Đức nhận chiến hạm đủ sức đối đầu hạm đội Baltic Nga

Chiến hạm F125 (Type 125) lớp Baden-Wurttemberg đã chính thức gia nhập đội hình tác chiến của Hải quân Đức hôm 17/6 trong buổi lễ tổ chức tại nhà máy của Thyssenkrupp.

Naval Today thông báo rằng tàu khu trục F22 Baden-Wurttemberg đã được đưa vào hoạt động 8 năm sau khi Tập đoàn TKMS được chọn làm nhà thầu chính cho việc chế tạo 4 chiến hạm 7.000 tấn thế hệ mới với mục đích thay thế 8 tàu khu trục lớp Bremen hiện đang phục vụ cho Hải quân Đức.

Theo TKMS, tàu thứ hai trong lớp mang tên Nordrhein-Westfalen sẽ sẵn sàng để bàn giao trong năm nay. Hai tàu cuối cùng dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng 2 năm tới và có thể còn tùy chọn đóng thêm một loạt 4 tàu thứ hai.

Điều đáng nói ở đây chính là việc các khu trục hạm lớp Baden-Wurttemberg được Hải quân Đức chế tạo và triển khai tại khu vực biển Baltic nhằm mục đích chính là kiềm chế Hải quân Nga, cụ thể là Hạm đội Baltic.

Khu trục hạm F22 Baden-Wurttemberg trong lễ bàn giao cho Hải quân Đức

Khu trục hạm F22 Baden-Wurttemberg trong lễ bàn giao cho Hải quân Đức

F125 (Type 125) lớp Baden-Wurttemberg mặc dù được Hải quân Đức xếp hạng khinh hạm nhưng với lượng giãn nước đầy tải lên tới 7.200 tấn và chiều dài 150 m, đây chính là chiếc frigate lớn nhất thế giới, thực chất nó phải được phân loại là khu trục hạm.

Sau khi chính thức gia nhập hạm đội, F125 Baden-Wurttemberg cùng với khu trục hạm phòng không F124 Sachsen sẽ tạo ra biên đội tác chiến nhằm giành sự thống trị trên biển Baltic trước Hải quân Nga.

Được thiết kế theo công nghệ module hiện đại có tính tùy biến cao, F125 đảm đương tốt mọi nhiệm vụ từ tác chiến chống tàu mặt nước, phòng không cho tới tấn công mặt đất, trinh sát.

Ngoài ra hình dáng góc cạnh nhằm giảm bộc lộ tín hiệu radar, vật liệu chế tạo tiên tiến... khiến chiếc chiến hạm này rất khó bị phát hiện bởi các phương tiện trinh sát điện tử, hồng ngoại cũng như âm thanh của đối phương.

Cảm biến chính của F125 là radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) TRS-4D/NR có độ phân giải cao và tầm trinh sát xa, cho khả năng nhận dạng chính xác mục tiêu trên không cũng như trên biển.

Đi kèm theo đó là các loại radar dẫn đường hàng hải, thiết bị trinh sát quang học, thông tin liên lạc tối tân có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu.

Khu trục hạm F22 Baden-Wurttemberg được đánh giá rất cao về tính năng khi hoàn thiện

Mặc dù là một chiến hạm cỡ lớn, hiện đại, hình dáng rất "hầm hố" nhưng có lẽ trong tương lai gần F125 vẫn chưa đủ tầm để khiến Hải quân Nga phải lo ngại.

Hiện tại không gian trống trên tàu vẫn còn rất nhiều, khối kết cấu phía trước đài chỉ huy có thể sẽ sớm được lắp bệ phóng thẳng đứng loại Mk 41 của Mỹ tương tự chiếc Sachsen để mang đạn đánh chặn tầm xa SM-2, hoặc A50 Sylver của châu Âu tương thích với tên lửa phòng không Aster-15/30.

Tuy nhiên lúc này, trên tàu mới chỉ có duy nhất 1 bệ phóng Mk 31 của tên lửa tầm ngắn RIM-116 Block 2 (không phải biến thể SeaRAM tiên tiến nhất).

Thiếu sót nữa của F125 là nó chưa có hệ thống định vị thủy âm hay ngư lôi, để chống lại tàu ngầm đối phương phải trông chờ hoàn toàn vào trực thăng NH90, khiến việc giám sát bị ngắt quãng và tầm trinh sát cũng rất ngắn.

Vũ khí mạnh nhất của Baden-Wurttemberg dự định là tên lửa chống hạm tầm xa có khả năng tấn công mặt đất RBS-15 Mk-4, đáng tiếc là chưa biết đến khi nào công việc thử nghiệm hoàn thành, cho nên tạm thời F125 phải vũ trang bằng 8 tên lửa Harpoon của Mỹ.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/duc-nhan-chien-ham-du-suc-doi-dau-ham-doi-baltic-nga-3382174/