Đức nới tay cho Huawei bất chấp sức ép Mỹ

Theo chân nhiều nước châu Âu, Đức chuẩn bị cho phép Huawei được cung cấp phần cứng hỗ trợ 5G.

Ngày 14/10, Đức đồng ý cho Huawei xây dựng mạng 5G ở nước này nếu công ty thỏa mãn một số quy tắc bảo mật mới của nước này.

Thủ tướng Đức không chấp thuận sức ép từ Mỹ về cáo buộc Huawei.

Thủ tướng Đức không chấp thuận sức ép từ Mỹ về cáo buộc Huawei.

“Danh sách các nguyên tắc bảo mật” sẽ được công bố trong tuần này, xác nhận quyết định của Đức về việc tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho các nhà cung cấp mạng viễn thông.

“Những kết quả có được trong danh sách của chính phủ chưa từng và cũng không dự định việc sẽ loại bỏ bất kỳ công ty nào” - một quan chức cấp cao của Đức trả lời trên Reuters.

Huawei là đối tác của một số nhà khai thác viễn thông Đức. Các đối tác Đức những tháng qua đã nhanh chóng cảnh báo Huawei rằng sẽ trì hoãn việc triển khai mạng 5G trong nhiều năm nếu Chính phủ Đức chấp thuận các lập luận về an ninh mạng của Mỹ đối với công ty này.

Tuy nhiên, điều này cũng gây thiệt hại cho Đức. Chúng không chỉ khiến mạng 5G tại Đức bị tụt lại phía sau mà còn khiến nước này mất hàng tỷ đô la chi phí.

Dẫu vậy, các nhà mạng Đức đều phản đối những cáo buộc của Mỹ nhằm vào công ty Trung Quốc, cho rằng Huawei chứa các "cửa hậu" để tạo điều kiện cho gián điệp mạng hoạt động.

Thông tin về việc Đức không ngăn chặn Huawei hay bất cứ công ty viễn thông nào nếu họ tuân thủ các điều kiện về bảo mật đã cho thấy lập trường của Thủ tướng Đức Angela Merkel trước các sức ép từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tuy Đức và một số đồng minh trong EU không đồng quan điểm với Mỹ về các cáo buộc đối với Huawei, yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng nhưng họ vẫn tỏ mối quan ngại về vấn đề bảo mật của công ty viễn thông Trung Quốc.

Tuần trước, các thành viên EU lên tiếng cảnh báo về mối nguy an ninh ngày càng tăng có liên quan đến việc triển khai 5G. Báo cáo của EU không chỉ thẳng mặt Huawei, nhưng nêu rõ việc siết an ninh hạ tầng viễn thông là cần thiết, đồng thời đề cập đến các thách thức đến từ “những nhân tố không thuộc EU hoặc do chính phủ hậu thuẫn”.

Những thông tin về việc Đức tiếp tục cấp phép cho Huawei diễn ra sau khi hàng loạt quốc gia châu Âu cho phép Huawei triển khai các dự án phát triển hạ tầng mạng 5G.

Châu Âu được cho là nơi tập trung các đồng minh và đối tác thân cận của Mỹ, chiếm tới 60% các hợp đồng cung cấp thiết bị 5G trên toàn thế giới của Huawei.

Bà Chen Lifang - Giám đốc bộ phận truyền thông và quan hệ công chúng của Huawei - cho rằng, điều này khẳng định các nỗ lực vận động tẩy chay Huawei của Mỹ gần như không có hiệu quả.

"Huawei đang theo sát sự phát triển của mạng lưới 5G tại châu Âu, và sẽ hỗ trợ toàn diện cho hệ thống này" - bà Chen nhấn mạnh trong hội nghị bàn tròn tại Bỉ.

Tại Anh, một đồng minh chính của Mỹ, Huawei đang giúp 4 nhà mạng hàng đầu Anh xây dựng mạng lưới 5G. Hiện vẫn chưa rõ Huawei có được phép xây dựng hệ thống 5G không dây cho Anh hay không.

Hồi tháng 3, Huawei cũng khai trương một phòng thí nghiệm và phát triển các sản phẩm an ninh mạng tại Bỉ. Đây là phòng thí nghiệm thứ hai của Huawei tại châu Âu, sau Anh.

Huawei không công bố danh tính của các khách hàng cũng như giá trị các hợp đồng song cho biết họ đang dẫn trước các đối thủ chính là Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển.

Tính đến cuối tháng 6/2019, Huawei có 50 hợp đồng 5G, Nokia kiếm được 43 hợp đồng, Ericsson có được 22 hợp đồng. ZTE, một đối thủ khác của Huawei cũng đến từ Trung Quốc, giành được 25 hợp đồng 5G.

Theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này, trong năm 2018 doanh thu của Huawei tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi đạt gần 30 tỉ USD, nhiều hơn cả thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương gộp lại (chưa tính thị trường Trung Quốc).

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/duc-noi-tay-cho-huawei-bat-chap-suc-ep-my-3389508/