Đức Thịnh 'Sơn sọ' bồi hồi nhớ lại cảm giác 'ngôi sao' khi đóng 'Đội đặc nhiệm nhà C21'

'Năm 1998, cứ chiếu xong một tập phim là mấy đứa C21 lại hẹn nhau đạp xe diễu khắp phố để cảm nhận sự nổi tiếng. Thấy đám trẻ con cứ trầm trồ ồ à rồi đuổi theo phía sau là bọn tôi lấy làm khoái trá lắm. Cảm giác ngây ngô là đang được yêu, được ngưỡng mộ', diễn viên Đức Thịnh vai 'Sơn sọ' nhớ lại.

Hơn 20 năm tham gia nghệ thuật nhưng đến nay dấu ấn lớn nhất của anh vẫn là vai diễn Sơn "sọ" trong "Đội đặc nhiệm nhà C21". Cảm xúc của anh bao nhiêu năm gần đây được nhắc lại, anh thấy thế nào?

Những ngày qua, sự quan tâm của khán giả làm tôi sống lại như thời Sơn Sọ của "Đội đặc nhiệm nhà C21" - cảm giác hai mươi mấy năm rồi mới gặp lại. Với tôi đó là bộ phim "bước đệm" để tôi đến với nghệ thuật, với điện ảnh.

Nhớ lại cái duyên đưa tôi đến với phim cũng rất hài hước. Thời điểm đó một người cô của tôi làm ở lĩnh vực sân khấu nói về buổi casting. Nhưng tôi lại nhầm địa điểm, thay vì đi tới hãng phim truyện, tôi lại đi nhầm sang đài truyền hình. Khi ê kíp tuyển chọn xong xuôi và ngồi uống nước ở một quán cà phê gần đấy, tôi bèn đi ra ăn vạ. Tôi cứ đứng đấy nói: "Các chú mà không cho cháu casting, cháu không về đâu". Thế là các bác cho cơ hội và tôi là người được chọn.

Thời điểm Đức Thịnh nhận vai Sơn "sọ" anh mới học lớp 10

Thời điểm Đức Thịnh nhận vai Sơn "sọ" anh mới học lớp 10

"Đội đặc nhiệm nhà C21" là kỷ niệm tuổi thơ của cả thế hệ 8X đầu 9X. Chắc hẳn anh còn nhớ "độ nổi tiếng" của mình khi đó?

Nói ra thì sợ lại bảo "ăn mày dĩ vãng" nhưng đúng là thời đó được nổi tiếng với mấy đứa trẻ bọn tôi là niềm vui, tự hào ngô nghê lắm.

Năm 1998, cứ chiếu xong một tập phim là mấy đứa C21 lại hẹn nhau đạp xe diễu khắp phố để cảm nhận sự nổi tiếng. Thấy đám trẻ con cứ trầm trồ ồ à rồi đuổi theo phía sau là bọn tôi lấy làm khoái trá lắm. Cảm giác ngây ngô là đang được yêu, được ngưỡng mộ. Nhất là khi đám bọn tôi bước vào quán chè, được ăn miễn phí, được nhiều người nhìn theo là sướng lắm.

Ngày đó nhiều quán xá mời bọn tôi đến ăn đến chơi, ăn uống miễn phí vì bọn tôi ở đâu là kéo theo nhiều trẻ con đến đó. Thời đó đơn giản thế thôi chứ như bây giờ là thương mại lắm đó (cười)

Nhưng nghe nói thời điểm đó, bố anh không ủng hộ con trai tham gia nghệ thuật?

Ban đầu, gia đình nghĩ tôi là trẻ con nên không bận tâm. Sau này, khi tôi nghiêm túc theo đuổi nghệ thuật, bố mẹ tôi phản đối.

Thực ra là bố mẹ đang kinh doanh máy khâu rất thành công nên muốn các con nối nghiệp. Thế nhưng, trong khi anh trai tôi theo thể thao thì tôi lại theo nghệ thuật khiến bố tôi không hài lòng.

Cũng nhiều lần bố bắt tôi ngồi sửa máy khâu khiến đầu tôi nảy ra suy nghĩ bản thân đang là diễn viên nổi tiếng mà lại nhem nhuốc với máy móc, dầu mỡ không được. Như thế là "tổn thương" con đường nghệ thuật nên tôi xách đồ bỏ đi. Cũng nhiều lần bỏ nhà ra đi như thế lắm nhưng chỉ đi 3-4 ngày lại về vì không chỗ nào "chứa" mình nữa thì mình đành phải về.

Lâu dần thì các cụ kiểu "chán chẳng buồn nói nữa", chứ đến giờ các cụ vẫn chưa hài lòng với lựa chọn nghệ thuật của tôi. Thực tế đã chứng minh đến giờ tôi vẫn lận đận với nghề nghiệp. Bao nhiêu năm vẫn chưa khẳng định được gì.

Hình ảnh hiện tại của "Sơn sọ" Đức Thịnh

May mắn nhận vai và may mắn nổi tiếng, có phải sự dễ dàng đó khiến anh tự mãn mà không giữ được hào quang?

Không phải tự mãn mà tuổi thơ non nớt, hồi đó là hè lớp 10 chuẩn bị lên lớp 11, tôi cứ nghĩ đơn giản rằng như thế là nổi tiếng rồi và cứ thế là nổi tiếng mãi. Hồi đó trẻ con ngây thơ chứ không phải kiểu tinh tướng đâu.

Tôi cho rằng nghệ thuật mà để nổi tiếng chỉ cần may mắn với đam mê là đủ. Thế nên, lúc đó thay vì thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi quay sang thi ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Thi được vòng đầu, tới vòng hai thì tôi ngủ quên. Từ đó con đường học hành để được đào tạo một cách chỉn chu, bài bản về diễn xuất hay nghệ thuật đều dừng lại.

Sau bao nhiêu năm tôi nghiệm ra rằng, ngay cả với những nghệ sĩ tên tuổi gạo cội, họ cũng phải qua trường lớp đào tạo căn bản cộng với năng khiếu để phát triển bản thân. Cho đến giờ, tôi nhận ra sai lầm lớn nhất của tôi là không đi học.

Nhưng anh có từng nghĩ sự nghiệp bấp bênh là do anh "tham" nhiều việc một lúc?

"Một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Tôi hiểu câu nói đấy cách đây vài năm. Về nghệ thuật, mỗi thứ tôi biết một tí. Đó là cái giới hạn khiến tôi không thể và không biết nên tập trung vào thứ gì.

Kinh doanh vẫn là ngành nghề thực tế hơn nghệ thuật, khó khăn với nghệ thuật như thế sao anh không quay lại với nghề gia truyền?

Éo le ở chỗ là đến khi muốn kinh doanh cũng không được nữa vì sau khi con trai không kế nghiệp, bố tôi cũng bỏ nghề. Trong khi đó, nghệ thuật đã ăn vào máu tôi. Nếu từ bỏ nốt nghệ thuật thì coi như tôi mất trắng. Tôi không phải người thất bại trong nghệ thuật, tôi chỉ là người không có nền móng. Những tác phẩm tôi sáng tác vẫn có người sử dụng, vẫn nhận được tiền bản quyền, như "Trăm năm không", "Sao em mãi khóc", "Người không biết yêu",... chẳng hạn.

Có lẽ vẫn còn nguyên tình yêu với nghệ thuật nên mặc dù đối diện với bệnh tật anh vẫn tiếp tục đam mê đem âm nhạc lan tỏa gây quỹ cho bệnh nhân như mình?

Đến hiện tại, tôi muốn tử tế hơn với nghệ thuật. Tôi cần là nghiêm túc với nghệ thuật để ổn định cuộc sống chứ tôi không cần sự nổi tiếng nữa.

Ngoài ra, suốt thời gian mấy tháng điều trị vừa qua, tôi sống cùng phòng với nhiều bệnh nhân ung thư nghèo, thậm chí chứng kiến nhiều bệnh nhân biết ung thư thì khóc nức nở và bỏ về vì không có tiền chữa bệnh nên quyết định làm chương trình gây quỹ giúp đỡ.

Diễn viên Đức Thịnh và ca sĩ Quang Hà trong đêm diễn gây quỹ cho bệnh nhân ung thư

Với sự mạnh mẽ của anh thời gian qua đã khiến nhiều khán giả cũng như nhiều nghệ sĩ showbiz được truyền cảm hứng. Chắc hẳn đêm nhạc gây quỹ đầu tiên "Tình K tháng 7" đã rất thành công?

Thực sự cảm ơn rất nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng như khán giả đã gửi lời động viên an ủi cho tôi và các bệnh nhân K. Từng sự hỗ trợ đều rất đáng quý với những người bệnh. Tôi nhớ có bạn chuyển khoản ủng hộ đêm nhạc 200 nghìn đồng và số dư còn lại 5 nghìn đồng.

Tôi tự nhận thấy mình may mắn hơn các bệnh nhân K khác khi vẫn được sự quan tâm của bạn bè đồng nghiệp và chi phí điều trị bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Chính vì thế, sau đêm nhạc gây quỹ đầu tiên, nhận được hơn 50 triệu đồng tiền ủng hộ từ các "Mạnh Thường Quân", tôi cùng vợ đã theo danh sách của Phòng Công tác xã hội Viện K trao tận tay các trường hợp khó khăn. Tôi tự nhắc bản thân phải lạc quan để điều trị bệnh và để có thể thực hiện nhiều điều ý nghĩa hơn thế.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/duc-thinh-son-so-boi-hoi-nho-lai-cam-giac-ngoi-sao-khi-dong-doi-dac-nhiem-nha-c21-20200706190925747.htm