Đức dự định sẽ mua các tổ hợp phòng không NOMADS của Na Uy để cung cấp cho Quân đội Ukraine, ngoài ra Berlin sẽ bàn giao thêm tên lửa IRIS-T để sử dụng trên hệ thống này.
Điều cần quan tâm ở đây là quá trình sản xuất hệ thống phòng không NOMADS chỉ mới được Na Uy tiến hành do vừa hoàn thành phát triển, cho nên Đức cũng có thể tham gia dự án nhằm đầu tư mở rộng sản xuất.
Vào tháng 6/2024, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Kongsberg nổi tiếng của Na Uy đã thông báo bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không NOMADS thế hệ mới.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hệ thống mới với module chiến đấu nhỏ gọn, đặt trên khung xe thiết giáp cơ sở, ngoài các ống phóng còn có đài radar hỏa lực với ăng ten mảng pha quét chủ động (AESA), dùng để phát hiện và theo dõi mục tiêu trên không.
Trạm radar băng tần X thuộc dòng XENTA-M do công ty Weibel Scientific của Đan Mạch sản xuất đã được tích hợp vào hệ thống. Mặc dù mẫu radar cụ thể chưa được biết, nhưng nếu chọn phiên bản mạnh nhất thì phạm vi phát hiện mục tiêu trên không sẽ lên tới 75 km.
Theo kế hoạch, những hệ thống tên lửa phòng không NOMADS đầu tiên sẽ được đưa vào đội hình chiến đấu của Quân đội Na Uy từ năm 2026, quá trình bàn giao 6 khẩu đội theo đơn đặt hàng sẽ hoàn thành vào năm 2028.
Nhà phát triển tự tin khẳng định hệ thống này rất phù hợp để tiêu diệt các mục tiêu trên không kích thước nhỏ, ví dụ như máy bay không người lái cảm tử hay tên lửa hành trình.
Tổ hợp phòng không này khi sử dụng tên lửa IRIS-T, có khả năng tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 12 km và ở độ cao tối đa 8 km. Bên cạnh đó, nó còn bắn được cả loại AIM-9X Sidewinder của Mỹ.
Trong khi NOMADS là câu chuyện của tương lai thì theo thông báo mới nhất từ Kyiv, tổ hợp pháo phòng không Skynex do Tập đoàn Rheinmetall của Đức phát triển đã chính thức phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Nhiệm vụ chính của các tổ hợp Skynex mà Ukraine sử dụng là phòng không điểm, bởi vì module chiến đấu thuộc dạng gắn cố định thay vì gắn trên khung gầm xe cơ động, cho nên chúng được sử dụng để bảo vệ sân bay cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Một khẩu đội Skynex bao gồm 4 module chiến đấu với pháo phòng không 35 mm, trạm điều khiển và đài radar kiểm soát hỏa lực, cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí.
Trên mỗi module chiến đấu riêng lẻ đều có trạm radar riêng, được kết nối với hệ thống ngắm bắn quang học. Radar có tác dụng nhận diện mục tiêu trên không, kết hợp với khí tài quang điện tử mang lại độ chính xác cao trước khi chống lại mục tiêu cỡ nhỏ.
Tập đoàn Rheinmetall đã thông báo vào năm 2022 rằng họ sẽ sản xuất 2 khẩu đội Skynex cho một quốc gia châu Âu giấu tên, trong khi chính phủ Đức là nhà tài trợ cho việc chế tạo các hệ thống vũ khí nói trên.
Sau đó một vài nguồn tin giấu tên tại Berlin thông báo rằng Ukraine chính là khách hàng nhận được 2 khẩu đội hệ thống phòng không Skynex thế hệ mới nhất với trị giá lên tới 182 triệu euro.
Việc chuyển giao trực tiếp các hệ thống pháo phòng không Skynex là một phần trong gói viện trợ quân sự từ chính phủ Đức mà Ukraine đã nhận được vào đầu năm 2024.
Điểm đặc biệt nhất của vũ khí này đó là khả năng bắn đạn lắp ngòi điện tử định tầm nổ, là giải pháp rẻ tiền hơn nhiều so với việc dùng tên lửa đánh chặn mục tiêu giá trị thấp như UAV cảm tử Shahed-136.
Việt Dũng