Đức tham gia dự án xe chiến đấu bộ binh tương lai của Mỹ

Tập đoàn sản xuất quốc phòng Rheinmetall (Đức) và đối tác Raytheon (Mỹ) sẽ cùng giới thiệu mẫu Lynx KF41 tham gia vào chương trình trang bị cho xe chiến đấu tự hành (OMFV) của Lục quân Mỹ.

Theo đó, một liên doanh giữa 2 hãng, được đặt tên là Raytheon Rheinmetall Land Systems LLC và có trụ sở tại thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ), sẽ nộp hồ sơ đấu thầu lên Bộ Quốc phòng Mỹ trước hoặc trong ngày 1-10-2019.

OMFV là một chương trình trọng điểm của Lục quân Mỹ với mục đích tìm kiếm và biên chế một dòng xe chiến đấu bộ binh hiện đại dự kiến từ năm 2026 để thay thế xe bọc thép M2 Bradley hiện nay.

 Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41. Ảnh: Rheinmetall.

Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41. Ảnh: Rheinmetall.

Theo ông Sam Deneke, Phó chủ tịch phụ trách về mảng Hệ thống tác chiến mặt đất của Raytheon, dự án này mở rộng cho cả các công ty nước ngoài nhưng phương tiện thắng thầu sẽ phải “được sản xuất ở Mỹ bởi những người thợ Mỹ”.

Trong khi đó, ông Ben Hudson, người đứng đầu bộ phận Hệ thống xe của Rheinmetall khẳng định rằng, dòng xe Lynx của hãng sẽ đem đến cho Lục quân Mỹ một khả năng tác chiến tuyệt vời, cho phép họ có thể sẵn sàng đương đầu và chiến thắng những mối đe dọa trong nhiều thập kỷ tới.

Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41 bắn thử pháo 30mm. Ảnh: Rheinmetall.

Lynx được giới thiệu vào năm 2016 và là một sản phẩm của Đề án Nền tảng chiến đấu chủ lực tương lai (MGCS) với sự tham gia của các nước châu Âu, trong đó Rheinmetall chịu trách nhiệm chính.

Xe có 2 cấu hình khác nhau là Lynx KettenFahrzeug 31 (KF31) và KettenFahrzeug 41 (KF41). Trong đó, Lynx KF31 có trọng lượng 35 tấn và khả năng chở theo 6 binh sĩ, còn KF41 được bọc giáp tốt hơn, nặng tới 45 tấn với khả năng chở theo 8 binh sĩ.

Xe bọc thép M2 Bradley của Lục quân Mỹ. Ảnh: Army Recognition.

Mẫu thiết kế dành cho biến thể xe cứu thương của Lynx. Ảnh: Rheinmetall.

Với kíp lái 3 người, Lynx sử dụng cơ cấu bánh xích địa hình cùng kết cấu đáy kép dạng V-hull để nâng cao khả năng kháng mìn và có thể lắp thêm các khối giáp bổ sung dạng module để tăng cường khả năng bảo vệ.

Về hỏa lực, Lynx trang bị tháp chiến đấu điều khiển từ xa Lance với pháo bắn nhanh 30mm hoặc 35mm nhưng cũng có thể trang bị pháo 50mm (đây là một trong những yêu cầu của chương trình OMFV của Lục quân Mỹ). Ngoài ra, module chiến đấu này còn được trang bị súng máy 7,62mm điều khiển từ xa và khối phóng 2 đạn tên lửa chống tăng Spike LR2 ATGM (hoặc khối phóng máy bay không người lái UAV cỡ nhỏ).

Khi hợp tác với Raytheon, Lynx sẽ được tích hợp những vũ khí, khí tài hàng đầu của hãng này như tên lửa chống tăng TOW, hệ thống phòng thủ chủ động APS, kính ngắm thế hệ thứ ba, UAV Coyote, và hệ thống điện tử hiện đại...

Clip giới thiệu về Lynx KF41. Nguồn: Defense Update.

Dựa trên nền tảng của Lynx, nhà sản xuất còn thiết kế phương tiện này thành nhiều biến thể như: Xe bọc thép chở quân, xe trinh sát, xe chỉ huy, xe cứu kéo, xe cứu thương...

HỮU ĐÔ (theo Rheinmetall Defence)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/duc-tham-gia-du-an-xe-chien-dau-bo-binh-tuong-lai-cua-my-592398