Đức: Nguy cơ tan vỡ liên minh cầm quyền

Cả hai đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đã chịu một thất bại tồi tệ trong cuộc bầu cử khu vực vào ngày 14-10 ở Bavaria.

Theo giới quan sát, thất bại mới nhất này có thể làm tan vỡ liên minh cầm quyền vốn đang rất mong manh của Thủ tướng Merkel.

Trong các cuộc bầu cử khu vực ở Bavaria, đông nam nước Đức, đảng CSU mặc dù về nhất với 37% số phiếu bầu, nhưng mất đa số tuyệt đối trong nghị viện khu vực và mất 10 điểm so với kết quả hồi năm 2013. Đảng SPD đã mất gần một nửa số cử tri và chỉ đạt 9,5% số phiếu bầu. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử Bavaria là đảng Xanh, đứng thứ hai với gần 18% phiếu bầu, và đảng AfD cực hữu với 10,6% phiếu bầu.

Ngay sáng 15-10, các lãnh đạo đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD đã nhóm họp khẩn cấp tại Berlin để rút ra bài học từ những thất bại này.

Kết quả bỏ phiếu đã tác động xấu đến chính phủ liên minh của bà Merkel. Bà Merkel đã mất tới 4 tháng để thành lập được liên minh này thông qua các cuộc đàm phán khó khăn và phải vượt qua sự phản đối với vấn đề di cư cũng như vụ bê bối liên quan đến giám đốc tình báo của nước này. Đảng CDU đã buộc tội các thành viên đảng CSU đứng về phía đảng chống di cư AfD trong cuộc đấu tranh công khai làm hoen ố hình ảnh của hai bên.

Phát biểu sau khi kết quả ban đầu được công bố, lãnh đạo đảng SPD Andrea Nahles không chỉ đích danh bà Merkel nhưng nói rằng liên minh của Thủ tướng là một nguyên nhân gây ra thất bại của đảng này ngày 14-10. “Thật cay đắng là chúng tôi không thể thuyết phục được cử tri. Chắc chắn, một trong những lý do chúng tôi không đạt được kết quả tốt là vì liên minh lớn tại Berlin”, bà nói và cho biết thêm rằng việc đối đầu đã làm tổn thương các bên trong chính phủ. “Chắc chắn là cần phải thay đổi điều này”.

Trong khi đó, bà Alice Weidel của đảng AfD nói rằng sẽ “không có đại liên minh nào nữa tại Berlin”. “Những người đã bỏ phiếu cho AfD ở Bavaria hôm nay cũng cho rằng Merkel phải ra đi", bà nói. "Hãy dọn đường cho cuộc bầu cử mới, dọn đường cho chính sách quốc gia của chúng tôi”.

7 tháng sau khi được thành lập trong “đau đớn”, và sau hai cuộc khủng hoảng nội bộ mùa hè vừa qua, Chính phủ liên minh CDU/CSU-SPD cầm quyền của Thủ tướng Merkel giờ đây dường như bị dồn vào chân tường. Giờ là lúc liên minh này phải giải quyết mâu thuẫn giữa người đứng đầu CSU, ông Horst Seehofer với bà Angela Merkel.

Hai tuần nữa đến lượt đảng CDU của bà Merkel phải đối mặt với cuộc bầu cử địa phương tại Hessen. Đây là nơi CDU đang kiểm soát chính quyền và lãnh đạo cấp vùng cũng có thể sẽ bị cử tri mạnh tay trừng phạt. Bà Merkel vốn đã yếu thế nay lại càng bị đe dọa, nhất là trong bối cảnh, đến đầu tháng 12 tới, CDU họp đại hội đảng và bà Merkel muốn tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng thêm một nhiệm kỳ.

Trong khi đó, đảng AfD cực hữu và đảng Xanh đang muốn thành lập liên minh. "Đây là một lời cảnh báo cho CDU và đó là lý do tại sao ưu tiên của chúng tôi trong 2 tuần tới phải đứng đầu ở Hesse", Tổng thư ký đảng CDU, Annegret Kramp-Karrenbauer nói hôm 14-10.

Sau 13 năm nắm quyền, Thủ tướng Đức Merkel đang phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất, đó là hậu quả chính trị sau quyết định mở cửa nước Đức cho những người di cư gặp nạn của bà vào năm 2015.

Mặc dù đã thắt chặt đáng kể chính sách này, nhưng bà Angela Merkel đã bị “trọng thương” bởi sự thắng thế của phe cực đoan trong các cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9-2017. Sau cuộc bầu cử này, bà đã chiến đấu suốt gần 6 tháng để thành lập một chính phủ liên minh với SPD và CSU. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận quốc gia được tờ Bild công bố ngày 14-10, liên minh CDU/CSU hiện chỉ nhận được 26% phiếu tín nhiệm, trong khi SPD ở mức 17%, bằng với đảng Xanh và chỉ đứng trên đảng cựu hữu một ít (15%).

Một vấn đề khác đối với Thủ tướng Merkel, đó là những ý định ra khỏi liên minh cầm quyền của đảng SPD. Nhà phân tích chính sách Leopold Traugott thuộc Trung tâm nghiên cứu Open Europe nói với CNN rằng cả 3 bên liên minh: đảng CDU, CSU và SPD sẽ ngày càng lên tiếng kêu gọi thay đổi lãnh đạo.

"Tâm trạng của các đảng thành viên 'đại liên minh' đã trở nên rất tiêu cực trong nhiều tháng nay, và thậm chí còn tồi tệ hơn sau cuộc bầu cử này", ông nói. “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng liên minh hiện tại không có lợi cho tất cả các bên”.

Anh Kiệt

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/duc-nguy-co-tan-vo-lien-minh-cam-quyen-517647/