Đức, Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc: Giữa hoãn và hủy

Đức, chủ tịch EU hoãn tổ chức cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc. Thấy gì và lý giải thế nào về ứng xử rất 'lạ thường' này của nước Đức nói riêng và của EU nói chung. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Thủ tướng Đức thông báo hoãn tổ chức cuộc gặp cấp cao EU-Trung Quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2020. (Nguồn: DPA)

Mới rồi, chính phủ Đức cho biết cuộc gặp cấp cao giữa EU và Trung Quốc dự kiến được tổ chức vào ngày 14/9 tới tại Leipzig (Đức) bị trì hoãn vô thời hạn. Lý do chính thức được đưa ra là ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Sự kiện ấy được phía Đức coi là đỉnh cao và tâm điểm của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU mà nước Đức sẽ đảm nhiệm từ ngày 1/7 này cho nửa năm 2020 còn lại.

Câu trả lời ngoại giao

Lời biện minh cho việc cuộc gặp cấp cao kia bị hoãn khiến liên tưởng đến câu châm ngôn của Charles Maurice de Talleyrand-Perigord (1754-1838). Người này là một trong những chính khách và nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của nước Pháp thời Cách mạng Pháp, Những cuộc chiến tranh của Napoleon và Hội nghị Vienna, đã từng đảm trách cương vị bộ trưởng ngoại giao Pháp.

Sử sách nước Pháp có chép lại chuyện trao đổi giữa ông Talleyrand với bà Germaine de Stael mà ở đó ông Talleyrand từng nói: "Nhà ngoại giao khi nói "Đồng ý" có nghĩa là "có thể đồng ý", khi nói "có thể đồng ý" tức có nghĩa là "không đồng ý" còn nếu nói "không đồng ý" thì không phải là nhà ngoại giao nữa. Người phụ nữ khi nói "không đồng ý" có nghĩa là "có thể đồng ý", khi nói "có thể đồng ý" có nghĩa là "đồng ý" còn nếu nói "đồng ý" thì không phải là người phụ nữ nữa".

Mối quan hệ giữa EU vàTrung Quốc xưa nay chưa khi nào chỉ thấy thuận buồn xuôi gió nhưng cho dù có khúc mắc nhau đến mấy và các vấn đề cũ dai dẳng tồn tại hay mới nảy sinh nan giải như thế nào thì cũng sẽ không bao giờ mối quan hệ ấy bị đổ gẫy. Hai bên đã gây dựng và vận hành khuôn khổ diễn đàn gặp gỡ cấp cao định kỳ từ lâu nay rồi nhưng sự kiện dự định tổ chức ở Leipzig vào mùa thu năm nay đặc biệt ở chỗ lần đầu tiên có sự tham dự đầy đủ ở cấp cao nhất, tức là lần đầu tiên có Chủ tịch Trung Quốc tham dự. Nó có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cả hai bên - giống như dấu mốc về thời kỳ quan hệ hợp tác mới. Vì thế, cho dù giữa hai bên xảy ra bất cứ chuyện gì đi chăng nữa, họ cũng sẽ không bao giờ chính thức nói ra là hủy cuộc gặp cấp cao mà chỉ dùng động từ "hoãn".

Theo cách tiếp cận của Charles Maurice de Talleyrand-Perigord, hoãn tạo nên vùng xám cho nhận thức, đủ để hàm ý vừa có thể là hoãn lại vừa có thể là hủy, hoãn chứ không phải hủy mà đồng thời lại hoãn chẳng khác gì hủy. Hoãn vô thời hạn thì đâu có khác gì hủy trên thực tế hoặc trì hoãn thời gian dài thì cũng như thế bởi bối cảnh tình hình khi ấy sẽ làm cho sự kiện trở nên khác biệt hoàn toàn so với trước đấy.

Ba lý do của chuyện hoãn/hủy

Nguyên do chính khiến EU không thể và không dám tổ chức cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc như dự kiến, kể cả dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, là không có được sự đảm bảo chắc chắn rằng cuộc gặp sẽ thành công như hai bên mong đợi trong bối cảnh tình hình hiện tại. Sự kiện bị thất bại sẽ còn tai hại đối với EU hơn là không tổ chức sự kiện. Có 3 lý do khiến EU không thể thành công được với sự kiện này.

Thứ nhất là bất đồng quan điểm quá sâu sắc giữa EU và Trung Quốc về những quyết sách mới đây nhất của Trung Quốc đối với người theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương và đối với Hong Kong, cụ thể là việc Trung Quốc ban hành bộ luật mới về an ninh cho Hong Kong. EU không thể hiện phản ứng chính thức quyết liệt như Mỹ hay Anh về bộ luật này của Trung Quốc nhưng không thể làm như ở Trung Quốc không hề có luật này. Bộ luật này khiến EU vô cùng khó xử vì dẫu có coi trọng Trung Quốc đến mấy thì cũng không thể thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong khi Trung Quốc muốn làm gì với Hong Kong thì làm.

Thứ hai là nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Mỹ Donald Trump làm găng với Trung Quốc phục vụ cho mục tiêu được tái đắc cử. Trong bối cảnh tình hình ấy, EU hướng tới mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác mới với Trung Quốc thì đâu có khác gì khiêu khích và trêu ngươi ông Trump cũng như công khai hàm ý không muốn ông Trump tái đắc cử. Nếu rồi đây ông Joe Biden được bầu làm tổng thống mới của Mỹ thì không sao chứ còn nếu ông Trump tiếp tục cầm quyền ở Mỹ thì EU sẽ càng thêm trắc trở trong quan hệ với Mỹ. Cho nên tạm hủy hay tạm hoãn cho tới sau cuộc bầu cử ở Mỹ để tùy vào kết cục cuối cùng mà tính tiếp mới là thượng sách đối với EU.

Thứ ba là hiệp định về bảo hộ đầu tư giữa hai bên chưa được đàm phán xong xuôi nên cuộc gặp cấp cao EU - Trung Quốc nếu có được tiến hành thì cũng không có được kết quả cụ thể nào, nội bộ EU hiện bị phân rẽ sâu sắc bởi thành công của Trung Quốc với khuôn khổ diễn đàn hợp tác riêng giữa Trung Quốc và 19 nước ở châu Âu, trong đó có nhiều thành viên EU cũng như bởi không đồng thuận quan điểm về đảm bảo lợi ích an ninh chiến lược trong hợp tác với các doanh nghiệp của Trung Quốc ở châu Âu mà việc doanh nghiệp Trung Quốc dần thâu tóm các doanh nghiệp ở châu Âu hay hợp tác với tập đoàn Huawei của Trung Quốc về thế hệ truyền tin di động 5G là những ví dụ điển hình.

Cho nên việc tổ chức sự kiện lớn bị hoãn lại trên danh nghĩa chính thức. Trong thực chất, giữa hoãn và hủy, ai ở đâu hiểu như thế nào cũng đều được cả.

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-lien-minh-chau-au-eu-voi-trung-quoc-giua-hoan-va-huy-117194.html