Đức đưa thêm nhiều nước và khu vực vào danh sách nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19

Với việc đưa thêm nhiều nước và khu vực tại châu Âu vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng, Đức tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2. Một số vùng của nước Anh, bao gồm cả xứ Wales và Bắc Ireland, đã lần đầu tiên phải vào danh sách này.

Hành khách tại sân bay Tegel ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Hành khách tại sân bay Tegel ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, do số ca mắc COVID-19 vượt mốc 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua, ngày 30/9, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã bổ sung hai nước Bỉ và Iceland cùng một số khu vực của 9 nước châu Âu vào danh sách có nguy cơ cao đối với COVID-19.

Trong danh sách cập nhật mới nhất, Đức đã bổ sung thêm các vùng Pays de la Loire và Burgund của Pháp, đưa gần như toàn bộ quốc gia láng giềng lớn nhất này vào danh sách rủi ro, ngoại trừ vùng biên giới giáp với Đức là Grand Est - nơi từng ghi nhận tình hình dịch nghiêm trọng.

Việc mở rộng nguy cơ rủi ro với toàn bộ nước Bỉ, danh sách trước đây chỉ có Brussels, có hiệu lực với toàn bộ vùng biên giới giáp với hai bang Nordrhein-Westfalen và Rheinland-Pfalz của Đức.

Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng lần đầu tiên bổ sung các khu vực của hai quốc gia vùng Baltic là Litva và Estonia vào danh sách rủi ro và có động thái tương tự với nhiều địa phương tại Ireland, Croatia, Slovenia, Hungary và Romania.

Hiện Ba Lan là quốc gia láng giềng duy nhất không nằm trong danh sách, tuy nhiên, số ca nhiễm mới cũng đang dần tăng ở nước này.

Với quyết định trên, Chính phủ Đức hiện đã đưa 17/27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao với COVID-19, trong đó có toàn bộ các nước Bỉ, Tây Ban Nha, CH Séc và Luxembourg. Iceland không thuộc EU nhưng thuộc khu vực tự do đi lại Schengen.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo y tế 16 bang, Bộ trưởng Y tế LB Đức Jens Spahn cho biết Đức có thể sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại nhà trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian chuẩn bị cả về quy định y tế. Ông cũng bày tỏ tin tưởng Đức có thể tiến hành hàng triệu ca xét nghiệm kháng nguyên mỗi tháng.

Hiện, giới chức Đức đang thảo luận về việc thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở xét nghiệm PCR thông thường hiện nay hay xét nghiệm nhanh và chi phí thực hiện. Đây sẽ là một phần trong chiến lược xét nghiệm COVID-19 mới của Đức, dự kiến được công bố vào giữa tháng 10. Điều này sẽ rất hữu dụng trong việc xét nghiệm nhanh, đặc biệt với những người tới thăm người thân, bạn bè sống tại các nhà dưỡng lão có thể có ngay kết quả.

Cũng theo Bộ trưởng Spahn, nếu mọi việc suôn sẻ, Đức có thể có vaccine phòng COVID-19 trong thời gian nhanh kỷ lục vào "đầu năm tới". Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ 4 chữ AHAL trong phòng chống dịch bệnh, gồm giữ khoảng cách, giữ vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và đảm bảo thông gió. Theo ông, thông gió là một “vũ khí” chống virus SARS-CoV-2 đơn giản nhưng rất hiệu quả, vì gió thổi sẽ làm loãng các sol khí nhiễm virus SARS-CoV-2, và điều này rất quan trọng ở các công ty, nhiệm sở, trường học và nhà ở.

* Với tốc độ lây lan dịch bệnh mạnh, cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa vùng thủ đô Madrid. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho hay tình hình dịch bệnh tại đây là rất đáng quan ngại và phức tạp khi gần 44% trong 11.016 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua tại nước này tập trung tại vùng thủ đô Madrid, nơi có 6,6 triệu người dân sinh sống

Theo thông báo trên, lệnh phong tỏa sẽ được thực hiện tại thủ đô Madrid với 3 triệu dân và 9 vùng phụ cận với trên 100.000 người dân mỗi vùng. Người dân tại các khu vực này chỉ được phép ra ngoài với mục đích đi làm, đi học, khám chữa bệnh và mua đồ thiết yếu. Các quán bar và nhà hàng bị hạn chế công suất hoạt động và đóng cửa vào lúc 23h hằng ngày, các sự kiện tụ tập không được vượt quá 6 người tham gia. Trước đó, trên 1 triệu người dân tại Madrid và các vùng phụ cận phải chịu biện pháp tương tự, hầu hết trong số này là những lao động thu nhập thấp sống ở ngoại ô phía Nam thành phố Madrid.

Tây Ban Nha đang phải đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ hai và đến nay nước này đã ghi nhận 760.000 ca mắc và trên 31.000 người tử vong. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 300 ca/100.000 dân, riêng vùng Madrid là 780 ca/100.000 dân.

* Tại CH Séc, cùng ngày, chính phủ nước này quyết định áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày, từ ngày 5/10 tới, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 liên tục gia tăng. Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula cho hay sẽ cấm các sự kiện trong nhà với trên 10 người tham gia và các sự kiện ngoài trời có trên 20 người, ngoại trừ các sự kiện văn hóa nhất định, hoạt động của tòa án, một số cơ quan được cấp phép hoạt động... Biện pháp siết chặt còn quy định số thực khách ngồi cùng bàn trong nhà hàng không quá 6 người, nhà hát và rạp chiếu phim được phép mở cửa với số khán giả tối đa là 500 người.

* Tại châu Mỹ, Canada đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến ngày 31/10 khi dịch COVID-19 tại đây có dấu hiệu bùng phát trở lại với số ca mắc mới tăng đáng kể. Lệnh cấm này có hiệu lực từ giữa tháng 3 vừa qua khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu, ngoại trừ một số trường hợp như vợ/chồng, con cái, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân hoặc thường trú nhân Canada.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý nhập cư Colombia thông báo nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới đất liền, đường biển và đường sông cho tới ngày 1/11. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã trở thành nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 5 trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, Giám đốc Cơ quan Di trú Colombia, Juan Francisco Espinosa, cho hay, quyết định gia hạn đóng cửa biên giới sẽ được miễn với các trường hợp khẩn cấp vì lý do nhân đạo, vận chuyển hàng hóa hay các trường hợp bất khả kháng. Việc xuất cảnh của các công dân nước ngoài cần phải có sự phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Colombia bắt đầu đóng cửa các đường biên giới từ ngày 17/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Từ cuối tháng 8 vừa qua, Colombia đã bắt đầu dần nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội và thông báo mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 19/9.

Mạnh Hùng - Thanh Hương - Lê Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/duc-dua-them-nhieu-nuoc-va-khu-vuc-vao-danh-sach-nguy-co-cao-lay-nhiem-covid19-20201001123857962.htm