Đức - Tấm gương về chuyển đổi năng lượng

Là quốc gia đông dân nhất châu Âu, Đức thường xuyên được coi như một tấm gương trong nhiều lĩnh vực, năng lượng tái tạo cũng không phải là ngoại lệ.

Tham vọng chuyển đổi năng lượng

Sau Hội nghị về biến đổi khí hậu Paris năm 2015, Chính phủ Đức đưa ra Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm 2050 (Klimaschutzplan 2050), trong đó có một phần của chương trình chuyển đổi năng lượng mà chính quyền Berlin đã khởi đầu từ năm 2011 với những tham vọng lớn: Energiewende. Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm 2050 đặt ra 15 mục tiêu đầy tham vọng, trong đó có 6 mục tiêu chính:

1. Lượng khí thải CO2 giảm 40% vào năm 2020; giảm 55% vào năm 2030; giảm 80% vào năm 2050.

2. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hỗn hợp điện: 35% vào năm 2020; 50% vào năm 2030; 80% vào năm 2050.

3. Tiêu thụ năng lượng sơ cấp (hóa thạch): giảm 20% vào năm 2020.

4. Tiêu thụ điện: giảm 10% vào năm 2020.

5. Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải: giảm 10% vào năm 2020.

6. Xe điện: 1 triệu chiếc vào năm 2020; 6 triệu chiếc vào năm 2030.

Năng lượng tái tạo ở Đức

Năng lượng tái tạo ở Đức

Theo các chuyên gia, ngoài mục tiêu năng lượng tái tạo, nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua, có thể sẽ vượt quá 35% trong hỗn hợp điện vào năm 2020, còn lại không có mục tiêu nào trong 6 mục tiêu trên có thể đạt được. Văn phòng tư vấn McKinsey, nắm giữ các thông số hằng quý về 15 mục tiêu của Energiewende, thậm chí nói rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, có 11 trong số 15 mục tiêu trên lùi xa đích đến.

Mặc dù lượng khí thải CO2 đã giảm 26% kể từ năm 1990 (còn xa mới đạt mức 40% được công bố vào năm 2020), nhưng McKinsey báo cáo rằng, lượng khí thải CO2 đã tăng 6,3% trong giai đoạn 2014-2018.

Mục tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo gần như đạt được nhờ chính sách trợ cấp lớn, tạo nhiều công ăn việc làm. Trong các năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Một bước quan trọng khác trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức là từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022, đang được tiến hành rất tốt và phần lớn được người dân và các đảng chính trị khác nhau ủng hộ. Quá trình này đã tăng tốc sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Năng lượng hạt nhân chiếm 25% sản lượng điện của Đức trước năm 2011, 14% năm 2016 và 12% hiện nay. Việc vươn tới mục tiêu này có thể sẽ bị chậm vài năm nhưng chắc chắn sẽ đạt được.

Mặc dù điện gió và mặt trời đang phát triển với tốc độ cao, tạo ra nhiều năng lượng hơn trong hỗn hợp năng lượng, tuy nhiên, Đức vẫn là nước gây ô nhiễm lớn nhất ở châu Âu về phát thải CO2.

Than được sử dụng tới 58% (nguồn Khu vực kinh tế châu Âu - EEA) trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng, phần lớn là than đen rất ô nhiễm (than non).

Khó khăn còn ở phía trước

Đức đã cố gắng trở thành quốc gia lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở châu Âu, nhưng thường bị chỉ trích vì phát thải CO2. Đức gây ô nhiễm gấp đôi so với Anh, gấp 3 lần so với Pháp.

Kể từ đầu năm 2018, một ủy ban gồm 30 chuyên gia, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp và đại diện công đoàn đã cùng nhau thực hiện một kế hoạch thoát khỏi than đá ở Đức.

Nhưng vấn đề của ngành than ở Đức rất khó giải quyết, bằng chứng là kết luận của ủy ban này đã bị hoãn lại nhiều lần vì những khác biệt nội bộ. Cần phải nhớ rằng, không chỉ có vấn đề sinh thái mà còn có vấn đề chính trị và kinh tế.

Việc thoát ra khỏi than càng phức tạp hơn khi Đức quyết tâm đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy điện hạt nhân của mình, do đó đã tước đi nguồn năng lượng có thể sản xuất quanh năm. Tiến trình chuyển đổi năng lượng của Đức đang gặp 3 trục trặc lớn: Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo không thể lưu trữ và không thể kiểm soát được; sự tranh đấu giữa ôtô truyền thống sử dụng năng lượng hóa thạch với xe điện và vai trò của than trong nền kinh tế Đức.

Giao thông vận tải vẫn là một điểm đen, chiếm 30% năng lượng cuối cùng được tiêu thụ ở Đức, chủ yếu dưới dạng năng lượng hóa thạch. Người Đức từ lâu đã chống lại các tiêu chuẩn khí thải CO2 mà Ủy ban châu Âu (EC) muốn áp đặt cho các phương tiện giao thông và vào tháng 4-2017, người Đức vẫn từ chối sự kiểm soát của các cơ quan Liên minh châu Âu (EU).

Vụ bê bối “gian lận động cơ” của Volkswagen và vụ móc ngoặc giữa các nhà sản xuất xe hơi Đức về gian lận khí thải đã làm rúng động toàn bộ ngành ôtô Đức, nguồn gốc sự giàu có của nước Đức.

Việc thoát khỏi than đang đặt ra vấn đề an ninh nguồn cung trong dài hạn cho nước Đức. Nhưng trong ngắn hạn, Đức cũng bị đe dọa bởi một lượng đáng kể năng lượng tái tạo không liên tục làm suy yếu hệ thống điện. Đại học Düsseldorf trong báo cáo năm 2018 đã đặt ra mối đe dọa “mất điện” cho toàn nước Đức.

Việc hấp thụ một lượng lớn năng lượng không liên tục đã trở thành vấn đề quan ngại, vì khả năng lưu trữ gần như không tồn tại hoặc quá ít. Do đó, tình trạng sản xuất thừa là thường xuyên, đôi khi tạo ra giá âm trên thị trường bán buôn điện.

Nhưng trên hết, các dòng điện khác nhau đe dọa sự ổn định của hệ thống điện, buộc các nhà khai thác lưới điện phải thường xuyên sử dụng các biện pháp đặc biệt như “redispatching” (điều phối lại), trong đó bao gồm việc ngừng năng lượng tái tạo khi mạng lưới điện không thể tải được chúng hoặc nhu cầu không tiêu thụ hết. Các chi phí từ những biện pháp này khiến giá điện đội lên rất cao.

Ngược lại, trong trường hợp không có gió và mặt trời, tình hình thiếu điện có thể trở nên rất căng thẳng như từng diễn ra vào tháng 1-2017. Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp và mức nước trong các đập thủy điện ở Thụy Sĩ và Áo xuống thấp đã làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, ngăn Đức lấy năng lượng từ các nước láng giềng khi năng lượng tái tạo không sản xuất đủ.

Đức đã không gặp sự mất điện đáng kể nào từ tháng 11-2006 và chất lượng nguồn cung điện nói chung vẫn rất tốt. Tuy nhiên, dân chúng đang bắt đầu cảm thấy lo ngại.

Việc trao đổi năng lượng giữa Đức với nước ngoài tăng về khối lượng và tần suất và như thế, sự ổn định mạng lưới điện của Đức đang dựa vào các nước láng giềng.

Vì là quốc gia lớn nhất châu Âu, Đức phải làm gương trong nhiều chuyện và đã bắt đầu một bước ngoặt trong chính sách năng lượng của mình, đó chính là Energiewende. Kế hoạch này kêu gọi ngừng hoạt động năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch, thay thế chúng bằng hỗn hợp bao gồm hầu hết các năng lượng tái tạo, với mục đích gần như loại bỏ carbon ra khỏi toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050. Hiện nay, sự phát triển năng lượng tái tạo ở Đức đang phát triển nhanh chóng và hiện chiếm 1/3 sản lượng điện.

Mặc dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, Đức sẽ không thể đáp ứng các mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2020.

Trên thực tế, hiệu quả năng lượng ở Đức đang cải thiện quá chậm, giao thông vận tải tiếp tục sử dụng dầu mỏ và các nhà máy điện vẫn đốt than.

Nhưng điều đáng lo ngại nhất trong ngắn hạn có lẽ là sự an toàn của nguồn cung, bởi vì mạng lưới điện của Đức ngày nay đã bị suy yếu bởi các dòng điện không kiểm soát và không liên tục khi điện mặt trời và điện gió ngừng hoạt động vào thời điểm không có gió và ánh nắng mặt trời.

Một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức là từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Quá trình này đã tăng tốc sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Năng lượng hạt nhân chiếm 25% sản lượng điện của Đức trước năm 2011, 14% năm 2016 và 12% hiện nay.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/duc-tam-guong-ve-chuyen-doi-nang-luong-543432.html