Đức sẽ miễn cường tuần tra Hormuz?

Đồng minh châu Âu của Mỹ chấp nhận tuần tra Vịnh Ba Tư để... lấy lệ.

Phó Phát ngôn viên Chính phủ Đức Ulrike Demmer ngày 31/7 tuyên bố Đức không loại trừ thực hiện nhiệm vụ hải quân để đảm bảo an ninh ở eo biển Hormuz với các nước châu Âu khác.

Anh lập liên minh hải quân châu Âu để đe dọa Iran ở Vịnh Ba Tư?

Anh lập liên minh hải quân châu Âu để đe dọa Iran ở Vịnh Ba Tư?

"Về nguyên tắc, chính phủ coi đề xuất về một nhiệm vụ hải quân vẫn đáng để đề cập. Đó là liên hệ với các đối tác châu Âu, với Pháp và Vương quốc Anh trên hết" - ông Demmer cho biết.

Tuyên bố đưa ra sau khi ở Đức đã có các tranh cãi về việc liệu châu Âu có cần tham gia vào một Hạm đội Hải quân đến tuần tra thường xuyên ở Vịnh Ba Tư không.

Viễn cảnh các tàu chiến Đức được cử đi tuần tra eo biển Hormuz đã gây ra một cuộc tranh luận ở Berlin. Các nhà phê bình phản đối lại một chiến dịch tiềm năng do Mỹ và Vương quốc Anh lãnh đạo.

Những người ủng hộ kế hoạch tuần tra do London đề xuất nói rằng Đức nên tham gia vì vấn đề này là một phần của thương mại toàn cầu.

Cựu đặc phái viên Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nói với tờ Die Welt: "Hiếm có quốc gia nào phụ thuộc vào việc tự do vận chuyển quốc tế như 'nhà vô địch xuất khẩu' Đức. Điều đó nói rằng, người Đức không nên đứng bên lề".

Chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp có ảnh hưởng của Đức cũng đồng thuận với quan điểm này và cho đó là một câu hỏi về sự đoàn kết giữa những thành viên châu Âu.

Nhưng Sev Dagdelen, một nghị sĩ cánh tả nói với tờ Deutsche Welle rằng: "Đức không nên bước vào cái bẫy của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson, để mình bị dẫn đến một cuộc xung đột hoặc là một bên bị động trong cuộc chiến chống lại Iran".

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh chính trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, cũng không có ý kiến gì về ý tưởng này.

Karl-Heinz Brunner, một thành viên SPD và cũng kiêm nhiệm vị trí trong ủy ban quốc phòng của quốc hội Đức, nói rằng trong khi vận tải biển là quan trọng, việc đảm bảo an toàn cho nó có thể được thực hiện thông qua ngoại giao.

"Trong tình hình hiện tại, các lựa chọn quân sự có thể góp phần gây mất ổn định hơn nữa" - ông Brunner cảnh báo.

Một ngày sau khi các tranh cãi nổ ra trên báo chí Đức, Đại sứ quán Mỹ tại Berlin đã tuyên bố với hãng tin DPA rằng, Washington đã chính thức yêu cầu Đức bắt tay vào nhiệm vụ "chống lại sự xâm lược" của Iran.

Đại sứ quán Mỹ tuyên bố rằng "Chính phủ Đức phải hiểu rõ rằng cần phải thực thi bảo vệ tự do hàng hải... Câu hỏi của chúng tôi là, nó sẽ được bảo vệ bởi (những) ai?".

Trước sức ép như vậy, lời tuyên bố từ Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho thấy quan điểm vẫn chưa thực sự rõ ràng của Đức trong vấn đề đưa sức mạnh châu Âu để áp chế Iran.

Trong tình huống bị thúc ép phải thực hiện tuần tra ở Vịnh Ba Tư, đó cũng có thể chỉ là bình phong hoặc các hoạt động hình thức.

Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh và Mỹ đã liên tục hối thúc châu Âu hành động mạnh mẽ hơn với Iran.

Ngày 31/7, William King, Chỉ huy tàu chiến HMS Montrose của Anh đang hộ tống các con tàu thương mại treo cờ Anh đi qua Eo biển Hormuz đã phát đi tuyên bố mang tính cảnh báo: "Người Iran muốn thử thách quyết tâm của chúng ta, thử thách phản ứng của chúng ta trong mọi thời điểm. Họ sẽ khẳng định rằng có lẽ sự hiện diện của chúng ta là phi pháp, thậm chí ngay cả khi chúng ta hoàn toàn ở trong vùng hải phận quốc tế một cách hợp pháp. Họ cũng có thể chạy xuồng tốc độ cao hướng về chúng ta để thử xem mức độ cảnh báo của chúng ta như thế nào."

Ý tưởng thành lập một hạm đội hải quân chung của Châu Âu đến làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải ở Eo biển Hormuz – nơi nối giữa vùng Vịnh Persian với Ấn Độ Dương được đưa ra từ cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt.

Sau khi công bố ý tưởng này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói rằng, Berlin sẽ cân nhắc việc tham gia vào đội quân chúng nói trên một khi có sự “rõ ràng” về cơ chế.

Còn Pháp, Italia và Đan Mạch được cho là đều bày tỏ mong muốn tham gia vào hạm đội hải quân chung của Châu Âu.

Sự phân chia quan điểm đối với Iran ở châu Âu đã hiện hữu rõ. Nhưng thực chất, hạm đội hải quân của châu Âu sẽ thực hiện việc tuần tra như thế nào. Chỉ "giễu võ dương oai" hay sẽ thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn?

Mới đây, phát ngôn viên của Chính phủ Iran cảnh báo, lời đề nghị cử hạm đội châu Âu đến Vịnh Ba Tư của Anh “mang đến một thông điệp thù địch” và sẽ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng.

"An ninh ở khu vực nên được duy trì bởi chính các quốc gia ở Vùng Vịnh, chứ không phải các thế lực bên ngoài" - ông Rabiei nhấn mạnh.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/duc-se-mien-cuong-tuan-tra-hormuz-3384827/