Đức - Pháp 'chung tay' đưa EU vươn lên sau Covid-19

Kết quả từ chuyến thăm Đức cuối tháng 6 vừa qua của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy những tín hiệu tích cực về việc khắc phục những khác biệt kinh tế cũng như sự phục hồi chung của Liên minh châu Âu (EU) hậu Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khuôn khổ cuộc gặp song phương tại nhà khách Chính phủ Đức gần Thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khuôn khổ cuộc gặp song phương tại nhà khách Chính phủ Đức gần Thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AP

Sau cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 29-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Đức và Pháp đang nỗ lực kêu gọi EU chấp thuận Quỹ phục hồi kinh tế EU - một giải pháp để châu Âu chống lại suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra. Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Đây là ưu tiên tuyệt đối". Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tự tin bày tỏ rằng, không cần bổ sung thêm đề xuất nào về quỹ này tại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong tháng 7.

Ngoài Quỹ phục hồi, 2 nhà lãnh đạo của 2 quốc gia chủ chốt của EU cũng bày tỏ mong muốn liên minh sớm khắc phục những khác biệt về ngân sách hàng năm có giá trị lên tới 1.000 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD).

Theo giới quan sát quốc tế, chuyến thăm Đức của Tổng thống Pháp cũng như cuộc hội đàm riêng của 2 nhà lãnh đạo diễn ra chỉ 2 ngày trước khi Đức tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1-7. Đây được xem là một trong những điểm đáng chú ý. Bởi lẽ, cả Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đều đang cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận giữa các nước châu Âu để lấy quỹ trị giá 750 tỷ euro nhằm giúp EU phục hồi sau sự suy thoái của Covid-19.

Trên thực tế, sau cuộc hội đàm riêng, Tổng thống Macron cũng tuyên bố trước truyền thông quốc tế rằng, cả ông và bà Merkel đều dành sự “ưu tiên tuyệt đối” để EU chấp thuận Quỹ phục hồi này, đồng thời nhấn mạnh, nếu các quốc gia EU không tìm được tiếng nói chung thì châu Âu khó có thể vượt qua cuộc khủng hoảng đang hiện hữu. Tổng thống Macron cũng tự tin nhấn mạnh, thỏa thuận về ngân sách và Quỹ phục hồi kinh tế EU sẽ có thể đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong 2 ngày 17 và 18-7.

Hiện nay, bối cảnh suy thoái tại châu Âu hiện được xem là tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai với mức suy giảm kinh tế dự báo lên tới 10,2% trong năm nay. Các nhà lãnh đạo châu Âu đều cùng khẳng định việc phải có hành động khẩn cấp để đưa nền kinh tế EU vươn lên. Bởi lẽ, EU đang “bối rối” khi phải đương đầu cùng lúc với hàng loạt thách thức như: Nhiều quốc gia lâm vào cảnh suy yếu do Covid-19 gây tác động kinh tế rất lớn với toàn khối; quan hệ chưa rõ ràng với Anh sau khi nước này rời EU; các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, giảm khí thải; cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc diễn biến xấu...

Tại các nước EU hiện đã có khoảng 100 nghìn người tử vong do Covid-19 cùng rất nhiều tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội. Mặt khác, sự tranh cãi nội bộ các nước thành viên EU trong thời gian qua cũng làm suy giảm niềm tin từ người dân cũng như vị thế của khối trên trường quốc tế. Trên góc độ tích cực, các nước châu Âu đang đặt kỳ vọng rất lớn vào Đức, bởi đây là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu và giữ chức Chủ tịch của liên minh trong nửa cuối năm nay.

Dự kiến, Quỹ phục hồi kinh tế EU sẽ huy động một số tiền lớn trên thị trường quốc tế nhằm tạo nguồn lực tài trợ cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng. Cũng theo giới quan sát khu vực, nếu Quỹ phục hồi kinh tế EU được chấp thuận thì đây sẽ là lần đầu tiên khối này áp dụng biện pháp “dồn tiền” để ứng phó với cuộc khủng hoảng chung của khối.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên EU được đánh giá là “giàu có” đang cho thấy sự không hài lòng với việc hỗ trợ các quốc gia thành viên EU yếu kém như Hy Lạp và Italia. Trong khi đó, nhóm 4 quốc gia “tiết kiệm” gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển dù có phần quan tâm tới quỹ này, nhưng cũng được nhìn nhận là đang ở phe đối lập. Vấn đề chấp thuận Quỹ phục hồi kinh tế EU đang là vấn đề được tranh luận sôi nổi tại EU và tương lai của quỹ vẫn chưa chắc chắn.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duc-phap-chung-tay-dua-eu-vuon-len-sau-covid-19-post430462.html