Đức rạn nứt với Mỹ, thận trọng làm ăn với Trung Quốc

Thủ tướng Đức thất vọng về nước Mỹ trước khả năng lãnh đạo toàn cầu.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây chú ý khi bình luận về quan hệ đang dần rạn nứt với Mỹ và quan điểm của Berlin đối với đối thủ của Mỹ: Trung Quốc.

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp G20 năm 2017. Ảnh: Strait Times

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp G20 năm 2017. Ảnh: Strait Times

Trong bài phát biểu trước 6 hãng tin lớn của châu Âu, Thủ tướng Đức đã dành lời khen ngợi về khả năng phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Bà dường như không muốn ủng hộ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cho rằng, sức mạnh và sức hút của Trung Quốc là một thực tế mà thế giới cần phải làm quen.

“Trung Quốc đã trở thành một nhân tố quan trọng toàn cầu. Chúng ta hợp tác với Trung Quốc về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh do hệ thống chính trị khác nhau. Việc không đối thoại với Trung Quốc chắc chắn là ý tưởng tồi tệ” - bà Merkel nói.

Trong khi đó, khi bình luận về Mỹ trong quan hệ với đối tác và là cũng là đồng minh quân sự, Thủ tướng Merkel lại cho rằng, Mỹ đang tự từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ vốn đã hiện hữu trong lịch sử phát triển thế giới. Trước kịch bản trên, mà bà Merkel nghĩ rằng chắc chắn sẽ xảy ra, châu Âu cần có sự chuẩn bị trước, bao gồm cả việc tự lực về khả năng quân sự.

“Mỹ đang tự rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu và các nước châu Âu cần phải chuẩn bị cho tình huống này, bao gồm cả việc tự lực về khả năng quân sự”, bà Merkel nói.

Theo Thủ tướng Đức, xét về chi tiêu quốc phòng, các nước châu Âu đang ngày càng phải chịu nhiều gánh nặng, thậm chí là áp lực hơn cả thời Chiến tranh Lạnh vì “không còn có thể trông cậy vào sự bảo vệ từ Mỹ”.

“Từ trước đến nay, chúng ta đều nghĩ rằng Mỹ sẽ mãi là một siêu cường thế giới. Tuy nhiên, hiện tại nếu Mỹ muốn tự thoái lui thì chúng ta cần có tính toàn về điều đó”, bà Merkel nói.

Thủ tướng Đức nói rằng, bà nhận ra giá trị của khối NATO khi đóng vai trò là “chiếc ô bảo hộ hạt nhân” trong bối cảnh thế giới chứng kiến bất ổn về chính trị và sự trỗi dậy của các cường quốc châu Á như Trung Quốc.

Bà Merkel cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng trở nên “ích kỷ” hơn. Tình hình này trái ngược so với xu hướng đa phương trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Rõ ràng, Thủ tướng Đức đã cho thấy rõ quan điểm rằng, Tổng thống Donald Trump với phương châm "nước Mỹ trên hết" đang làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trên trường thế giới khi các nước châu Âu ngày càng nhìn thâýTrung Quốc như một cơ hội hợp tác làm ăn.

Trung Quốc đang hướng tới châu Âu với tầm cỡ của những đối tác muốn thúc đẩy lợi ích song phương chứ không chỉ riêng bản thân.

Các cuộc điện đàm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã trở nên thường xuyên hơn nhiều so với các cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các chương trình nghị sự, dù là họp trực tuyến do rào cản dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, cũng được tổ chức trong khi Tổng thống Mỹ tích cực vận động hành lang, tweet trên Twitter về cách người Mỹ sẽ làm nếu châu Âu không thực hiện yêu sách này hay cam kết, thỏa ước kia.

Tờ Spiegel của Đức bình luận, Đức và châu Âu đang cố gắng xác định vai trò của họ giữa một đồng minh chính thức đang cư xử ngày càng ít giống như một đối tác và một quyền lực bá quyền độc đoán không thể coi là đối tác là Trung Quốc. Đồng thời, áp lực đang gia tăng để lựa chọn ở bên này hay bên kia.

Ở Berlin, mối lo ngại gia tăng là Washington có thể đưa ra tối hậu thư cho Đức và EU: "Hoặc là bạn ở với chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi".

Niels Annen, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội trung tả, là bộ trưởng Ngoại giao Đức, nói: "Mỹ đòi hỏi sự nhiệt tình đối với chính sách của Mỹ về Trung Quốc, nhưng chúng tôi không có điều đó."

Berlin cũng không phải là bên ủng hộ những nỗ lực của Trump để cô lập Trung Quốc. Tổng thống Mỹ thậm chí còn đe dọa gần đây đã cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc. Và Đức không sẵn sàng tham gia với chính sách "tách rời".

"Trong một thế giới toàn cầu hóa và kết nối mạng, sự cô lập không phải là công cụ chính xác" - Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói.

Quan điểm này được ông Norbert Röttgen - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại quốc hội Đức ủng hộ: "Một chính sách nhằm cô lập Trung Quốc không nằm trong lợi ích của Đức hay châu Âu".

Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Washington vào tháng 6/2020, đó là chỉ dấu mới nhất về mức độ xa cách giữa 2 quốc gia này trong những năm gần đây. Trước việc bà Merkel nhiều khả năng không xuất hiện, cuộc họp này đã được lùi lại vào tháng 9.

Trong khi đó các lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ họp thượng đỉnh đặc biệt ở thành phố Leipzig (Đức) vào tháng 9 tới với hy vọng cài đặt lại quan hệ EU-Trung Quốc sau khi xấu đi trong vài tháng gần đây do đại dịch Covid-19.

Nước Đức coi trọng hợp tác và dè chừng Trung Quốc

Bernhard Bartsch – chuyên gia cao cấp của Đức về châu Á tại tổ chức Bertelsmann Stiftung của Đức bình luận, trong lúc quan hệ EU-Trung Quốc xấu đi thì chính quyền của Thủ tướng Đức Merkel lại “đang nỗ lực để điều chỉnh chính sách với Trung Quốc”.

Đức cẩn trọng trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc, không ủng hộ đối đầu Bắc Kinh theo kiểu của ông Trump.

Từ năm 2000, Đức đã thu hút thị phần đầu tư của Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu, chỉ đứng sau Anh. Năm 2018, thương mại song phương đã đạt khoảng 200 tỷ euro (tương đương 222,7 tỷ USD).

Cũng năm 2018, Đức chiếm gần một nửa tổng số hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc, theo các dữ liệu của Viện Nghiên cứu châu Á của Trung Âu (CEIAS).

So với các quốc gia châu Âu khác, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc hiện chiếm 7,1% tất cả các xuất khẩu của Đức trong năm 2018, so với mức 5,6% của Anh.

Rõ ràng với các mối liên kết thương mại và kinh doanh gần gũi như vậy, dễ hiểu là “chính phủ Đức sẽ mong muốn tránh các đối đầu với chính phủ Trung Quốc, chủ yếu vì e sợ đòn trả đũa đối với hoạt động kinh doanh của Đức ở Trung Quốc”, theo nhận định của ông Bartsch.

Dẫu vậy, Berlin gần đây cũng đang xem xét việc thay đổi quan hệ với Trung Quốc, dần dần tiến tới quan điểm là cần phải có cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với Bắc Kinh.

Quan điểm của Berlin đối với Trung Quốc đã trở nên phức tạp kể từ năm 2017, sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và quan hệ giữa Mỹ và châu Âu (trong đó có Đức) xấu đi đáng kể.

Kể từ năm 2017, chính phủ Đức đã tích cực ngăn các hãng mang tính chiến lược của Đức - các hãng trong lĩnh vực công nghệ, khỏi bị các công ty Trung Quốc thâu tóm.

Các quan chức Đức cũng gây sức ép lên EU (với sự hậu thuẫn của Pháp và Italy) để áp dụng các hạn chế trong toàn vùng và các cơ chế kiểm tra đối với các nguồn đầu tư từ bên ngoài cũng như việc mua các hãng châu Âu cần được thực hiện bởi các “nhà đầu tư phi EU” (ám chỉ Trung Quốc).

Manfred Weber, một chính trị gia bảo thủ của Đức và là đồng minh của bà Merkel, đã phát biểu vào tháng 5 rằng cần có lệnh cấm 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đang mua các hãng của châu Âu do đại dịch Covid-19.

Ông Weber nói với một tờ báo Đức: “Chúng ta phải thấy rằng các công ty Trung Quốc, được nhà nước hỗ trợ một phần, đang ngày càng nỗ lực mua các công ty của châu Âu hiện có giá rẻ hoặc gặp khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Giống như EU, Đức cơ bản không hứng thú theo đuổi cách tiếp cận kiểu Mỹ là đối đầu với Trung Quốc. Trên thực tế, các chính trị gia Đức vẫn cam kết với ý tưởng châu Âu phải tạo lập chỗ đứng riêng khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu ngày càng căng thẳng.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/duc-ran-nut-voi-my-than-trong-lam-an-voi-trung-quoc-3409589/