Đức sẽ cấm sử dụng thuốc diệt cỏ dại glyphosate vào cuối năm 2023

Loại hóa chất này được cho là có thể giết chết các quần thể côn trùng và có khả năng gây ung thư ở người.

Glyphosate được bán dưới tên thương mại Roundup, đã bị cấm hoặc hạn chế ở một số quốc gia EU. Ảnh: Stephanie Lecocq / EPA

Glyphosate được bán dưới tên thương mại Roundup, đã bị cấm hoặc hạn chế ở một số quốc gia EU. Ảnh: Stephanie Lecocq / EPA

Đức cho biết, sẽ cấm thuốc diệt cỏ dại glyphosate hiện đang gây tranh cãi bởi vì nó quét sạch quần thể côn trùng có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và sự thụ phấn của cây trồng.

Glyphosate cũng bị một số chuyên gia nghi ngờ rằng có khả năng gây ung thư ở người và sẽ bị cấm vào cuối năm 2023 khi thời hạn Liên minh châu Âu (EU) cho phép sử dụng loại hóa chất này nó hết hạn, các bộ trưởng cho biết.

Các nhà sinh vật học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng các quần thể côn trùng giảm mạnh ảnh hưởng đến sự đa dạng loài và làm hỏng hệ sinh thái bằng cách phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên và sự thụ phấn ở các loài thực vật.

Bộ trưởng Môi trường Svenja Schulze, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội trung tả, phát biểu rằng: “Cái gì gây hại cho côn trùng thì cũng gây hại cho con người”. Bà cũng đã cảnh báo mọi người về một tương lai khi trái cây có thể trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ.

“Những gì chúng ta cần chính là có thêm côn trùng,” bà Schulze thêm vào, nhấn mạnh rằng “một thế giới không có côn trùng thì không phải là một nơi đáng sống”.

Các tổ chức làm nông nghiệp và ngành Công nghiệp hóa chất đã vận động hành lang để có thể tiếp tục sử dụng glyphosate, được bán dưới tên thương mại Roundup được sản xuất bởi Monsanto, công ty con của Hãng Bayer.

Bayer phản đối lệnh cấm đơn phương của Đức, cho rằng hóa chất này có thể được sử dụng một cách an toàn và là một công cụ quan trọng để đảm bảo cả tính bền vững và năng suất của nền nông nghiệp.

Sau khi tiếp quản Monsanto vào năm ngoái, Bayer đã bị vùi dập với một làn sóng các vụ kiện cáo buộc loại thuốc diệt cỏ dại do công ty này sản xuất gây ung thư, và phải bồi thường những khoản tiền khổng lồ.

Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức phàn nàn rằng, khi các nhà chức trách EU đang chuẩn bị đánh giá lại việc sử dụng glyphosate vào năm 2022, việc cấm sử dụng glyphosate đã khiến Berlin rơi vào thế đối đầu với luật pháp châu Âu.

Áo đã trở thành thành viên EU đầu tiên cấm sử dụng glyphosate vào tháng 7. Cộng hòa Séc, Ý và Hà Lan cũng đã bắt đầu thực hiện lệnh hạn chế sử dụng chất hóa học nêu trên. Pháp đang lên kế hoạch loại bỏ glyphosate vào năm 2023.

Chính phủ của bà Angela Merkel trình bày kế hoạch của mình sau cuộc tranh luận nội bộ gay gắt giữa bà Schulz và Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Klöckner, thuộc Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu của bà Thủ tướng.

Trong giai đoạn đầu tiên, glyphosate sẽ bị cấm trong năm tới tại các công viên thành phố và trong các khu vườn thuộc sở hữu tư nhân, theo như lộ trình thực hiện chính sách, việc này sẽ tạo cơ sở cho các luật và quy định mới.

Việc sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc diệt côn trùng cũng sẽ bị hạn chế hoặc cấm ở những khu vực có nhiều loài côn trùng như đồng cỏ và vườn cây ăn quả, cũng như dọc các bờ sông và hồ.

Các nhà vận động về môi trường trên toàn thế giới đã nhấn mạnh những rủi ro của việc giảm số lượng côn trùng, lưu ý rằng chúng rất quan trọng đối với việc thụ phấn cho cây - bao gồm cả cây lương thực - và đối với việc làm nguồn thức ăn cho chim và các động vật khác.

Vào tháng hai, một con số kỷ lục 1,75 triệu người ở bang Bavaria, miền Nam nước Đức đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để cứu loài ong, kêu gọi sử dụng ít hóa chất hơn và canh tác theo hướng hữu cơ hơn cũng tạo điều kiện mở rộng và gìn giữ các không gian xanh.

Chiến dịch này đã bị phản đối bởi Hiệp hội Nông nghiệp miền Nam nước Đức, kêu gọi dân chúng dừng việc chỉ trích các nông dân.

Tuy nhiên, Đảng CSU cầm quyền ở Bavaria tuyên bố sẽ biến cuộc trưng cầu dân ý này thành chính sách của Chính phủ.

Lộ trình được trình bày vào thứ tư, trong đó việc chăm sóc động vật mới được giới thiệu bởi bà Klöckner nhằm mục đích giúp người tiêu dùng biết được lợn được nuôi như thế nào....

Tổ chức Germanwatch chỉ trích sáng kiến này, cho rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị lừa dối, ví dụ như bằng cách sử dụng nhãn dán nói trên người tiêu dùng sẽ nghĩ lợn được nuôi ở các nông trại theo phương pháp truyền thống trong khi trên thực tế lại được nuôi nhốt theo hình thức chăn nuôi công nghiệp.

Chính phủ của bà Merkel cũng có kế hoạch dành một phần lớn các khoản trợ cấp dành cho chăn nuôi của EU mà họ nhận được để bảo vệ môi trường và khí hậu, nâng tỷ lệ này từ 4,5% lên 6% vào năm tới.

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/duc-se-cam-su-dung-thuoc-diet-co-dai-glyphosate-vao-cuoi-nam-2023_t114c52n153536