Đục nước béo cò

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ năm thành viên của đoàn thanh tra tỉnh để điều tra về hành vi nhũng nhiễu, 'vòi' tiền doanh nghiệp. Năm cán bộ bị tạm giữ được phân công thanh tra công tác quản lý thu chi ngân sách và xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Quá trình thực thi công vụ, cán bộ trong đoàn thanh tra đã có dấu hiệu vòi vĩnh tiền của đối tượng bị thanh tra.

Dân với Đảng

Đây không phải là lần đầu cán bộ thanh tra bị phát giác về hành vi lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm để trục lợi cá nhân. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển cơ quan công an trường hợp một cán bộ thuộc cơ quan này nhận hàng trăm triệu đồng của người dân ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên quan tranh chấp đất đai. Đó là những hành vi cần được ngăn chặn kịp thời, nhất là khi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đang được đẩy mạnh.

Theo quy định, cơ quan thanh tra thuộc hệ thống cơ quan hành pháp, thực hiện quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng… thanh tra là nhiệm vụ liên quan lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, do đó, đòi hỏi rất cao về phẩm chất, năng lực, uy tín đối với cán bộ làm công tác thanh tra. Công tác thanh tra cần tuân thủ nghiêm mục đích, nguyên tắc, trình tự thanh tra, bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực và tuyệt đối không gây trở ngại cho hoạt động của đối tượng bị thanh tra. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít cán bộ thanh tra đã lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm để “đục nước béo cò”; vi phạm quy định về bảo mật, gợi ý đối tượng bị thanh tra biếu quà, lợi dụng nhu cầu không chính đáng hay vi phạm của đối tượng bị thanh tra để ra điều kiện, trục lợi cá nhân…, gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành và niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm, đủ tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra từ nội bộ, sự phối hợp của đối tượng thanh tra với quần chúng nhân dân. Đồng thời, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được thực hiện công khai, minh bạch, rõ việc, rõ người, rõ quy trình và kết quả. Không làm tốt yêu cầu đó sẽ vô tình tạo “vỏ bọc” cho tiêu cực phát sinh.

ĐAN LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40179702-duc-nuoc-beo-co.html