Đức cân nhắc yêu cầu vua Thái chỉ định quan nhiếp chính mới cấp visa

Việc vua Thái dành thời gian ở bang Bavaria nhiều hơn tại quê nhà đang trở thành thách thức lớn cho chính sách đối ngoại của chính phủ Đức.

Làn sóng biểu tình đòi cải cách nền quân chủ Thái Lan đang gây sức ép lớn với chính quyền Đức. Hơn một tháng trước, hàng nghìn người biểu tình kéo đến đại sứ quán tại Bangkok và đề nghị nhà chức trách Đức làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến Vua Maha Vajiralongkorn.

Trong thư gửi Đại sứ Đức Georg Schmidt ngày 26/10, người biểu tình muốn biết liệu Vua Vajiralongkorn có chỉ đạo công việc nhà nước Thái Lan trong lãnh thổ Đức, vốn là hoạt động trái với luật pháp nước sở tại. Họ cũng đề nghị phía Berlin làm rõ liệu nhà vua có chịu thuế thừa kế tại Đức sau cái chết của cố vương Bhumibol Adulyadej vào tháng 10/2016.

 Quốc hội Đức vẫn chưa chính thức điều tra hay tranh luận về vấn đề cấp visa cho nhà vua Thái Lan lưu trú dài hạn ở nước này. Ảnh: Reuters.

Quốc hội Đức vẫn chưa chính thức điều tra hay tranh luận về vấn đề cấp visa cho nhà vua Thái Lan lưu trú dài hạn ở nước này. Ảnh: Reuters.

Thế khó cho Berlin

Những cuộc biểu tình gần như không ngừng nghỉ tại Thái Lan đang khiến câu chuyện visa của Vua Vajiralongkorn trở thành chủ đề nóng trên nghị trường Berlin.

Tiết lộ với Nikkei Asia, một quan chức Đức nhận định các yêu cầu tự phát từ người biểu tình Thái Lan vẫn chưa đủ để Bundestag (quốc hội Đức) khởi động điều tra hay tranh luận chính thức về nhà vua Thái Lan. Viễn cảnh điều tra có thể khiến quan hệ giữa Berlin và Bangkok thêm căng thẳng.

Trong một cáo buộc khác từ phía người biểu tình, một số thành viên đội an ninh tại Đức của nhà vua được cho là có tham gia những phi vụ tại Lào và Campuchia. Dư luận Thái Lan còn bàn tán khả năng hậu cung của nhà vua tại Bavaria đang bị ép ở lại trái ý muốn.

Cho đến thời điểm này, chính phủ Đức vẫn khẳng định chưa phát hiện bất kỳ chứng cứ nào đủ thuyết phục rằng nhà vua Thái Lan có hành vi sai phạm.

Dù vậy, cuối tháng 10, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vẫn nhấn mạnh nhà chức trách sẽ "đánh giá lại về dài hạn những diễn biến hiện nay và sẽ lập tức hành động nếu phát hiện vấn đề được cho là vi phạm pháp luật".

Sevim Dagdelen, nghị sĩ thuộc đảng Cánh tả, là một trong những người chỉ trích Vua Vajiralongkorn gay gắt nhất trong quốc hội. Bà cho rằng chính phủ cần chấm dứt quyền lưu trú của người đứng đầu hoàng gia Thái Lan.

Bà Dagdelen còn là thành viên Ủy ban Đối ngoại ở Bundestag. Với vị thế này, nữ nghị sĩ Đức yêu cầu các chuyên viên nghiên cứu của quốc hội vào cuộc. Báo cáo nghiên cứu ngày 18/11 xác nhận Vua Vajiralongkorn thời gian qua lưu trú tại Đức với visa cá nhân, chứ không phải visa dành cho quan khách của nhà nước. Sự khác biệt đó đã đẩy nhiều hoạt động tại Đức của nhà vua Thái Lan vào "vùng xám pháp lý".

Tuy nhiên, cũng theo kết luận của nhóm nghiên cứu, những biện pháp điều tra mà Ngoại trưởng Heiko Maas đề cập - gồm giám sát và xử phạt hành chính Vua Vajiralongkorn - sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Báo cáo ngày 18/11 lưu ý Vua Vajiralongkorn là nguyên thủ quốc gia nên vẫn được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao dù ông dùng visa cá nhân.

Vua Vajiralongkorn về nước từ tháng 10 và dự kiến đến cuối tháng 12 mới sang Đức. Theo nhóm nghiên cứu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, việc cấm nhà vua Thái nhập cảnh lại sẽ dẫn đến hành vi cưỡng chế không chính thức căn biệt thự của ông ở Bavaria. Điều này sẽ dẫn đến "những quan ngại về nhân quyền".

Giải pháp quan nhiếp chính

Liên quan đến cáo buộc rằng Vua Vajiralongkorn chỉ đạo công việc nhà nước Thái Lan trên lãnh thổ Đức, các chuyên gia đề xuất chính phủ Đức đặt ra điều kiện đặc biệt khi cấp visa cho nhà quân chủ. Vua Thái cần chứng minh rằng ông đã chỉ định một quan nhiếp chính ở Thái Lan, thay ông làm việc trong giai đoạn vắng mặt.

Theo Nikkei Asia, giải pháp này không mấy hấp dẫn đối với Vua Vajiralongkorn. Sau khi kế thừa ngai vàng vào năm 2017, ông còn cho điều chỉnh những nội dung liên quan trong hiến pháp Thái Lan. Theo đó, việc chỉ định quan nhiếp chính trong thời gian nhà vua xuất ngoại không còn mang tính bắt buộc.

Biệt thự Stolberg của nhà vua Thái Lan ở Tutzing, Đức. Ảnh: Getty.

"Cơ quan nghiên cứu của Bundestag không nắm cụ thể nhà vua Thái Lan làm những gì tại Bavaria", báo cáo chia sẻ.

"Điều đáng lưu ý là hiến pháp Thái Lan vào ngày 6/2/2017 đã hạ cấp độ về nghĩa vụ của nhà vua trong việc chỉ định quan nhiếp chính thay mặt khi ông ở nước ngoài. Vấn đề này chỉ còn là một phụ lục mang tính tùy nghi", báo cáo lưu ý.

Theo bà Sevim Dagdelen, vì Thái Lan không có quan nhiếp chính, Vua Vajiralongkorn gần như chắc chắn phải thực hiện công việc nhà nước của Thái Lan trong thời gian lưu lại Bavaria. Điều này mang những hàm ý nghiêm trọng đối với tình hình bất ổn chính trị hiện nay ở Thái Lan.

"Nếu nhà vua Thái Lan cùng chính quyền mạnh tay trấn áp biểu tình, ông ấy không thể được chính phủ ta tưởng thưởng bằng visa ở lại dài hạn và xa hoa trên đất Đức", Dagdelen nhấn mạnh.

Dư luận Đức đang có những ấn tượng thiếu thiện cảm với sự hiện diện của Vua Vajiralongkorn. Ông đưa cả thành viên hậu cung của mình đến Bavaria, có dấu hiệu trốn thuế thừa kế, cùng những đặc quyền mà sân bay ở Hamburg dành cho máy bay riêng của nhà vua.

Trong khi đó, những nhà lập pháp đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn ủng hộ cách tiếp cận hạn chế can dự vào chính trị Thái Lan. Theo nghị sĩ Mark Hauptmann, việc cấp visa cho Vua Vajiralongkorn không nên gắn liền với vấn đề nội bộ Thái Lan.

"Tôi nghĩ Bộ Ngoại giao đã phản ứng thái quá. Bộ Ngoại giao cần kín tiếng hơn trong vấn đề này", Hauptmann nhận định.

Người Thái Lan mang vịt vàng bơm hơi đi biểu tình Hàng nghìn người biểu tình ở Thái Lan mang theo những con vịt vàng bơm hơi như một biểu tượng của phong trào.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duc-can-nhac-yeu-cau-vua-thai-chi-dinh-quan-nhiep-chinh-moi-cap-visa-post1158475.html