 – khi ông Erdogan thắng cử trong cuộc bầu cử lập pháp.

Một hãng xe hơi khổng lồ khác của Đức là Mercedes cũng duy trì một cơ sở sản xuất xe buýt ở Istanbul và đang hoạt động rất tốt.

Mức độ hợp tác trong buôn bán vũ khí cũng rất đáng kể trong những năm gần đây. Ankara hiện là nhà nhập khẩu vũ khí Đức hàng đầu trên thế giới. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu vũ khí từ Đức trị giá hơn 250 triệu euro - con số cao nhất kể từ năm 2005, khi bà Merkel lên nắm quyền.

Đức đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là mũi nhọn của quân đội nước này trong các cuộc chiến ở Libya, Syria và Nagorno-Karabakh vừa qua. Các đầu đạn tên lửa lắp trên UAV Thổ Nhĩ Kỳ chính là do nhà chế tạo vũ khí TDW của Đức sản xuất.

Trong một báo cáo chính thức, Chính phủ Đức đã cấp 33 giấy phép xuất khẩu hàng hóa để sản xuất tên lửa sử dụng trên máy bay vũ trang không người lái Thổ Nhĩ Kỳ. Các loại tên lửa này được sản xuất bởi công ty nhà nước Roketsan, một doanh nghiệp có liên hệ chặt chẽ với gia đình ông Erdogan.

Gắn bó về dân cư và tôn giáo

Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức có ảnh hưởng rất lớn đối với cả hai nước. Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ khổng lồ ở Đức được coi là khu vực bầu cử lớn thứ tư ở Thổ Nhĩ Kỳ (thực tế cho thấy, có tới 1,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức đủ điều kiện bỏ phiếu và hơn 2/3 trong số họ đã bỏ phiếu cho ông Erdogan trong cuộc bầu cử vừa qua).

Với gần 4 triệu người, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cũng có tiếng nói rất quan trọng trên chính trường và tác động lớn đến các cuộc bầu cử ở Đức. Ứng viên nào có “chính sách ngọt ngào” với chính quyền Ankara luôn nhận được hàng triệu phiếu từ người Đức gốc Thổ.

Về tôn giáo, Liên minh Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ là con bài quan trọng nhất của ông Erdogan, vì tổ chức này quản lý khoảng 3.000 nhà thờ Hồi giáo, tức là một phần ba tổng số nhà thờ Hồi giáo ở Đức, trong đó có nhà thờ Hồi giáo lớn nhất nước Đức.

Do đó, Tổ chức này nhận được sự ưu ái không chỉ của Đức (hàng năm nhận được hàng trăm nghìn euro tài trợ từ chính phủ Đức, mà còn của cả Thổ Nhĩ Kỳ). Minh chứng rõ nét là Tổng thống Erdogan đã đích thân tham dự lễ khai trương nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đức ở Cologne vào năm 2018.

Đức cũng là đạo diễn cho thỏa thuận về người tỵ nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu, một thỏa thuận mà Ankara đã đồng ý để đổi lấy các lợi ích tài chính.

Đức-EU có thể thay đổi chính sách với Thổ Nhĩ Kỳ

Nhiệm kỳ thứ tư của bà Angela Merkel sẽ kết thúc sau một năm nữa và bà đã tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5.

Theo các chuyên gia của châu Âu, sự rời bỏ chính trường của nữ Thủ tướng Đức rất có thể sẽ dẫn tới sự thay đổi trong hoạch định chiến lược của Đức, trong đó có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã xuất hiện những thay đổi đáng chú ý trong giới tinh hoa chính trị ở Berlin đối với Ankara, đặc biệt là nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục kích động trong các cuộc tranh chấp trên khắp thế giới.

Bên cạnh những cuộc phiêu lưu chính trị phải trả giá cả ở trong và ngoài nước, một yếu tố chính khác là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã chững lại và đồng lira đang rơi tự do.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/duc-tho-nhi-ky-va-van-de-dia-chien-luoc-3423199/